tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 11-07-2016

  • Cập nhật : 11/07/2016

"Gắn thẻ tế bào" mở đường cuộc chiến chống ung thư

Các nhà khoa học đã tìm ra cách đánh dấu phổ quát các tế bào gốc ung thư để từ đó gắn thẻ và theo dõi các tế bào nguy hiểm này.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Trả lời phỏng vấn nhật báo "Izvestiya" (Tin tức) của Nga, nhà nghiên cứu Evgeni Dolgov thuộc Viện Tế bào và Di truyền học chi nhánh Siberia của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết ban đầu nhóm của ông tiến hành nghiên cứu các tế bào tủy sống của động vật gặm nhấm là chuột và nhận thấy một phần các tế bào gốc tủy xương của loài này có khả năng hấp thụ ADN ngoại lai. 

Tiếp đó, họ nghĩ tới việc đánh dấu các đoạn ADN này bằng một loại thuốc nhuộm fluorochrome đặc biệt — đánh dấu các tế bào trong một màu sắc nhất định. Với việc sử dụng phương pháp đánh dấu này đối với 10-15 loại tế bào ung thư trên cả chuột và người, nhóm nghiên cứu nhận thấy trong tất cả các loại ung thư này thực sự có dạng tế bào đặc biệt (chiếm từ 1-10% tổng số) có khả năng "nuốt" trọn ADN dị biệt là các tế bào gốc ung thư. Việc nhận diện và có biện pháp tiêu diệt các tế bào gốc ung thư sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ phát sinh khối u mới sau khi khối u ban đầu đã đươc loại bỏ.

Theo nhà nghiên cứu Dolgov, phát hiện mới nói trên sẽ không chỉ góp phần loại bỏ các ADN lạ trong khối u mà còn có thể giúp kiểm soát số lượng tế bào gốc ung thư trong cơ thể bệnh nhân, qua đó giúp các nhà khoa học hoạch định liệu pháp điều trị hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này. Ông Dolgov cũng nhấn mạnh rằng các nhà khoa học cần tiến hành thêm tổ hợp các thí nghiệm có quy mô lớn hơn nữa để xác định tính hiệu quả của phát hiện mới này và từ đó có thể áp dụng tốt trong việc điều trị ung thư trên người.


Ông Gorbachev: Cuộc chiến tranh tiếp theo sẽ là cuối cùng

Cựu Tổng thống Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev tuyên bố rằng nếu cuộc khủng hoảng hiện nay leo thang thành một cuộc chiến tranh thì đây sẽ là cuộc chiến cuối cùng.

ong mikhail gorbachev. anh: afp

Ông Mikhail Gorbachev. Ảnh: AFP

Theo hãng tin Sputnik, tuyên bố trên của ông Gorbachev được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo liên minh quân sự NATO hôm 8/7 đã nhất trí triển khai lực lượng quân sự tới các nước Baltic và vùng phía đông Ba Lan đồng thời gia tăng tuần tra trên biển và trên không nhằm chứng tỏ sự sẵn sàng để bảo vệ các nước thành viên đối với cái gọi là “sự xâm lược của Nga”.

Trả lời phỏng vấn với đài Echo Moskvy ngày 9/7, ông Mikhai Gorbachev cho rằng, quyết định của NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Warsaw (Ba Lan) nên được coi là một sự chuẩn bị cho một cuộc chiến mới với nước Nga. Theo nhà cựu lãnh đạo, quyết định của NATO là “thiển cận và nguy hiểm”. 

“Các bước đi như thế dẫn tới căng thẳng và gián đoạn. Châu Âu đang chia tách, thế giới đang chia tách. Đó là một lối đi sai đối với cộng đồng thế giới”, ông Gorbachev nhấn mạnh, “Đã có quá nhiều cuộc khủng hoảng cá nhân và toàn cầu để các bên từ bỏ hợp tác. Đó là điều cần thiết để hồi sinh các cuộc đối thoại”. 

Theo ông, với việc triển khai 4 binh đoàn đa quốc gia tới sát đường biên giới Nga “trong tầm bắn”, liên minh quân sự NATO đã đem tới gần hơn nguy cơ về một cuộc Chiến tranh Lạnh và cuộc chạy đua vũ trang khác. 

Chính trị gia thời Liên Xô này tin rằng vẫn còn có cách để tránh các hoạt động quân sự nếu như Liên hợp quốc có hành động kịp thời. Và Moskva không nên đáp trả động thái khiêu khích trên mà thay vào đó là ngồi vào bàn đàm phán. 

“Trong tình thế hiện nay…  các lực lượng chính trị, kinh tế, ngoại gia và văn hóa nên hợp sức để giữ hòa bình thế giới. Xin hãy nhớ kỹ, cuộc chiến tranh tiếp theo sẽ là cuộc chiến cuối cùng”, ông Gorbachev khẳng định. 


Lộ diện “phó tướng” của tỷ phú Trump

Hiện có nhiều lời đồn đoán ứng cử viên dẫn đầu đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ chọn Thống đốc Mike Pence cho vị trí ứng cử viên Phó Tổng thống.

thong doc bang indiana mike pence.

Thống đốc bang Indiana Mike Pence.

Tờ “Thời báo Washington” ngày 10/7 đưa tin việc tỷ phú Donald Trump, người gần như chắc chắn sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, chọn tiểu bang Indiana là điểm vận động tranh cử tiếp theo đang củng cố các đồn đoán ứng cử viên này sẽ chọn Thống đốc Mike Pence cho vị trí ứng cử viên Phó Tổng thống.

Báo trên dẫn các nguồn tin am hiểu chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump cho biết, khả năng “95% Thống đốc bang Indiana Mike Pence sẽ được chọn làm ứng cử viên liên danh tranh cử vào cương vị Phó Tổng thống” trong cuộc bầu cử ngày 8/11 tới. Ngoài ông Mike Pence, hiện các ứng cử viên tiềm tàng khác cho vị trí ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Cộng hòa còn có cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, Thống đốc bang New Jersey Chris Christie và Thượng nghị sĩ bang Alabama Jeff Sessions.

Dự kiến, tỷ phú Trump sẽ công bố quyết định lựa chọn ứng cử viên Phó Tổng thống liên danh tranh cử cùng ông trước khi đảng Cộng hòa khai mạc Đại hội toàn quốc vào ngày 18/7.


Trung Quốc không muốn nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Á - Âu

Trung Quốc ngày 11/7 lớn tiếng cho rằng vấn đề Biển Đông không nên được đưa ra thảo luận tại Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) diễn ra tại Mông Cổ vào cuối tuần này.
 

tau hai canh 3901 cua trung quoc tai bien dong (anh: military.cn)

Tàu Hải cảnh 3901 của Trung Quốc tại Biển Đông (Ảnh: Military.cn)

Phát biểu với báo giới, trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu cho biết vấn đề Biển Đông không được “hoan nghênh” tại hội nghị ASEM.

Ông Khổng nói rằng: “Hội nghị ASEM không phải là sự kiện thích hợp để thảo luận vấn đề Biển Đông. Trung Quốc không có kế hoạch bàn về Biển Đông tại hội nghị ASEM và vấn đề này không nên được đưa ra”.

Ông này lớn tiếng nói rằng, “nếu có bất cứ căng thẳng nào trên Biển Đông thì đó là do một số nước ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề này”. Ông cho rằng các nước trong khu vực tự có đủ khả năng để gìn giữ hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Tuy nhiên, các quan chức tham gia chuẩn bị Hội nghị ASEM cho biết việc thảo luận về vấn đề Biển Đông tại sự kiện này là “không thể tránh khỏi”.

Hội nghị ASEM lần thứ 11 diễn ra tại Mông Cổ vào cuối tuần này sẽ là sự kiện ngoại giao quan trọng đầu tiên sau khi tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc tại La Hay (Hà Lan) ra phán quyết vụ Philippines kiện những tuyên bố đơn phương phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, dự kiến vào ngày mai 12/7.

Trung Quốc đến nay vẫn ngang ngược tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết vì cho rằng tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc không đủ thẩm quyền. Trước thềm phán quyết, Bắc Kinh cũng liên tục phản đối, đe dọa việc Mỹ đưa tàu tuần tra vào khu vực Biển Đông.


Truyền hình Ba Lan “nhào nặn” bài phát biểu của ông Obama

Trong bài phát biểu tại Ba Lan, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích việc cải cách ngành tư pháp của Ba Lan, đồng thời bày tỏ sự quan ngại về nền dân chủ ở nước này. Tuy nhiên, khi được phát trên truyền hình Ba Lan tối 10/7, khán giả chỉ nghe thấy những lời khen ngợi từ ông Obama.

tong thong my barack obama phat bieu tai hoi nghi thuong dinh nato o warsaw, ba lan. anh: afp/ttxvn

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Warsaw, Ba Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo Đức “Tấm gương” (Spiegel) ngày 10/7, khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw, Tổng thống Obama đã lên tiếng chỉ trích và bày tỏ quan ngại về tình trạng dân chủ ở Ba Lan. Tuy nhiên, người xem truyền hình Ba Lan lại đón nhận một phiên bản hoàn toàn khác lời phát biểu của ông Obama. Trong lời phát biểu thực, ông Obama đã cảnh báo Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda rằng các đảng phái ở nước này phải hợp tác cùng nhau nhằm bảo đảm cho các thể chế dân chủ của Ba Lan. 

Tổng thống Obama cho rằng Ba Lan “còn rất nhiều việc phải làm”, bày tỏ quan ngại về sự bế tắc trong việc cải cách ngành tư pháp của Ba Lan. Tuy nhiên, trên truyền hình Ba Lan, một phóng viên đã dịch lời nói của ông Obama rằng vị Tổng thống Mỹ đã hoan nghênh các nỗ lực của Ba Lan liên quan tới nền dân chủ. Trong khi về cải cách tư pháp, Tổng thống Mỹ tin chắc rằng Ba Lan sẽ không dừng lại việc mở rộng những giá trị dân chủ ở nước này và “Ba Lan đang và sẽ là ví dụ cho nền dân chủ, cho toàn thế giới”.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục