tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 19-08-2015

  • Cập nhật : 19/08/2015

Xuất khẩu của Eurozone tiếp tục được hưởng lợi từ đồng euro yếu

xuat khau cua eurozone tiep tuc duoc huong loi tu dong euro yeu

Xuất khẩu của Eurozone tiếp tục được hưởng lợi từ đồng euro yếu


Theo Eurostat, kim ngạch xuất khẩu của Eurozone trong tháng Sáu đạt 182,7 tỷ euro, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014, cho thấy khối này tiếp tục được hưởng lợi từ đồng euro yếu.

Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/8 công bố số liệu sơ bộ cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng Sáu đạt 182,7 tỷ euro, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014, cho thấy khối này tiếp tục được hưởng lợi từ đồng euro yếu.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Eurozone trong tháng Sáu ở mức 156,4 tỷ euro, đưa thặng dư thương mại hàng hóa của khu vực này lên 26,3 tỷ euro.

Trong sáu tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của Eurozone đạt 1.011,7 tỷ euro, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

James Howat, chuyên gia kinh tế thuộc Capital Economics nhận định tính trong cả năm, xuất khẩu của Eurozone thậm chí sẽ còn ấn tượng hơn nữa.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo khi đồng euro mạnh trở lại, xuất khẩu của khu vực này sẽ sớm giảm tốc.


Điện Kremlin thừa nhận không còn khả năng nâng đỡ đồng ruble

Dự trữ ngoại hối hiện tại của Nga không cho phép nước này nâng đỡ đồng ruble và Ngân hàng Trung ương Nga chỉ còn đòn bẩy tác động duy nhất là lãi suất cơ bản.

Trong bối cảnh tỷ giá hối đoái đồng nội tệ Nga ngày 17/8 đã giảm còn 65,6 ruble/USD, chạm đáy thấp nhất kể từ hồi tháng Hai, Trợ lý Tổng thống Nga, ông Andrei Belousov tối cùng ngày thừa nhận dự trữ ngoại hối hiện tại của Nga không cho phép nước này nâng đỡ đồng ruble vàNgân hàng Trung ương Nga chỉ còn đòn bẩy tác động duy nhất là lãi suất cơ bản.

Ông Belousov lưu ý hiện tỷ giá đồng ruble vẫn được thả nổi. Ông nói: "Hiện chúng tôi không đủ dự trữ vàng-ngoại hối, hay dự trữ ngoại hối để có thể hỗ trợ đồng ruble như năm 2013."

Ông cho biết dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga, không tính tới vàng, hiện ở mức trên 300 tỷ USD một chút. Tuy nhiên trong số này có hơn 120 tỷ USD là dự trữ của chính phủ - đó là Quỹ dự trữ và Quỹ phúc lợi quốc gia, được lưu giữ bằng ngoại tệ. Phần còn lại của dự trữ đủ cho chín tháng nhập khẩu hàng hóa, vốn được xem như là hằng số tối thiểu.

Ông Belousov nhận định tại một diễn đàn thanh niên diễn ra ở Klyazm rằng nếu không cải cách cơ cấu, tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ chỉ ở mức 1-2% mỗi năm.

Theo ông, để đảm bảo sự cân bằng và vượt qua "hẫng hụt liên quan đến ngân sách và tỷ giá hối đoái," Nga cần tăng trưởng kinh tế không dưới 4%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này là một trong những thách thức chính đối với chính phủ Moskva.


Citigroup phải nộp phạt 180 triệu USD vì bưng bít thông tin

Hai đơn vị trực thuộc Tập đoàn Citigroup đã cố tình bưng bít thông tin, đưa ra các đánh giá sai lệch đối với các quỹ cho vay để thu lời phi pháp.

Tập đoàn Citigroup ngày 17/8 đã chấp nhận nộp phạt 180 triệu USDcho Chính phủ Mỹ để kết thúc vụ điều tra liên quan đến việc 2 đơn vị trực thuộc cố tình bưng bít thông tin, đưa ra các đánh giá sai lệch đối với các quỹ cho vay để thu lời phi pháp. Hai chi nhánh trên bị cáo buộc lừa gạt các nhà đầu tư trong vụ việc.

Theo Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC), 2 đơn vị con của Citigroup là Đầu tư thay thế Citigroup (Citigroup Alternative Investments) và Các thị trường toàn cầu Citigroup (Citigroup Global Markets) đã thu về gần 3 tỷ USD tiền bán cổ phiếu cho 4.000 nhà đầu tư sau khi tuyên bố mua cổ phiếu của 2 quỹ đầu tư ASTA/MAT và Falcon là khoản đầu tư an toàn, tính rủi ro thấp tương tự như mua trái phiếu chính phủ.

Tuy nhiên, trên thực tế, cả 2 quỹ này đã sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước, và gây thiệt hại hàng tỷ USD.

SEC cho biết cổ phiếu của các quỹ này không có khả năng thay thế trái phiếu chính phủ và thực chất, Citigroup đã xếp hạng cả 2 quỹ đầu tư là "có rủi ro đáng kể đối với tiền vốn". Tuy nhiên, 2 chi nhánh của tập đoàn đã "giấu nhẹm" đánh giá này với phần đông các nhà đầu tư và chuyên gia tư vấn tài chính.

SEC chỉ trích Citigroup buông lỏng kiểm soát đội ngũ quản lý các quỹ đầu tư, do đó dẫn tới hành động vô trách nhiệm của các tư vấn viên đưa ra thông tin sai lệch và thiếu chính xác về mức độ an toàn đầu tư ngay cả trong thời điểm các quỹ trên đang bên bờ vực phá sản.

Tuyên bố của SEC cũng lên án các nhân viên của ASTA/MAT và Falcon đã không trung thực về tình trạng tài chính trong thời điểm khủng hoảng 2007.

Phản ứng sau tuyên bố của SEC, người phát ngôn của Citigroup cho hay tập đoàn "hài lòng vì có thể giải quyết ổn thỏa vụ việc". Số tiền phạt sẽ được dùng để bồi thường cho các chủ đầu tư đã đổ tiền vào 2 quỹ trên.


Bolivia đầu tư 925 triệu USD phát triển công nghiệp lithium

Ngày 16/8, Tổng thống Bolivia thông báo sẽ đầu tư 925 triệu USD từ nay tới năm 2019 để phát triển ngành công nghiệp lithium ở mỏ Uyuni, phía Tây Nam.

Ngày 16/8, Tổng thống Bolivia Evo Morales thông báo sẽ đầu tư 925 triệu USD từ nay tới năm 2019 để phát triển ngành công nghiệp lithium tại mỏ Uyuni, phía Tây Nam nước này.

Phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cơ quan quản lý tài nguyên nước và tập đoàn K-UTEC AG Salt Tecnologies của Đức để thiết kế xây dựng nhà máy sản xuất cacbonat lithium, ông Morales cho biết Bolivia sẽ đầu tư mạnh để có thể khai thác kim loại quý này trong vòng 100 năm tới, phục vụ phát triển kinh tế không chỉ của nước Nam Mỹ mà còn của cả thế giới.

Cũng theo ông Morales, với vốn đầu gần 34 triệu USD, nhà máy sản xuất cacbonat lithium, liên doanh giữa Bolivia và Đức sẽ hoàn thành trong vòng 10 tháng. Lượng cacbonat sản xuất sẽ được xuất khẩu với giá khoảng 7.000 USD/tấn.

Ông Morales cho biết đã có một nhà máy sản xuất carbonat ở Uyuni đang được xây dựng, với vốn đầu tư 20 triệu USD.

Tổng thống theo đường lối cánh tả Morales bày tỏ hy vọng nguồn thu từ ngành lithium sẽ góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở một trong những quốc gia nghèo nhất Nam Mỹ.

Mỏ Uyuni nằm ở bang Potosi, với diện tích 10.000km2, là một trong những mỏ lithium lớn nhất thế giới. Kim loại quý hiếm này được sử dụng trong sản xuất pin cho xe ôtô điện và nhiều thiết bị điện tử khác.

Trữ lượng lithium của Bolivia chiếm tới 1/2 tổng trữ lượng thế giới


Mỹ tổ chức tập trận trên không lớn nhất sau Chiến tranh Lạnh

Mỹ thông báo đang tổ chức tập trận chung trên không cùng các đồng minh với quy mô lớn nhất tại châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trong bối cảnh giao tranh giữa phe ly khai và chính phủ Ukraine bắt đầu leo thang trở lại.
binh si my tham gia tap tran chung voi quan doi bulgaria tai khu huan luyen novo selo ngay 25/6. anh: afp.

Binh sĩ Mỹ tham gia tập trận chung với quân đội Bulgaria tại khu huấn luyện Novo Selo ngày 25/6. Ảnh: AFP.

 

Gần 5.000 binh sĩ từ 11 nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tham gia "các chiến dịch trên không giả định đa quốc gia" kéo dài 4 tuần ở Đức, Italy, Bulgaria và Romania. Hoạt động này bắt đầu từ ngày 15/8, AFP dẫn thông báo từ quân đội Mỹ hôm qua cho biết.

"Swift Response 15 (Phản ứng Nhanh 15) là sự kiện huấn luyện trên không lớn nhất của liên minh tại châu lục kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc", theo thông báo từ quân đội Mỹ đóng tại Grafenwohr, miền nam Đức. Nó được thiết kế nhằm giúp "các lực lượng sẵn sàng cao" của liên minh hành động hợp nhất, "thể hiện khả năng điều động thần tốc, hỗ trợ duy trì một châu Âu mạnh mẽ và an toàn".

Hoạt động nổi bật trong tập trận diễn ra vào ngày 26/8. Các phi cơ liên minh sẽ thả hơn 1.000 lính dù cùng trang thiết bị xuống khu huấn luyện Hohenfels ở Đức. Một cuộc diễn tập tương tự sẽ diễn ra cùng ngày ở khu huấn luyện Novo Selo, Bulgaria.

Thông báo không nhắc đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nơi quân đội chính phủ và phe ly khai giao tranh ác liệt kể từ tháng 4/2014, làm gần 7.000 người thiệt mạng. Cuộc xung đột tạm lắng từ tháng 2, sau khi các bên liên quan đạt được thỏa thuận ngừng bắn, và bắt đầu leo thang trở lại trong những ngày gần đây.

Cuộc khủng hoảng khiến quan hệ giữa phương Tây và Nga trở nên căng thẳng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh. Phương Tây cáo buộc Nga vũ trang và điều binh sĩ hỗ trợ phe ly khai nhưng Moscow bác bỏ.

NATO, gồm 28 nước, do Mỹ dẫn đầu, tuần trước thông báo những cuộc tập trận quân sự liên minh này tổ chức là nhằm ứng phó với "sự gây hấn ngày càng tăng từ Nga", bác bỏ nghi ngờ rằng chúng khiến chiến tranh nổ ra ở châu Âu.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục