tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 03-12-2015

  • Cập nhật : 03/12/2015

Các nước sắp có "cây gậy đánh Trung Quốc" trên biển Đông

“Trung Quốc giả vờ là có thể nhắm mắt làm ngơ dễ dàng nhưng họ sẽ phải trả một cái giá quốc tế" – chuyên gia an ninh Bonnie Glaser nhận đinh về vụ kiện biển Đông của Philippines.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 1-12 tiếp tục nhấn mạnh Tòa trọng tài Thường trực (PCA) không có thẩm quyền đối với vụ kiện của Philippines ở biển Đông, đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ không chấp nhận và tham gia vụ phân xử do PCA tổ chức.

Bà Hoa còn chỉ trích vụ kiện của Manila là một sự khiêu khích chính trị dưới vỏ bọc luật pháp. "Đây không phải là nỗ lực giải quyết tranh chấp mà là một nỗ lực để phủ nhận chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải cũng như lợi ích của Bắc Kinh ở biển Đông" - bà Hoa nói.

Với những phát biểu này, Trung Quốc đã từ chối thời hạn chót phản biện về vụ viện (1-1-2016) mà PCA đưa ra trong thông cáo trước đó cùng ngày 1-12.

nguoi phat ngon bo ngoai giao trung quoc hoa xuan oanh. anh: fmprc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: FMPRC

Cuối tháng 10 vừa qua, khi PCA tuyên bố họ có thẩm quyền tiếp nhận và phân xử vụ kiện của Philippines đối với các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông, Bắc Kinh đã bác bỏ với lập luận phiên tòa sẽ chẳng giải quyết được gì.

Tuy nhiên, các quan chức Philippines và một số chuyên gia, nhà ngoại giao nước ngoài không đồng ý. Họ tin rằng Bắc Kinh có thể phải chịu thêm áp lực về ngoại giao và pháp lý nếu PCA ra phán quyết cuối cùng có lợi cho Manila. Các chuyên gia pháp lý tiết lộ Philippines đang có cơ hội thắng kiện đáng kể. Phán quyết cuối cùng có thể được công bố vào giữa năm 2016.

Hầu hết các chuyên gia đều thừa nhận bất kỳ phán quyết nào chống lại Trung Quốc cũng đều mang tính ràng buộc song sẽ không được thực thi vì không có cơ quan nào thực hiện các phán quyết như vậy. Thế nhưng, bản án sẽ là gánh nặng quấn quanh cổ Trung Quốc, đặc biệt là tại các cuộc họp khu vực. Việc lần đầu tiên tòa án quốc tế xen vào tranh cấp trên biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh khó lòng phớt lờ thực tế hơn.

tau brp sierra madre treo co philippines o bai co may, quan dao truong sa. anh: reuters

Tàu BRP Sierra Madre treo cờ Philippines ở Bãi Cỏ Mây, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Reuters

Chuyên gia về vấn đề biển Đông Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore cho biết: “Các quốc gia khác sẽ sử dụng phán quyết như một cây gậy để đánh Bắc Kinh. Đó là lý do Trung Quốc cảm thấy sợ hãi”.

Chuyên gia an ninh Bonnie Glaser đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định thêm: “Có một bí mật nhỏ không mấy sạch sẽ ở đây. Trung Quốc giả vờ là có thể nhắm mắt làm ngơ một cách dễ dàng nhưng họ sẽ phải trả một cái giá quốc tế".

Không chỉ trong khu vực mà các quốc gia phương Tây cũng sẽ gây áp lực lên Bắc Kinh trong các cuộc họp song phương và tại các diễn đàn quốc tế một khi phán quyết được đưa ra theo hướng gây bất lợi cho nước này.


Ngân hàng Trung Quốc dính án phạt đau ở Mỹ vì vụ hàng nhái

Ngân hàng Trung Quốc (BOC) đối mặt án phạt 50.000 USD/ngày từ 8-12 tại Mỹ nếu không chấp hành yêu cầu cung cấp thông tin những khách hàng là đối tượng bị cáo buộc bán hàng nhái.

Ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước nói trên đã coi thường tòa án tại Manhattan hồi tuần trước vì từ chối tuân thủ yêu cầu của tòa án án.

BOC tuyên bố sẽ kháng cáo đối với yêu cầu nộp phạt 50.000 USD bắt đầu từ 8-12.

Ngân hàng Trung Quốc dính án phạt đau ở Mỹ vì vụ hàng nhái

Ngân hàng này khẳng định nếu trao thông tin khách hàng theo yêu cầu nói trên của tòa án ở Manhattan thì họ sẽ vi phạm luật riêng tư của Trung Quốc.

Vụ việc bắt nguồn đơn kiện năm 2010 của một nhóm các nhà bán lẻ các sản phẩm hạng sang, trong đó có Gucci và Yves Saint Laurent kiện một loạt công ty Trung Quốc bị cho là bán hàng nhái nhiều sản phẩm, trong đó có túi xách.

Các nguyên đơn này yêu cầu thẩm phán tại Manhattan Richard Sullivan yêu cầu BOC trả 12 triệu USD để đền bù cho những thiệt hại từ việc công ty Trung Quốc là khách hàng của ngân hàng này buôn bán hàng nhái, hoặc án phạt tương đương.

Thẩm phán ban đầu yêu cầu BOC cung cấp thông tin khách hàng vào năm 2011, và lặp lại yêu cầu này hồi tháng 9 vừa qua. Nếu không chấp hành, BOC sẽ phải nộp phạt 50.000 USD/ngày từ 8-12.

“BOC từ chối tuân thủ luật pháp Mỹ dù họ vẫn đang thu lợi nhuận từ các hoạt động ngân hàng tại Mỹ. Điều này gây ảnh hưởng đáng kể tới các nguyên đơn cũng như công chúng” – ông Sullivan nhấn mạnh.

Đồng thời, vị thẩm phán nói thêm: “Chỉ một án phạt lớn mới có thể gây áp lực mạnh tới BOC trong tình trạng này”.

Tòa án cũng yêu cầu ngân hàng nằm trong tốp 4 của Trung Quốc này phải trả các chi phí pháp lý cho các nguyên đơn. Tuy nhiên, BOC phản pháo rằng thẩm phán Sullivan không đủ quyền hạn pháp lý đối với phán quyết này.

BOC là ngân hàng lớn thứ 4 về tài sản của Trung Quốc và đạt lợi nhuận gần 28 tỉ USD năm 2014.


Nga dọa đáp trả nếu Montenegro gia nhập NATO

Nga ngay lập tức phản ứng mạnh mẽ về việc NATO chính thức mời Montenegro gia nhập liên minh này.

Không lâu sau khi ngoại trưởng các nước thành viên NATO chính thức mời Montenegro gia nhập liên minh quân sự này, ngày 2.12 Nga đã lên tiếng phản ứng và cảnh báo những hệ lụy nếu Montenegro gia nhập NATO.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov phát biểu trước báo giới rằng việc NATO mời Montenegro gia nhập liên minh, trờ thành thành viên thứ 29, sẽ khiến Nga phải có các biện pháp đáp trả.
Ông Peskov cho biết: "Moscow đã luôn chú ý đến việc liên tục mở rộng phạm vi hoạt động cũng như cơ sở hạ tầng quân sự về phía đông của NATO. Điều này chắc chắn sẽ dẫn tới các hành động đáp trả từ phía đông, cụ thể là về phía Nga nhằm đảm bảo lợi ích an ninh cũng như thúc đẩy sự bình đẳng về lợi ích", theo TASS.
Cũng trong ngày 2.12, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Viktor Ozerov tuyên bố Nga sẽ hủy bỏ các dự án chung với Montenegro, kể cả trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự nếu Montenegro gia nhập NATO, theo Reuters.
Trong khi đó, Sputnik News dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang Nga, ông Yevgeny Serebrennikov cho biết Moscow sẽ có các biện pháp tăng cường năng lực quân sự cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu để "tiếp tục kiềm chế NATO phát triển xung quanh Nga". Theo ông Yevgeny, các biện pháp cụ thể sẽ được Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga soạn thảo.
Mặc dù nhiều quan chức cấp cao Nga cũng như giới chuyên gia đã đưa ra nhận định về phản ứng cứng rắn từ phía Nga, nhưng người phát ngôn Điện Kremlin vẫn khẳng định "Tổng thống Nga tạm chưa đưa ra quan điểm chính thức về vấn đề này. Hãy đợi tuyên bố chính thức từ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và tổng thống, hơn là nghe theo suy đoán của chuyên gia".

Trung Quốc bị tố tấn công mạng quy mô lớn nhắm vào Úc

Đài ABC (Úc) ngày 2.12 đưa tin Trung Quốc bị tố đứng sau một đợt tấn công mạng “quy mô lớn” nhắm vào Cục Khí tượng của chính phủ Úc, nơi có siêu máy tính, để trộm thông tin nhạy cảm.
Cục Khí tượng Úc sở hữu một trong các siêu máy tính lớn nhất của Úc, và vụ tấn công xảy ra trong những ngày gần đây có thể giúp tin tặc tiếp cận Bộ Quốc phòng nhờ hệ thống máy tính liên kết với nhau, theo ABC. Hãng tin này dẫn nguồn tin từ các quan chức cho biết Trung Quốc đứng sau vụ tấn công này; Bắc Kinh trước đây từng bị tố tấn công mạng hệ thống máy tính chính phủ Úc, trộm thông tin mật.
“Chính là Trung Quốc”, một nguồn tin tiết lộ với ABC.
Cục Khí tượng Úc trong một thông cáo cho biết họ không bình luận về các vấn đề an ninh mạng, nhưng đang phối hợp làm việc với các cơ quan an ninh và khẳng định hệ thống máy tính của họ vẫn hoạt động bình thường, theo Reuters. Cảnh sát Liên bang Úc cũng từ chối xác nhận, trong khi Bộ Quốc phòng Úc cho hay cơ quan này có chính sách miễn bình luận về những vấn đề về an ninh mạng.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Úc, với kim ngạch thương mại song phương khoảng 110 tỉ USD vào năm 2013, và hai bên ký kết một thỏa thuận tự do thương mại mang tính lịch sử vào năm 2014, theo Reuters.
Bắc Kinh nhiều lần bị tố đứng sau hàng loạt vụ tấn công mạng, trộm bí mật thương mại và do thám chính quyền các quốc gia trên thế giới, nhất là Mỹ.
Hồi tháng 6.2015, các quan chức Mỹ cáo buộc tin tặc Trung Quốc trộm thông tin cá nhân của trên 4 triệu nhân viên và cựu nhân viên chính phủ Mỹ. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết sẽ siết chặt an ninh mạng và đáp trả mạnh tay trước những vụ tấn công mạng.

Mỹ đòi trừng phạt Nga vì vi phạm Hiệp ước tên lửa tầm trung

Theo hãng tin RIA Novosti ngày 2.12, Washington cáo buộc Moscow vi phạm Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm trung và tầm ngắn và dọa áp dụng những biện pháp trừng phạt nặng hơn.

Trong một buổi điều trần tại Hạ viện Mỹ, bà Rose Gottemoeller, người đứng đầu Ủy ban Kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế cho biết đang xem xét khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vì cho rằng Nga vi phạm Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Bà Rose Gottemoeller nhắc lại rằng trước đó Mỹ cùng với EU đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga vì tình hình ở Ukraine, và theo lời bà, biện pháp này rất hiệu quả.

Các quan chức chính phủ Mỹ đã nhiều lần tuyên bố về khả năng sử dụng các biện pháp kinh tế và quân sự chống lại Nga vì hành vi bị cáo buộc là vi phạm Hiệp ước INF. Tuy nhiên, chưa có quyết định nào được thực hiện và điều này gây bất mãn cho nhiều thành viên Quốc hội, đặc biệt là các nghị sĩ đảng Cộng hòa vốn thường xuyên chỉ trích chính quyền của tổng thống đương nhiệm Barack Obama.

Mỹ luôn ủng hộ việc duy trì hiệu lực Hiệp ước INF, theo Washington, để bảo đảm an ninh cho nước Mỹ và thế giới nói chung. Về phần mình, Moscow tuyên bố rằng Nga luôn tôn trọng hiệp ước và tố rằng với hành vi triển khai các loại vũ khí bị cấm, chính Mỹ mới là bên vi phạm hiệp ước.

Hiệp ước INF được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô vào năm 1987, có hiệu lực vào năm 1988. Hai bên cam kết tiêu hủy hoàn toàn các chủng loại tên lửa tầm trung (tầm bắn 1.000-5.500 km) và tầm ngắn (500 – 1.000 km) cùng các thiết bị phụ trợ. Theo thỏa thuận, việc tiêu hủy phải được thực hiện xong trước năm 1991 và từ đó đến năm 2001, hai bên tiến hành kiểm tra lẫn nhau. Tuy nhiên, các quốc gia khác, bao gồm các nước châu Âu, vẫn có thể sở hữu những loại tên lửa này.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục