tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 29-02-2016

  • Cập nhật : 29/02/2016

Nhật sẽ cung cấp thiết bị quân sự cho Philippines

Nhật Bản sẽ ký hiệp định với Philippines nhằm cung cấp thiết bị quân sự cho Manila, trong thoả thuận quốc phòng đầu tiên của Nhật với một nước thành viên ASEAN. 
cac tau chien nhat duyet doi hinh o vinh sagami nam 2015. anh: afp

Các tàu chiến Nhật duyệt đội hình ở vịnh Sagami năm 2015. Ảnh: AFP

"Nó không nhằm chống lại bất cứ nước nào", AP dẫn lời ông Voltaire Gazmin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm qua cho biết và nói thêm rằng thoả thuận nhằm xử lý những sơ hở trong năng lực quân sự chưa được đầu tư đúng mức của nước này. Ông sẽ ký hiệp định với đại sứ Nhật tại Manila vào ngày mai.

Nhật cũng đã có các thoả thuận tương tự với Mỹ và Australia. Tuy nhiên, đây là thoả thuận đầu tiên theo kiểu này giữa Nhật, nền kinh tế lớn thứ nhì châu Á, và một nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), theo ông Gazmin. 

Ông cho biết hai nước chưa thảo luận về thiết bị quốc phòng Nhật có thể cung cấp, nhưng nói rằng quân đội Philippines hiện cần cải thiện năng lực thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát. "Họ chưa đề xuất về thứ chúng tôi có thể mua", ông nói. "Cần phải có một danh sách mong ước trước".

Thoả thuận được thống nhất vào thời điểm Trung Quốc leo thang hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông. Bắc Kinh đang xây đường băng và các cơ sở khác tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.

Nhật đã chỉ trích Trung Quốc tiếp tục tăng cường xây đảo nhân tạo, và năm 2015, Tokyo cùng Manila tập trận chung ở phía tây Philippines, cách không xa Biển Đông. 


2 vụ đánh bom ở Afghanistan, 26 người thiệt mạng

Hai vụ đánh bom tự sát làm ít nhất 26 người chết, trong đó có vụ đánh bom ngay bên ngoài Bộ Quốc phòng Afghanistan, khu vực có nhiều đồn quân sự Mỹ ngày 27-2 (giờ địa phương).

luc luong an ninh afghanistan bao ve cac linh cuu hoa tai hien truong vu danh bom tu sat gan cong bo quoc phong tai kabul ngay 27-2 - anh: wall street journal/getty images

Lực lượng an ninh Afghanistan bảo vệ các lính cứu hỏa tại hiện trường vụ đánh bom tự sát gần cổng Bộ Quốc phòng tại Kabul ngày 27-2 - Ảnh: Wall Street Journal/Getty Images

Hai vụ đánh bom tự sát nhắm vào Bộ Quốc phòng Afghanistan và khu chợ phía đông Kunar, Afghanistan đã làm thiệt mạng ít nhất 26 người và 40 người bị thương.

Theo Wall Street Journal, một kẻ đánh bom tự sát tiếp cận tòa nhà Bộ Quốc phòng Afghanistan và kích nổ vào thời điểm các nhân viên đang ra về sau giờ làm việc làm ít nhất 12 người chết bên ngoài tòa nhà.

Bộ Quốc phòng Afghanistan nằm ở trung tâm thành phố Kabul, gần phủ Tổng thống và khu vực quân đội Mỹ cùng lực lượng đồng minh đồn trú. 

Taliban lên tiếng nhận trách nhiệm và cho biết vụ tấn công nhắm đến các nhân viên quân sự Afghanistan.

Vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Afghanistan đang cố gắng đưa Taliban tiến đến bàn đàm phán trực tiếp vào tháng 3 tới đây. 

Vụ nổ thứ hai giết hại ít nhất 14 người và 40 người khác bị thương tại phía đông tỉnh Kunar, Afghanistan ngày 27-2.

Wall Street Journal dẫn lời các quan chức địa phương cho biết vụ đánh bom tự sát nhằm vào trưởng bộ lạc địa phương. Chưa có tổ chức khủng bộ nào nhận trách nhiệm vụ đánh bom.


Lãnh đạo nào của thế giới bị 'phẫn nộ' nhiều nhất trên Facebook?

sau 4 ngay dua vao su dung, luong chan anh, truong dac khu hanh chinh hong kong "nhan" 150.000 bieu tuong gian du (phai) tren facebook ca nhan

Sau 4 ngày đưa vào sử dụng, Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông "nhận" 150.000 biểu tượng giận dữ (phải) trên Facebook cá nhân


Sau 4 ngày đưa vào sử dụng những biểu tượng cảm xúc mới của mạng xã hội Facebook thay vì chỉ có “Like”, lãnh đạo nào của thế giới bị “phẫn nộ” nhiều nhất? Đó là ông Lương Chấn Anh của đặc khu Hồng Kông.
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh đã nhận được 150.000 biểu tượng phẫn nộ sau 4 ngày tính đến hôm nay 28.2 từ những người theo dõi tài khoản của ông trên Facebook, theo AFP.
Mặt phẫn nộ hay giận dữ (angry) là 1 trong những biểu tượng (emoji) mới được bổ sung trên Facebook để người theo dõi thể hiện cảm xúc của họ đối những vấn đề được đề cập. Những biểu tượng mới gồm “sad” (buồn), “wow” (ngạc nhiên), “haha” (thích thú). “Angry” (giận dữ hay phẫn nộ) là mức độ cảm xúc cao nhất thể hiện sự không đồng tình của người theo dõi.
Trên trang facebook của ông Lương Chấn Anh, những người theo dõi hay khách ghé qua không thể bình luận vì chủ tài khoản khóa chế độ này. Tuy nhiên, hàng ngàn người vào và nhấn nút "phẫn nộ" ngay khi họ có cơ hội tỏ thái độ đối với nhà lãnh đạo này.
Ông Lương Chấn Anh không phải là một nhà lãnh đạo tiếng tăm, nhưng được báo chí thế giới nhắc nhiều đến nhân vụ biểu tình rầm rộ của phong trào sinh viên hồi năm 2014. Nhà lãnh đạo này bị người biểu tình ví như “ma cà rồng” và rất ít gần gũi với dân chúng. Tài khoản của ông trên Facebook hồi tháng 12.2015 từng bị tấn công.
Nút phẫn nộ dành cho ông Lương Chấn Anh nhiều gấp 100 lần so với ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump, người được cho là có nhiều phát biểu gây sốc nhất thế giới trong thời gian ông này tranh cử. Ông Trump bị "phẫn nộ" chỉ 1.500 lần.
Trong khi đó đương kim Tổng thống Barack Obama chỉ có 27 người nhấn nút "phẫn nộ" đối với những vấn đề được đề cập trên tài khoản của ông Obama trên Facebook. Thủ tướng Anh David Cameron bị “phẫn nộ” khoảng 40 lần trong 4 ngày qua.
Một lãnh đạo khác của châu Á, Thủ tướng Malaysia Najib Razak, người đang bị tố có liên quan vụ tham nhũng tại quỹ 1MDB, nhận 10.000 lượt “phẫn nộ”

G20 kết thúc trong bất đồng

Tình trạng bất ổn kinh tế thế giới trong thời gian gần đây đã làm xuất hiện những bất đồng giữa các nền kinh tế lớn về việc sử dụng biện pháp dùng nợ để chi phối tăng trưởng kinh tế.

Ngày 27-2, Hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng tài chính và giới lãnh đạo ngân hàng nhóm nước G20 ở Thượng Hải (Trung Quốc) kết thúc với nhiều mối quan ngại và bất đồng về chính sách hồi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu, xuất phát từ tình trạng bất ổn của kinh tế thế giới trong thời gian gần đây.

Theo hãng tin Reuters, đã xuất hiện những bất đồng giữa các nền kinh tế lớn về việc sử dụng biện pháp dùng nợ để chi phối tăng trưởng kinh tế. 

Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble tỏ rõ quan điểm: “Kiểu tài trợ tăng trưởng kinh tế bằng nợ tài chính đã chạm ngưỡng giới hạn. Kiểu tăng trưởng này thậm chí còn gây ra những vấn đề mới như làm tăng nợ, dẫn đến hiện tượng bong bóng cùng nguy cơ rất lớn và có thể làm nền kinh tế sống dở chết dở”.

Đại diện các nước G20 cũng lặp lại cam kết không sử dụng biện pháp phá giá tiền tệ nhằm mục đích cạnh tranh.

Hãng tin Kyodo dẫn lời Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Taro Aso nhấn mạnh rằng việc thiếu thỏa thuận về chính sách tiền tệ và tài chính từ các nước thành viên có thể sẽ khiến giới đầu tư kêu gọi thực hiện chính sách phối hợp để giải quyết tình trạng thị trường chứng khoán lao dốc và tăng trưởng kinh tế yếu.

Ông Aso cũng kêu gọi Trung Quốc thực hiện cải cách tiền tệ và phác thảo kế hoạch cải cách giữa kỳ của nước này với khung thời gian cụ thể. Bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew khuyến khích Trung Quốc thay đổi tỉ giá ngoại hối theo định hướng thị trường hơn.

“Trung Quốc nên kiềm chế, không sử dụng các chính sách có thể gây bất ổn và giành lợi thế cạnh tranh cho mình theo kiểu không công bằng” - ông Lew nhấn mạnh.


Nguy cơ tội phạm xuyên quốc gia từ chiến lược 'Một vành đai, một con đường'

Chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc có nguy cơ làm gia tăng tội phạm xuyên biên giới vì thiếu hành lang an ninh chống tội phạm giữa các quốc gia.
Văn phòng phụ trách vấn đề ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNDOC) vừa đưa ra một báo cáo và bày tỏ quan ngại đối với chiến lược "Một vành đai, một con đường” của chính phủ Trung Quốc. UNDOC cho rằng chiến lược này sẽ tạo cơ hội cho tội phạm có tổ chức phát triển, tờ South China Morning Post hôm nay 28.2 cho hay.
Chiến lược "Một vành đai, một con đường" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng hồi năm 2013 nhằm tạo nên liên kết thương mại, kinh tế giữa Trung Quốc với các nước; đây cũng được xem là nỗ lực của Bắc Kinh để đối phó với Mỹ về mặt kinh tế. “Một vành đai, một con đường” được giới thiệu và phát triển với sự hậu thuẫn của Ngân hàng đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), ngân hàng này cũng do Trung Quốc khởi xướng.
Tuy nhiên, chiến lược này ẩn chứa rủi ro về an ninh đối với khu vực vì hiện vẫn còn thiếu hành lang chống tội phạm xuyên quốc gia. Trọng tâm của chiến lược mà Trung Quốc muốn nhắm đến là phát triển hạ tầng cơ sở nối kết giữa các nước, tạo điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa và đầu tư của Trung Quốc đi xa. Tuy nhiên, UNDOC lo ngại điều này cũng tạo điều kiện cho tội phạm quốc tế.
"Tăng cường kết nối liên vùng đã làm trầm trọng thêm mối đe dọa cho các thành viên ASEAN, như buôn bán ma túy và động vật hoang dã", cơ quan của Liên Hiệp Quốc cho biết. Chiến lược “Một vành đai, một con đường” hướng đến nối kết 2 châu lục Á - Âu với 60 quốc gia và 4,4 tỉ dân. Nó được ví như Con đường tơ lụa của thời hiện đại.
Nguồn thu nhập của tội phạm có tổ chức, chỉ riêng vùng Đông Á và Thái Bình Dương, ước tính khoảng 100 tỉ USD, hơn cả GDP của nhiều quốc gia trong khu vực, thậm chí nhiều hơn cả GDP của Lào, Campuchia và Myanmar cộng lại, theo South China Morning Post.
Chính phủ Trung Quốc chỉ đề cập đến những giải pháp bảo vệ môi trường và xã hội trong khi thiếu vắng giải pháp đối phó với tội phạm quốc tế. AIIB, nguồn "bơm" vốn cho chiến lược này, cho biết “không định” cung cấp tài chính cho những dự án khả nghi như sử dụng lao động trẻ em, có liên quan động vật hoang dã, vũ khí hoặc cờ bạc.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục