tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 16-11-2015

  • Cập nhật : 16/11/2015

Obama và Putin bàn cách diệt IS

Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga trao đổi hơn 30 phút, đồng ý về tiến trình chính trị Syria, nhưng dường như chưa thống nhất về cách thức truy đuổi IS.
ong obama, trai, va ong putin thao luan nhieu van de khi gap tai tho nhi ky. anh:ap

Ông Obama, trái, và ông Putin thảo luận nhiều vấn đề khi gặp tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh:AP

"Hai nhà lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết của việc chuyển giao chính trị do chính Syria thực hiện, điều sẽ được xúc tiến bằng thảo luận giữa chính quyền nước này với phe đối lập do Liên Hợp Quốc làm trung gian và một lệnh ngừng bắn", NBC News dẫn tin từ một quan chức Nhà Trắng cho biết hôm qua.

Ông Obama và ông Putin cùng hai trợ lý được trông thấy ngồi chụm lại với nhau trong tình trạng khá căng thẳng quanh chiếc bàn cafe bên lề hội nghị G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo quan chức nói trên, tổng thống Mỹ hoan nghênh nỗ lực của tất cả các nước chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và lưu ý tới tầm quan trọng của nỗ lực quân sự của Nga nhắm tới các phiến quân này ở Syria. Ông Obama cũng gửi lời chia buồn tới Nga sau vụ rơi máy bay cuối tháng trước ở Ai Cập khiến 224 người thiệt mạng.

Các hãng thông tấn Nga dẫn lời Yuri Ushakov, cố vấn chính sách ngoại giao của điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo bàn về nhiều chủ đề khác nhau.

"Các mục tiêu chiến lược liên quan đến cuộc chiến chống lại IS về cơ bản tương tự như nhau nhưng vẫn có những khác biệt về chiến thuật", ông nói.

Từ khi Nga tiến hành không kích IS cuối tháng 9 theo yêu cầu của Tổng thống Syria, Mỹ và các nước đồng minh cảnh báo Moscow có thể khiến cuộc nội chiến ở đây tồi tệ thêm.

Cuộc gặp giữa hai nguyên thủ diễn ra sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố liên tiếp ở Paris do IS thực hiện, khiến 129 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.


Tổng thống Myanmar cam kết chuyển giao quyền lực cho chính phủ mới

tong thong myanmar u thein sein. (nguon: thx/ttxvn)

Tổng thống Myanmar U Thein Sein. (Nguồn: THX/TTXVN)


Ngày 15/11, Tổng thống Myanmar U Thein Sein cam kết sẽ chuyển giao quyền lực cho chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11 vừa qua.

Tuyên bố trên được Tổng thống Thein Sein đưa ra trong cuộc gặp lần đầu tiên với các đảng phái chính trị tại Văn phòng Chính quyền vùng Yangon sau cuộc tổng tuyển cử.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Thein Sein nêu rõ chính phủ đương nhiệm sẽ tiến hành công tác chuyển giao một cách êm thấm và hòa bình trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, phù hợp với luật pháp cũng như các trình tự, thủ tục hiện hành.

Ông cũng kêu gọi triệu tập kỳ họp thứ hai của Quốc hội Myanmar để tiến hành chuyển giao quyền lực một cách có hệ thống cho chính phủ mới. Liên quan đến Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) với các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số, ông Thein Sein bày tỏ tin tưởng rằng chính phủ mới sẽ làm hết khả năng dựa trên nền tảng đã đạt được cho h​òa bình trong nước.

Tại cuộc họp, người phát ngôn của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) U Nyan Win cũng cam kết sẽ tiến hành các nhiệm vụ tương lai một cách h​òa bình, duy trì nguyên tắc h​òa giải quốc gia mà đảng này luôn theo đuổi kể từ khi thành lập.

Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Myanmar U Shwe Mann đã chấp thuận đề nghị đối thoại với Chủ tịch NLD Aung San Suu Kyi.

Hồi đáp thư của bà Suu Kyi ngày 11/11, đề nghị tiến hành đối thoại trên cơ sở hòa giải dân tộc, ông Shwe Mann ấn định ngày 19/11 gặp bà Suu Kyi tại Văn phòng Quốc hội ở thủ đô Nay Pyi Taw.

Ông U Shwe Mann khẳng định sẽ hợp tác với bà Suu Kyi trong việc xây dựng đất nước ổn định chính trị, h​òa bình, thịnh vượng và phát triển.

Bà Aung San Suu Kyi cũng đưa ra đề nghị tương tự với Tổng thống Thein Sein và Tư lệnh Lực lượng vũ trang, Tướng Min Aung Hlaing.

Tướng Min Aung Hlaing đã nêu rõ bất kể chính phủ nào lên nắm quyền, lực lượng vũ trang cũng sẽ trở thành quân đội chuẩn mực và sẽ phối hợp với chính phủ mới bảo đảm ổn định và phát triển đất nước.

Trước đó, ngày 13/11, Ủy ban Bầu cử Liên bang (UEC) của Myanmar thông báo đảng NLD đã giành đủ số ghế trong Quốc hội để thành lập một chính phủ mới.

Dự kiến phiên họp quốc hội mới sẽ được tổ chức vào tháng 1/2016; bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 2 và thành lập chính phủ mới vào cuối tháng 3./.


Tổng thống Obama hối thúc Quốc hội phê chuẩn TPP vào đầu 2016

Trong một bước đi nhằm khuyến khích các nước thành viên khác, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 13/11 hối thúc Quốc hội nước này vào đầu năm 2016 phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) mà Mỹ đã ký với 12 đối tác châu Á-Thái Bình Dương khác cách đây hơn một tháng tại thành phố Atlanta, bang Georgia.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu với giới báo chí ngày 14/11, Tổng thống Barack Obama khẳng định TPP không chỉ có tầm quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế mà cả đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Ông Obama bày tỏ tin tưởng với thiện chí hợp tác của hai đảng, lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ thông qua được thỏa thuận TPP.

Lời hối thúc của Tổng thống Obama được đưa ra sau cuộc gặp của ông tại Nhà Trắng với một nhóm các cựu chính khách có ảnh hưởng của hai đảng gồm các cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, Madeline Albright, James Baker.

Các cựu Bộ trưởng Quốc phòng Colin Powell, Bill Cohen; cựu Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, Đô đốc Mike Mullen, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Brent Scowcroft cũng tham dự cuộc gặp.

Mục đích của cuộc gặp là nhờ các cựu chính khách này cùng lên tiếng thúc đẩy việc thông qua TPP. Tuần trước, chính quyền Obama đã công bố toàn văn Hiệp định TPP và Quốc hội Mỹ có 90 ngày để xem xét và phê chuẩn thỏa thuận được nhìn nhận là mang tính lịch sử này.

Phát biểu của Tổng thống Obama được đưa ra vài ngày trước khi ông bắt đầu chuyến công du châu Á kéo dài chín ngày, trong đó có việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Philippines, diễn ra trong hai ngày 18-19/11.

Tại diễn đàn này, Tổng thống Obama có kế hoạch sẽ gặp gỡ một số nguyên thủ các nước thành viên TPP như các tân Thủ tướng Canada và Australia là Justin Trudeau và Malcolm Turnbull.

Ngoài TPP, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice ngày 12/11 cho biết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ là một chủ đề nổi bật trong chuyến công du tới Philippines và Malaysia của Tổng thống Obama trong tuần tới.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ngày 12/11 đã công bố văn bản Hiêp định TPP gồm 30 chương, dài hơn 2.000 trang. Văn bản này được công bố là để Quốc hội xem xét và phê chuẩn trong vòng 90 ngày trước khi Tổng thống Barack Obama có thể ký đưa vào thực hiện.

Cho tới nay đã xuất hiện một số thông tin cho thấy quá trình phê chuẩn TPP tại cơ quan lập pháp Mỹ sẽ gặp không ít trở ngại./.


40.000 nhân viên ngành du lịch ở Ai Cập có thể bị cho nghỉ việc

Thảm kịch của vụ máy bay Nga rơi tại Sharm el-Sheikh, bên bờ Biển Đỏ (Ai Cập) cuối tháng 10 vừa qua làm hơn 200 người thiệt mạng, đã buộc các ông chủ ngành du lịch tại đây cho nhân viên nghỉ việc không lương do lượng khách đến đây giảm sút mạnh.

Dự đoán được tương lai đen tối đối với ngành du lịch, các khách sạn đã buộc sa thải hàng loạt nhân viên để giảm chi phí.

Ahmed, nhân viên của một khách sạn sang trọng tại Sharm el-Sheikh, cho biết anh đã bị cho thôi việc, đồng thời khẳng định năm nhân viên khác của khách sạn cũng đã được thông báo nghỉ việc không lương. Có ít nhất bốn khách sạn lớn khác xác nhận đã yêu cầu nhân viên nghỉ việc.

Tại Ai Cập, cứ chín người làm việc thì có một người làm việc trong ngành du lịch và tại Sharm el-Sheikh, có gần 80.000 người phụ thuộc vào ngành công nghiệp "không khói" để sinh sống.

Ông Givara El-Gafy, người đứng đầu Hiệp hội du lịch Nam-Sinai, cho biết khoảng 40.000 người có nguy cơ mất việc trong những tháng tới.

Ngành du lịch Ai Cập vốn đang có dấu hiệu hồi phục trong thời gian qua nhất là khi Năm mới sắp đến, sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi những năm bất ổn chính trị do tác động của "Mùa xuân Arab" năm 2011. Tuy nhiên, thảm kịch rơi máy bay với hơn 200 người thiệt mạng đã làm mọi sự cố gắng phục hồi ngành du lịch Ai Cập gần như sụp đổ.

Các ông chủ khách sạn có dự định tuyển thêm nhân viên thì nay đã vội vàng từ bỏ ý định. Ông Anwar Hawary, quản lý của một khách sạn 5 sao tại Sharm el-Sheikh, cho biết cơ sở lưu trú của ông đang ngừng tuyển dụng nhân viên mới và những ai muốn đi đều có thể ra đi.

Theo các chuyên gia, để có thể trang trải các chi phí, mỗi khách sạn ít nhất phải đạt tỷ lệ lấp đầy phòng khách đạt trên 30% tổng số phòng của khách sạn. Nếu không đạt được số lượng này, nhiều khách sạn ở Sharm el-Sheikh sẽ phải đóng cửa.

Tại một khu nghỉ dưỡng như tại Sharm el-Sheikh, nhiều người nước ngoài cũng là nhân viên trong ngành du lịch. Cô Oxana đến từ Nga, nhân viên của một công ty nước hoa Ai Cập, cho biết đã bị mất việc cách đây hai ngày, đồng thời khẳng định 20 nhân viên của bộ phận bán hàng cũng đã phải nghỉ việc.

Cô Oxana cho biết thêm, các khách hàng của công ty là các du khách Nga. Với mức lương 600 USD/tháng, Oxana cho biết cô có thể sống thoải mái tại Sharm el-Sheikh, một điểm đến tuyệt vời đối với hàng triệu du khách. Oxana nói: "Tôi có thể sống hai tháng với những khoản tiết kiệm được, nhưng nếu mọi thứ không được cải thiện, tôi sẽ quay trở lại Moskva. Tôi thích làm việc ở đây."

Ai Cập cũng ngày càng phụ thuộc vào du khách Nga. Theo số liệu của Bộ Du lịch Ai Cập, năm 2014, Xứ sở ​Kim tự tháp đã đón 3 triệu lượt du khách Nga, cứ năm du khách thì có một người đến từ Nga. Sau sự kiện Mùa xuân Arab và bất ổn chính trị theo sau đó, du khách Nga trở thành "nguồn sống" chính đối với ngành du lịch Ai Cập.


Hé lộ vụ tấn công đẫm máu ở Tân Cương

Theo tờ South China Morning Post (SCMP, Hồng Kông) ngày 15.11, Bộ Công an Trung Quốc vào sáng 14.11 đăng thông cáo lên tài khoản mạng xã hội của bộ cho hay cảnh sát ở Tân Cương vừa bắt được những nghi phạm liên quan vụ tấn công ngày 18.9. Cụ thể, thông cáo viết: “Vào ngày 13.11 (giờ Pháp - NV), thứ sáu đen tối, Paris hứng phải vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất trong lịch sử của thủ đô này với thương vong lên đến hàng trăm người. Ở phía bên kia của hành tinh, cảnh sát Trung Quốc ở Tân Cương, sau 56 ngày truy lùng, cuối cùng cũng đã đạt thành công lớn”.
Dù thông cáo nhanh chóng bị xóa sau đó nhưng SCMP nhận định đây là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh xác nhận vụ việc.
Trước đó, giới chức cũng như truyền thông Trung Quốc không hề đề cập vụ tấn công, chỉ có truyền thông phương Tây loan tin. Cụ thể, theo tờ The New York Times, vào tối 18.9, một nhóm người cầm dao xông vào một mỏ than đá ở huyện Baicheng thuộc châu Aksu (Tân Cương), sát hại nhân viên bảo vệ và các thợ mỏ đang ngủ trong nhà tập thể.
Khi cảnh sát đến hiện trường, các thủ phạm lái xe chở than đâm vào xe công lực và chống trả quyết liệt. Hậu quả là 50 người chết, trong đó có ít nhất 5 cảnh sát, và hàng chục người bị thương.
Hầu hết nạn nhân là người Hán, trong khi nhóm tấn công bị cho là người Duy Ngô Nhĩ. Từ đó cho đến trước khi có thông cáo nói trên, giới chức địa phương đều khẳng định không có cuộc tấn công nào xảy ra và mọi thông tin về vụ việc xuất hiện trên mạng xã hội đều bị xóa. Đến ngày 15.11, một cảnh sát ở quận Baicheng cũng xác nhận với SCMP rằng thật sự đã xảy ra “tấn công khủng bố”.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục