tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 04-03-2016

  • Cập nhật : 04/03/2016

Mỹ-Ấn-Nhật sắp tập trận tại Biển Philippines

tau san bay my uss carl vinson va tau khu truc an do ins ranvijay trong cuoc tap tran nam 2012 - anh: hai quan my

Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson và tàu khu trục Ấn Độ INS Ranvijay trong cuộc tập trận năm 2012 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ có cuộc tập trận chung tại vùng biển phía bắc Biển Philippines trong thời gian sắp tới.
Đô đốc Harry B. Harris, chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết tại hội nghị an ninh ở New Delhi (Ấn Độ) ngày 2.3 rằng cuộc tập trận này sẽ diễn ra tại khu vực phía bắc Biển Philippines trong năm 2016 và Nhật Bản sẽ tham gia. Tuy nhiên, ông Harris không nói rõ thời gian diễn ra cuộc tập trận, theo Reuters ngày 2.3. Biển Philippines nằm ở đông bắc Philippines.
Đô đốc Mỹ cũng khẳng định tự do hàng hải là quyền cơ bản của tất cả các nước. “Trong khi một số nước tìm cách bắt nạt các nước nhỏ hơn bằng cách hăm doạ và cưỡng ép, Ấn Độ là một hình mẫu của việc giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng tại Ấn Độ Dương bằng hoà bình”, Reuters dẫn lời chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ.
Thông báo tập trận lần này của ông Harris xuất hiện chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo việc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông sẽ đem lại hậu quả.
Căng thẳng trên Biển Đông gia tăng liên tục trong thời gian gần đây, hầu hết đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Nước này liên tục bồi đắp các đảo đá chiếm đóng phi pháp, triển khai trái phép tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu, lắp đặt radar tại các đảo và bãi đá ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trở lại với kế hoạch tập trận Mỹ - Ấn Độ, Washington mong muốn mở rộng quy mô các cuộc tập trận với New Delhi mỗi năm sang khắp châu Á-Thái Bình Dương, nhằm thu hút Ấn Độ tham gia trực tiếp vào việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, theo đô đốc Harris. Giới chức hai nước cũng nhiều lần đối thoại về việc tuần tra chung trên biển.
Sau khi Trung Quốc cảnh báo rằng sự can thiệp của các nước ngoài khu vực sẽ đe doạ đến hoà bình và ổn định ở Biển Đông, đô đốc Harris nói rằng việc chọn nơi nào để tuần tra chung phụ thuộc vào quyết định của lãnh đạo Ấn Độ và Mỹ. 
Ông Harris cho rằng Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Mỹ và các nước khác đều có thể tuần tra cùng nhau ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và không ai coi việc tuần tra là mối đe doạ cả, theo Bloomberg. Trong năm 2015, Ấn Độ đã cùng Mỹ và Nhật Bản tập trận hải quân tại vịnh Bengal để đáp lại sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc tại khu vực này.

Hoạt động ngầm của Triều Tiên ở châu Phi

thu truong an ninh nhan dan trieu tien ri song-chol (phai) trong chuyen tham uganda nam 2013 - anh: nknews.org

Thứ trưởng An ninh nhân dân Triều Tiên Ri Song-chol (phải) trong chuyến thăm Uganda năm 2013 - Ảnh: Nknews.org


Dù bị Liên Hiệp Quốc (LHQ) cấm vận, CHDCND Triều Tiên vẫn xây nhà máy đạn dược, bán vũ khí, huấn luyện an ninh cho nhiều nước châu Phi.
Những hoạt động trên vừa được Ban Chuyên gia (PoE) của LHQ tiết lộ trong một báo cáo công bố hồi đầu tuần. Theo đó, Triều Tiên được cho là hiện có 54 nhà máy sản xuất vũ khí và đã bắt đầu bán công nghệ chế tạo vũ khí từ năm 1996.
Theo trang tin IOL (Nam Phi), Triều Tiên có cả một danh mục để chào mời khách hàng châu Phi, từ hệ thống vũ khí hoàn chỉnh, phụ kiện cho các hệ thống và cơ sở hạ tầng, công nghệ vũ khí, dây chuyền chế tạo vũ khí cho đến dịch vụ bảo trì, sửa chữa, nâng cấp...

Dự án quân sự
Trong báo cáo mới, PoE cho hay giới chức Namibia thừa nhận với các nhà điều tra LHQ rằng nhiều công ty Triều Tiên tham gia không ít dự án ở Namibia, kể cả công trình xây dựng một nhà máy sản xuất đạn dược ở thủ đô Windhoek.
Giới chức Namibia còn xác nhận công ty Triều Tiên Mansudae Overseas Project Group đã tham gia nhiều dự án quân sự, trong đó có một học viện quân sự và công trình xây dựng trụ sở của Bộ Quốc phòng Namibia.
Cũng theo PoE, hồi tháng 8.2105, lao động Triều Tiên có mặt trong các hoạt động xây dựng tại một căn cứ quân sự ở TP.Suider Hof gần Windhoek. PoE nhấn mạnh việc xây dựng bất kỳ nhà máy đạn dược hoặc cơ sở quân sự đều bị cấm theo những nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, theo trang tin VICE News (Mỹ).
Ngoài Namibia, Triều Tiên còn tham gia khâu xây dựng và vận hành một nhà máy sản xuất đạn dược ở TP.Likasi của CHDC Congo, theo cổng thông tin IOL.
Chưa hết, Ethiopia hiện nay vẫn đang mong được Triều Tiên hỗ trợ kéo dài thời gian hoạt động của các hệ thống vũ khí cũ và cung cấp các bộ phận xe tăng và đạn dược. Còn Tanzania cũng từng nhờ kỹ thuật viên quân sự Triều Tiên nâng cấp chiến đấu cơ, nhưng giờ đây đã kết thúc quan hệ này do bị chỉ trích nặng nề và được cho là đã trục xuất những kỹ thuật viên Triều Tiên, theo IOL.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng từng bán các bộ phận tên lửa cho Ai Cập. Báo cáo của PoE chỉ ra rằng sau khi kiểm tra lô hàng gửi từ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đến thủ đô Cairo của Ai Cập hồi năm 2013, họ phát hiện có những bộ phận hoặc linh kiện được dùng trong hệ thống tên lửa Scub-B, vốn do Liên Xô phát triển trong thời Chiến tranh lạnh. Các bộ phận này được sản xuất tại Triều Tiên và được chuyển từ Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh theo đường hàng không.

Huấn luyện an ninh
Ngoài các dịch vụ trên, Triều Tiên còn cung cấp dịch vụ huấn luyện cho cảnh sát, quân đội của nhiều quốc gia châu Phi.
Hồi năm 2014, Triều Tiên đã huấn luyện 700 cảnh sát Uganda. Trong báo cáo năm 2015, PoE khẳng định việc huấn luyện này của Triều Tiên là bất hợp pháp, nhưng nó vẫn diễn ra ở Uganda, theo IOL. Còn trong báo cáo năm 2016, PoE cũng chỉ ra rằng giới chức Uganda đã xác nhận 45 công dân Triều Tiên đến nước này tham gia huấn luyện lực lượng bán quân sự hồi tháng 12.2015.
Đáp lại chất vấn của PoE, giới chức Uganda khẳng định việc huấn luyện không vi phạm những nghị quyết nhằm vào Triều Tiên. Trong một bức thư gửi cho PoE, Uganda nói rõ người Triều Tiên tham gia huấn luyện võ thuật, cứu hộ trên biển, hỗ trợ y tế và kỹ thuật xây dựng, theo VICE News.
Không chỉ có Uganda, Zimbabwe cũng nhờ Triều Tiêu huấn luyện cho Bộ Nội vụ, các đơn vị tình báo, do thám. Hồi đầu thập niên 1980, chính Triều Tiên đã huấn luyện đơn vị tác chiến tinh nhuệ của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Trong khi đó, Nigeria vẫn trả tiền cho quân nhân tham gia các khóa huấn luyện kỹ năng bảo vệ lãnh đạo ở Triều Tiên, còn các lực lượng vũ trang CHDC Congo từ lâu cũng đã nhận huấn luyện từ Triều Tiên.
Từ những hoạt động nói trên, một số chuyên gia nhận định Triều Tiên trên thực tế đang cung cấp cho các nước châu Phi năng lực thiết lập những khả năng về công nghiệp quốc phòng nội địa. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là yếu tố khiến Triều Tiên không còn nhiều khách hàng sau này vì một khi tự lo được về khả năng quốc phòng thì những nước châu Phi như Namibia hay Uganda sẽ không còn cần tới Bình Nhưỡng nữa.

Mỹ đề xuất khôi phục liên minh hải quân đối phó Trung Quốc

Mỹ nên khôi phục một liên minh chiến lược không chính thức với Nhật Bản, Úc, Ấn Độ.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ) -  Đô đốc Harry Harris ngày 2-3 (giờ địa phương) đề xuất rằng Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ nên khôi phục một liên minh chiến lược không chính thức giữa hải quân bốn nước này, một thử nghiệm từng đổ vỡ cách đây gần một thập niên vì sự phản đối ngoại giao từ phía Trung Quốc.

Theo Thời báo New York, đề xuất trên là bước đi mới nhất trong một loạt các cuộc thảo luận của Mỹ với Ấn Độ, quốc gia được xem là khá thận trọng với việc thiết lập liên minh chiến lược, để tham gia một mạng lưới các cường quốc hải quân nhằm đối trọng trước sự mở rộng của hải quân Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Richard Verma bày tỏ hy vọng rằng "trong tương lai không xa", các cuộc tuần tra chung của tàu hải quân Mỹ và Ấn Độ "sẽ trở thành một hoạt động thường lệ và được hoan nghênh khắp các vùng biển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

mot tau hai quan an do hoat dong gan tp cang visakhapatnam cua nuoc nay hoi thang 1-2016. anh: ap

Một tàu hải quân Ấn Độ hoạt động gần TP cảng Visakhapatnam của nước này hồi tháng 1-2016. Ảnh: AP

Các quan chức cho biết sau 10 năm Ấn Độ khéo léo từ chối, Mỹ hiện đang tiếp cận rất gần một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần mà theo đó cho phép quân đội hai nước dễ dàng sử dụng các nguồn lực của nhau để tái cung cấp nhiên liệu và sửa chữa.

Thời báo New York cho biết các nhà phân tích Trung Quốc xem việc khôi phục một liên minh như vậy là hành động thù địch, thậm chí có người gọi đây là một “NATO thu nhỏ”.

Shen Dingli, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Fudan (Thượng Hải, Trung Quốc), đã bác bỏ đề xuất trên. Vị học giả nói rằng Ấn Độ sẽ không tham gia mạng lưới này vì sợ Trung Quốc trả đũa. “Trung Quốc thật sự có nhiều cách để gây bất lợi cho Ấn Độ”.

Mặc dù không đề cập trực tiếp Trung Quốc nhưng Đô đốc Harris cho biết thực tế các cường quốc đang tìm cách "bắt nạt những quốc gia nhỏ hơn thông qua đe dọa và ép buộc" và việc tăng cường hợp tác hải quân là cách tốt nhất để ngăn chặn điều này.


Bin Laden từng dự tính tấn công lớn ở châu Âu

Ngày 1-3 (giờ địa phương), cơ quan tình báo Mỹ đã giải mật 113 tài liệu mật thu được tại nơi trú ẩn của Osama Bin Laden (trùm tổ chức khủng bố Al Qaeda) ở Abbottabad (Pakistan) sau chiến dịch tiêu diệt Bin Laden hồi tháng 5-2011. Các tài liệu đã tiết lộ nhiều thông tin và ý đồ của Bin Laden.

• Xử tử con tin Pháp: Trong một bức thư, Bin Laden xác định Pháp là mục tiêu đứng đầu châu Âu. Bin Laden đưa ra kế hoạch thương lượng đối với năm con tin Pháp bị bắt cóc hồi tháng 9-2010 ở Arlit (Niger). Con tin nữ (François Larribe) sẽ được trao đổi trước lấy 5 triệu euro vì giữ phụ nữ không tiện. Đối với bốn con tin còn lại, Bin Laden đặt điều kiện Pháp phải rút ngay khỏi Afghanistan hoặc dừng ngay chiến dịch hành quân. Nếu Pháp từ chối thương lượng, con tin sẽ bị xử tử trước bầu cử tổng thống Pháp năm 2012.

• Âm mưu tấn công: Bin Laden chế nhạo các biện pháp an ninh ở châu Âu và Mỹ và dự kiến sẽ mở chiến dịch tấn công tại các thủ đô ở châu Âu nhưng không nêu rõ nước nào. Bin Laden tự hào có nhiều phương tiện mới hiệu quả mà các cơ quan an ninh không tài nào dò tìm thấy. Bin Laden đe dọa mở rộng chiến dịch tấn công ở Mỹ và không chỉ giới hạn bằng cách nổ máy bay. Bin Laden cũng gợi ý mở một cuộc tấn công quy mô rất lớn để kỷ niệm 10 năm khủng bố nước Mỹ (ngày 11-9-2001).

• Tài sản kếch sù: Cục Tình báo quốc gia nhận định các tài liệu cho thấy Bin Laden muốn giới thiệu tổ chức Al Qaeda đang suy yếu và rã đám như một tổ chức đoàn kết. Bin Laden bảo đảm có tài sản gần 29 triệu USD cất giấu ở Sudan và sẵn sàng dùng số tiền này để đầu tư cho thánh chiến.

• Nỗi ám ảnh bị theo dõi: Bin Laden lo sợ người Iran cài vi mạch vào răng để theo dõi một người vợ đi khám răng ở Iran trở về. Bin Laden đã chỉ thị cho bọn Al Qaeda giữ một con tin Afghanistan khi nhận được tiền chuộc thì vứt va ly đựng tiền vì sợ trong va ly có cài vi mạch. Bin Laden cũng bảo người thân chỉ nên ra khỏi căn nhà thuê ở Peshawar (Pakistan) trong ngày có mây mù để tránh bị máy bay không người lái Mỹ phát hiện. Một tài liệu cho thấy Bin Laden đã xử tử bốn thuộc hạ muốn quay trở lại hàng ngũ vì nghi ngờ là gián điệp.

Đây là lần công bố tài liệu mật thứ hai của Bin Laden. Tháng 5-2015, Cục Tình báo quốc gia Mỹ đã công bố đợt đầu các tài liệu giải mật của Bin Laden theo chỉ đạo của Tổng thống Obama.


Singapore nêu ý tưởng giải pháp tạm thời cho Biển Đông

mot duong bang trung quoc xay phi phap tren da xu bi trong quan dao truong sa thuoc chu quyen viet nam - anh: csis/amti

Một đường băng Trung Quốc xây phi pháp trên đá Xu Bi trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - Ảnh: CSIS/AMTI


Singapore đề xuất mở rộng áp dụng khái niệm Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES) cho các bên liên quan tranh chấp ở Biển Đông, tạm thời giúp giảm căng thẳng tại khu vực này.
Đài Channel News Asia ngày 2.3 đưa tin Singapore đã đề xuất mở rộng áp dụng khái niệm Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES) cho tất cả các bên liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, nhằm tránh xảy ra những tính toán sai có thể dẫn đến xung đột trên biển.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho hay: “Đề xuất bao gồm một số quy tắc can dự nhằm ngừa những sự cố bất ngờ hoặc tính toán sai lầm có thể dẫn đến căng thẳng và xung đột trên biển. Chúng tôi đề xuất mở rộng khái niệm này với cả tàu hải quân và cảnh sát biển”.
Nước này coi ý tưởng này là một giải pháp tạm thời trong ngắn hạn nhằm giúp hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông. Ngoại trưởng Singapore khẳng định vấn đề hiện nay là liệu Trung Quốc và ASEAN có thể xây dựng lòng tin hay không khi các cuộc tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vẫn đang diễn ra.
Những phát biểu trên được đưa ra sau chuyến thăm Trung Quốc từ 29.2 - 1.3 của Ngoại trưởng Balakrishnan và ông cho biết phía nước chủ nhà “coi đây là ý tưởng đáng tìm hiểu”.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục