tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 08-09-2015

  • Cập nhật : 08/09/2015

Triều Tiên yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc

Triều Tiên yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, tuyên bố cuộc khủng hoảng biên giới đã được giải quyết bằng một thỏa thuận giữa hai miền và đây vấn đề của 2 nước, không cần sự can thiệp từ bên ngoài.

binh si my va han quoc trong mot cuoc tap tran o han quoc - anh minh hoa: afp

Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận ở Hàn Quốc - Ảnh minh họa: AFP

Bộ Ngoại giao Triều Tiên chỉ trích cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc và gọi đó là màn tập dượt cho cuộc xâm chiếm miền bắc. Bình Nhưỡng cương quyết yêu cầu Mỹ rút 28.500 quân đang đóng trên lãnh thổ của Hàn Quốc, hãng  tin Yonhap dẫn nguồn tin từ Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói rằng thỏa thuận đạt được hồi tháng 8.2015 nhằm giải quyết căng thẳng ở biên giới là vấn đề của hai nước, và thỏa thuận sẽ được thực hiện theo năng lực của hai bên để bảo vệ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
“Viện cớ rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc nhằm bảo đảm an ninh cho bán đảo Triều Tiên là sự ngụy biện”, KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Triều Tiên và Hàn Quốc đã trải qua thời gian căng thẳng ở khu vực biên giới hồi tháng trước, được cho xuất phát từ sự khiêu khích của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên căng thẳng đã lắng dịu sau khi cả hai đạt được thỏa thuận hôm 25.8, theo đó hai bên đồng ý rút lại các chiến dịch quân sự, tuyên truyền được triển khai trước đó nhằm chống lại nhau.
Dù vậy, Triều Tiên vẫn phản đối sự can thiệp của Mỹ trong các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là cuộc tập trận hồi cuối tháng 8.2015 giữa Mỹ và Hàn Quốc, được xem là quy mô nhất từ trước đến nay, diễn ra gần biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc. Hôm nay 7.9, Mỹ và Hàn Quốc lại tiến hành một cuộc tập trận khác kéo dài 3 ngày được giải thích là để chống lại các mối “đe dọa sinh học”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi những cuộc tập trận đó là “nguyên nhân chính dẫn đến đối đầu căng thẳng và mất lòng tin” không chỉ giữa Washington và Bình Nhưỡng mà cả trên bán đảo Triều Tiên.
“Việc rút quân đội Mỹ ra khỏi Hàn Quốc là yêu cầu cấp thiết và không thể chậm trễ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ: Triều Tiên, Iran sẽ tự sát nếu dùng vũ khí hạt nhân

Cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cho rằng sử dụng vũ khí hạt nhân là hành động tự sát của Triều Tiên và Iran, cả hai sẽ bị hủy diệt ngay khi họ làm điều đó với thế giới.

cuu ngoai truong my collin powell noi trieu tien va iran se tu sat neu su dung vu khi hat nhan - anh: bloomberg

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Collin Powell nói Triều Tiên và Iran sẽ tự sát nều sử dụng vũ khí hạt nhân - Ảnh: Bloomberg

Phát biểu trong chương trình Gặp gỡ báo chí (Meet the Press) của đài NBC hôm 6.9, ông Powell, người làm việc dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Barack Obama sau thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran. Thỏa thuận này đang được quốc hội Mỹ xem xét.

“Tôi đã nói người Triều Tiên cũng như Iran trong nhiều dịp rằng: các anh biết rõ bất kỳ khi nào các anh sử dụng chúng (vũ khí hạt nhân), các anh sẽ tự sát bởi đất nước và xã hội của các anh sẽ sụp đổ ngay ngày hôm sau”, ông Powell nói tiếp.
Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ, cả thế giới sẽ lên án và chống lại chính phủ Triều Tiên và Iran nếu hai nước này triển khai vũ khí hạt nhân để hủy diệt thế giới hay bất kỳ quốc gia thù địch nào đó của họ. 
“Anh có thể giết chết hàng chục ngàn người, phá hủy một phần của thành phố, và ngày hôm sau anh sẽ thấy hậu quả về những gì mình đã làm”, ông Powell phát biểu trên đài NBC. “Vì vậy đó sẽ là một sự lãng phí tiền của, thời gian. Thay vào đó, tôi nghĩ những gì cần làm là nên hợp tác toàn diện", cựu Ngoại trưởng nói tiếp.
Hồi tháng 7.2015, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức) đã đạt thỏa thuận được xem là đánh dấu mốc lịch sử về chương trình hạt nhân của Tehran. Theo đó, Mỹ và phương Tây sẽ giảm cấm vận đối với Iran, trong khi Tehran cam kết cắt giảm chương trình hạt nhân của mình.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ra thông cáo báo chí tuyên bố rằng Bình Nhưỡng không "hứng thú" với bất kỳ cuộc đàm phán nào với Washington về chương trình hạt nhân của nước này. Thông cáo gọi chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là “sự răn đe cần thiết” chống lại chính sách đối ngoại của Mỹ, quốc gia mà Triều Tiên xem là thù địch.

Mỹ-Hàn tập trận chống vũ khí sinh học

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Mỹ và Hàn Quốc ngày 7/9 bắt đầu tập trận chung phòng chống vũ khí sinh học kéo dài 3 ngày nhằm tăng cường khả năng đáp trả trước những thách thức gia tăng về tấn công vũ khí sinh học từ Bình Nhưỡng.

(anh: usnews)

(Ảnh: Usnews)

Đây là hoạt động thường niên Hàn Quốc và Mỹ được duy trì từ năm 2011. Lực lượng quốc phòng, bộ y tế và hàng chục tổ chức khác của hai nước sẽ tham gia cuộc tập trận chung mang tên “Tăng cường khả năng đáp trả”, bắt đầu từ hôm nay (7/9).

“Cuộc tập trận phòng chống vũ khí sinh học lần này giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ nhằm kiểm tra khả năng phản ứng của quân đội 2 nước trước những thách thức về vũ khí sinh học có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên,” Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.

Tuy nhiên, Triều Tiên lại lên án cuộc tập trận này là nhằm chuẩn bị cho việc xâm lược Bình Nhưỡng. Phía Triều Tiên cũng kêu gọi Mỹ rút 28.500 lính ra khỏi Hàn Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói rằng cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc còn làm trầm trọng sự xung đột và tăng mối nghi kỵ lẫn nhau, không chỉ giữa Bình Nhưỡng và Mỹ, mà còn giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

“Bình Nhưỡng đã yêu cầu nhiều lần Mỹ rút quân ra khỏi Hàn Quốc nhưng phía Mỹ đều bỏ ngoài tai”, phát ngôn viên Triều Tiên nói.


Won Hàn Quốc xuống thấp nhất 5 năm

won han quoc xuong thap nhat 5 nam

Won Hàn Quốc xuống thấp nhất 5 năm

 Đồng Won của Hàn Quốc xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm so với đồng USD do nhu cầu găm giữ  USD tăng lên nhằm huy động vốn cho các vụ sáp nhập. 

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc có thể gây bất ngờ cho thị trường bằng việc cắt giảm chi phí đi vay trong cuộc họp tuần này. 

Tesco Plc đã đồng ý bán chi nhánh tại Hàn Quốc của mình cho một nhóm do công ty đầu tư MBK Partners Ltd. đứng đầu với mức giá 4 tỷ bảng Anh (tương đương 6.1 tỷ USD), theo tuyên bố từ chuỗi siêu thị tại Anh hôm thứ 2 vừa rồi. Trong khi 16 trên 18 chuyên gia phân tích theo khảo sát của Bloomberg dự đoán lãi suất tham chiếu của các ngân hàng Hàn Quốc sẽ giữ nguyên, thì dựa vào số liệu xuất nhập khẩu tháng 8, ANZ cho rằng ngân hàng trung ương Hàn Quốc sẽ phải hạ lãi suất. Hồi tháng 6, ngân hàng này đã hạ lãi suất xuống thấp kỷ lục 1,5%.

Đồng Won đang chịu áp lực do nhu cầu mua lại đồng USD, Jeon Seung Ji, một nhà phân tích tiền tệ của Samsung Futures nhận định.

Won giảm 0,1% xuống 1.205,16 won/USD vào lúc 10:41 sáng tại Seoul. Trước đó won có lúc xuống 1.208,72 won/USD, thấp nhất kể từ tháng 7/2010. Kể từ đầu tháng, won đã giảm 1,8% giá trị.  

Hôm qua, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoon Sang Jick cho biết tình hình xuất khẩu của nước này suy giảm trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo số liệu công bố trước đó, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 của Hàn Quốc giảm mạnh nhất kể từ năm 2009. 
 
 

Pháp tính chuyện chấm dứt trừng phạt Nga

phap tinh chuyen cham dut trung phat nga

Pháp tính chuyện chấm dứt trừng phạt Nga

Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố, sau những diễn biến tích cực gần đây trong tiến trình ngừng bắn ở miền Đông Ukraine, Pháp hy vọng lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ sớm chấm dứt.
Hãng tin BBC cho biết, ông Hollande đã đề xuất một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine tại Paris trong tháng 9 này để bàn về tình hình ở Ukraine. Theo Tổng thống Pháp, trong mấy tuần gần đây đã có những diễn biến khả quan về thực thi hiệp định hòa bình cho miền Đông Ukraine ký kết ở thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng 2.

Tuy vậy, ông Hollande nói vẫn còn một số cam kết cần được các bên tôn trọng. Các cam kết này bao gồm tổ chức bầu cử cho miền Đông và trao thêm quyền tự trị cho hai vùng Donetsk và Luhansk nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai thân Nga.

“Tiến trình hòa bình cho miền Đông Ukraine đã được thúc đẩy. Đã có nhiều tiến bộ trong mấy tuần trở lại đây. Lệnh ngừng bắn nhìn chung được tôn trọng”, ông Hollande phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 7/9 ở Paris.

Theo dự kiến, cuộc gặp của các nhà lãnh đạo 4 nước về vấn đề miền Đông Ukraine sẽ được tổ chức trước cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc vào cuối tháng 9 này.

Nếu các cuộc bầu cử địa phương được tổ chức và việc trao thêm quyền tự trị cho hai vùng Donetsk và Luhansk được thực hiện thành công, “thì tôi sẽ đề nghị dỡ bỏ lệnh trừng phạt” đối với Nga - ông Hollande nói.

Hiện Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang trừng phạt Nga vì cho rằng Moscow hậu thuẫn lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine. Đây là cáo buộc mà Nga cương quyết phủ nhận.

Lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga và tiếp đó là lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa phương Tây nhằm mục đích trả đũa của Nga đã khiến nhiều công ty Pháp và các nước châu Âu khác khốn đốn.

Bất chấp thỏa thuận hòa bình Minsk, các cuộc tấn công đã có chiều hướng gia tăng ở Luhansk và Donetsk trong mùa hè năm nay. Tuy vậy, hôm thứ Bảy vừa rồi, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói trong vòng 1 tuần qua, thỏa thuận hòa bình đã lần đầu tiên được tuân thủ hoàn toàn ở miền Đông Ukraine.

“Ngày hôm nay đánh dấu tuần đầu tiên không có tiếng súng ở miền Đông, tuần đầu tiên thỏa thuận ở Minsk được tuân thủ thực sự”, ông Poroshenko nói.
 

Tổng thống Ukraine hiện đang chịu sức ép phải trao thêm quyền tự trị cho hai khu vực do quân ly khai kiểm soát ở miền Đông, bất chấp sự phản đối của những người theo trường phái dân tộc chủ nghĩa ở nước này.
 

Theo nội dung thỏa thuận Misnk, Quốc hội Ukraine tuần trước đã có cuộc bỏ phiếu đầu tiên tiến tới trao thêm quyền tự trị cho Donetsk và Luhansk.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục