tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh sáng 08-08-2016

  • Cập nhật : 08/08/2016

Hàn chỉ trích Trung Quốc nhắc THAAD 'không đúng chỗ'

Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho rằng Trung Quốc nên thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn để kiềm chế Triều Tiên gây bất ổn khu vực.

han quoc len an trung quoc khi khong the hien dung vai tro voi trieu tien. anh:reuters

Hàn Quốc lên án Trung Quốc khi không thể hiện đúng vai trò với Triều Tiên. Ảnh:Reuters

"Thay vì nói đến hành động phòng vệ đơn thuần của chúng tôi, Trung Quốc nên lên tiếng mạnh hơn với Triều Tiên, nước đang phá vỡ hòa bình và ổn định ở bán đảo và Đông Bắc Á. Họ đã thực hiện 4 vụ thử hạt nhân và riêng năm nay đã phóng hơn 10 tên lửa đạn đạo", Reuters dẫn lời bà Kim Sung-woo, Thư ký báo chí cấp cao của Tổng thống Park Geun-hye, cho biết trong thông cáo hôm nay.

Theo bà Kim, truyền thông Trung Quốc đổ lỗi cho Hàn Quốc về việc làm gia tăng căng thẳng ở bán đảo là "không đúng chỗ".

Hàn Quốc và Mỹ hồi tháng hai năm nay bắt đầu bàn về việc triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Động thái này diễn ra sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng một và phóng tên lửa tầm xa, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Seoul cho hay động thái này hoàn toàn nhằm chống lại nguy cơ gia tăng về tên lửa từ Bình Nhưỡng và không nhắm đến Bắc Kinh. Tuy nhiên Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ, cho rằng việc này có thể gây bất ổn trong khu vực.

Tờ People's Daily của Trung Quốc hôm 3/8 có một bài xã luận, trong đó cho rằng "Không thể có chuyện lãnh đạo Hàn Quốc không biết âm mưu chiến lược của Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc biết rõ hướng chính của lá chắn tên lửa. Bà không ngần ngại gây bất ổn khu vực và hủy hoại lợi ích an ninh của các nước láng giềng".

Triều Tiên cáo buộc Mỹ muốn tấn công hạt nhân phủ đầu

Triều Tiên ngày 6-8 cáo buộc Washington lên kế hoạch cho một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu sau khi Mỹ tuyên bố triển khai máy bay ném bom B-1 lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua tại Thái Bình Dương.

binh nhuong len an my vi trien khai may bay nem bom b-1 den guam - anh: afp

Bình Nhưỡng lên án Mỹ vì triển khai máy bay ném bom B-1 đến Guam - Ảnh: AFP

 

Bình Nhưỡng cáo buộc Mỹ "có những bước đi rõ ràng hơn trong động thái của nước này nhằm lật đổ CHDCND Triều Tiên bằng cách huy động tất cả vũ khí chiến tranh hạt nhân" - Triều Tiên lên án.

AFP cho biết máy bay B-1 đã được triển khai đến đảo Guam của Mỹ trong ngày hôm qua. Quân đội Mỹ cho biết việc triển khai B-1 là một hoạt động điều động luân phiên thường xuyên với máy bay ném bom B-52 tại Guam.

Hôm 29-7 Không quân Mỹ cho biết sẽ nâng cấp vũ khí tại Guam - một lãnh thổ của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương - bằng cách triển khai B-1 đến khu vực này lần đầu tiên từ tháng 4-2006.

Căng thẳng đã tăng cao kể từ khi Triều Tiên tiến hành đợt thử hạt nhân thứ 4 của nước này trong tháng giêng. Sau đó Bình Nhưỡng tiếp tục một loạt phóng thử tên lửa với lần phóng thử mới nhất và là lần đầu tiên tên lửa đã rơi xuống vùng biển Nhật.

"Những kẻ thù đang lừa gạt rằng họ có thể chuẩn bị một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhắm vào CHDCND Triều Tiên bằng cách cho phép B-1 bay trên bán đảo Triều Tiên trong 2-3 tiếng ngẫu nhiên. Những động thái như vậy để củng cố lực lượng hạt nhân một lần nữa cho thấy đế quốc Mỹ đang tiến hành chuẩn bị một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu tại CHDCND Triều Tiên như việc đã rồi" - một tuyên bố tiếng Anh trên truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết.

Trước đó Triều Tiên từng đe dọa "hành động thực tiễn" vì việc triển khai đã lên kế hoạch của hệ thống chống tên lửa tinh vi THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Bình Nhưỡng cũng nhiều lần cảnh báo nước này có thể thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại các mục tiêu tại Hàn Quốc và Mỹ.

Hôm qua lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phản ứng với bất kỳ hành vi xâm lược nào bằng cách biến Mỹ thành "biển lửa". 

"Hành động ngày càng gia tăng của đế quốc Mỹ để thúc đẩy một cuộc chiến tranh hạt nhân đang khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên không thể kiểm soát và trong giai đoạn thảm khốc" - KCNA tuyên bố.

máy bay ném bom, B-1, B-52, Guam, Bình Nhưỡng,(TT)

Hoàng tử Arab Saudi bị nghi liên quan đến vụ 11/9

Số điện thoại của Hoàng tử Bandar bin Sultan nằm trong danh sách cuộc gọi của trợ lý thân cận trùm khủng bố Bin Laden.

cuu dai su arab saudi tai my bandar bin sultan. anh: daily beast

Cựu đại sứ Arab Saudi tại Mỹ Bandar bin Sultan. Ảnh: Daily Beast

Trong danh sách cuộc gọi của Abu Zubaydah, kẻ được coi là nhân vật cấp cao của al-Qaeda, có số điện thoại không đăng ký của công ty có liên hệ với ông Bandar, Independent hôm qua đưa tin.

Theo đó, số điện thoại trên thuộc về công ty từng quản lý tài sản của ông Bandar ở bang Colorado, Mỹ. Một số điện thoại khác được tìm thấy trong danh sách cuộc gọi của Zubaydah là của vệ sĩ làm việc ở Đại sứ quán Arab Saudi tại Washington.

Đây là một phần trong báo cáo mật từ 2002, dài 28 trang liên quan đến vụ khủng bố 11/9/2001, được chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định công bố tháng trước. 

"Cả hai số điện thoại này đều không được công bố, vì thế các điều tra viên phải truy cập danh bạ của Zubaydah thông qua đầu mối cá nhân, người biết các số này và chúng thuộc về ai", ông Bob Graham, cựu thượng nghị sĩ, đồng chủ tịch Ủy ban biên soạn báo cáo này thuộc Quốc hội, nói.

Các quan chức Arab Saudi bác bỏ bất kỳ cáo buộc nào liên quan đến vụ tấn công 11/9 khiến gần 3.000 người chết. 

Theo ông Graham, mối liên hệ gián tiếp giữa Hoàng tử Bandar với trợ lý trùm khủng bố là một trong những phần "gây choáng váng" và cần được theo dõi tiếp.

Ông Bandar là đại sứ tại Mỹ từ 1983 đến 2005, là người thân thiết với cựu Tổng thống George Bush. Hoàng tử cũng mới ngưng vai trò đứng đầu cơ quan tình báo của Arab Saudi năm ngoái.(VNEX)

Đa số cử tri Thái Lan chấp nhận hiến pháp mới

 Dự thảo hiến pháp mới giành được sự ủng hộ tại tất cả các khu vực, trừ vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi hầu hết cử tri bác bỏ văn kiện do chính quyền quân sự soạn ra

mot nguoi linh thai lan di bo phieu tai bangkok sang 7-8

Một người lính Thái Lan đi bỏ phiếu tại Bangkok sáng 7-8

Theo TTXVN, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) cho biết đến 20 giờ (giờ địa phương) ngày 7-8, đã có 94% số phiếu của cuộc trưng cầu dân ý dự thảo hiến pháp mới nước này được kiểm với kết quả 61,45% số phiếu ủng hộ, trong khi chỉ có 38,55 % số phiếu phản đối dự văn kiện này. 

Theo EC, dự thảo hiến pháp mới giành được sự ủng hộ tại tất cả các khu vực, trừ vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi hầu hết cử tri bác bỏ văn kiện do chính quyền quân sự soạn ra. Riêng ở thủ đô Bangkok, tỷ lệ ủng hộ dự thảo hiến pháp mới lên tới 70%.

Về câu hỏi thứ hai trong phiếu trưng cầu liên quan đến việc chỉ định thượng viện có quyền tham gia bầu thủ tướng, có 58% số phiếu chấp nhận và 42% số phiếu phản đối điều này. 

Dù trước đó EC đã dự báo rằng có khoảng 70% cử tri tham gia bỏ phiếu, trên thực tế chỉ có khoảng 55% trong số 50,5 triệu cử tri toàn quốc tham gia bỏ phiếu, gần bằng với tỷ lệ 57% trong cuộc trưng cầu năm 2007. 

Liên hợp quốc, Đại sứ quán Mỹ và Mạng lưới Bầu cử tự do châu Á (ANFREL) đã cử quan sát viên không chính thức đến giám sát cuộc bỏ phiếu.

Theo đại diện của ANFREL, cuộc trưng cầu dân ý của Thái Lan diễn ra khá suôn sẻ và các nhân viên bầu cử đã hoạt động khá chuyên nghiệp. 

Phản ứng sau khi kết quả không chính thức trên được công bố, các lãnh đạo đảng Pheu Thai, cánh chính trị của phe Áo Đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nói rằng cử tri Thái Lan bỏ phiếu chấp thuận dự thảo hiến pháp vì họ muốn cuộc tổng tuyển cử sớm được tổ chức.

Tuy nhiên, đảng Pheu Thai cũng nhấn mạnh việc tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn cả cuộc trưng cầu năm 2007 đã cho thấy rõ thái độ của người dân. 

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở trụ sở Pheu Thai, nhà lãnh đạo chủ chốt đảng này, ông Phumtham Wechayachai khẳng định đảng này sẽ tiếp tục đấu tranh vì nền dân chủ của Thái Lan nhưng không cho biết liệu Pheu Thai có tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2017 hay không. 

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo khác, Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo hiến pháp (CDC) Meechai Ruchupan tuyên bố đã đến lúc người dân Thái Lan hướng về phía trước.

Ông cũng cho biết dù văn kiện này được thông qua, kết quả này chỉ có hiệu lực sau 3-4 tháng nữa do các quy trình pháp lý cần thiết.(TT)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục