tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 01-01-2016

  • Cập nhật : 01/01/2016

Trung Quốc nhòm ngó đảo Okinawa của Nhật Bản

Ngày 26-12, 3 tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản ở phía Nam quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Tuy nhiên, ý đồ của Trung Quốc không dừng lại ở đây.

Tờ The Daily Beast (Mỹ) gọi đây là hành động leo thang nguy hiểm và là lần đầu tiên Bắc Kinh gửi tàu vũ trang vào khu vực Tokyo tuyên bố chủ quyền.

Một trong ba tàu Trung Quốc nói trên đã được cải tiến để mang theo 4 khẩu pháo. Đó được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh không chỉ muốn chiếm quần đảo Senkaku (họ gọi là Điếu Ngư) mà còn nhăm nhe cả quần đảo Ryukyu, bao gồm đảo Okinawa quan trọng của Nhật Bản.

Về mặt địa lý, Okinawa đóng vai trò then chốt đối với liên minh Mỹ - Nhật Bản và là trung tâm của sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Đảo này tập trung hơn một nửa trong số 54.000 nhân viên quân sự Mỹ đồn trú ở Nhật.

Năm 2013, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh từ chối công nhận Okinawa và quần đảo Ryukyu thuộc về Nhật Bản. Kể từ khi tuyên bố chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 1971, Trung Quốc thường điều tàu và máy bay tới xung quanh khu vực này. Tần suất các hoạt động khiêu khích tăng vọt vào năm 2012 và giảm dần vào năm 2013.

Bằng cách lấn dần vào Senkaku, Trung Quốc cũng tiến từng bước tới Okinawa trong một thập kỷ qua, theo tờ báo Mỹ.

trung quoc dang nhom ngo dao okinawa cua nhat ban. anh: reuters

Trung Quốc đang nhòm ngó đảo Okinawa của Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Nắm bắt được ý định của Trung Quốc, Nhật Bản đang tăng cường hệ thống phòng thủ ở các đảo xa trên biển Hoa Đông. Tokyo đang muốn xâu chuỗi 200 hòn đảo bắt đầu từ đảo Kyushu tới đảo Đài Loan tạo thành chuỗi phòng thủ dài hơn 1.400 km, bên cạnh việc triển khai lá chắn tên lửa chống máy bay và tàu.

Reuters cho biết đây là lần đầu tiên các quan chức Nhật Bản thừa nhận vành đai phòng thủ này nhằm mục đích đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 27-11, 11 máy bay của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), trong đó có 8 máy bay ném bom H-6K và 3 máy bay giám sát tình báo điện tử, đã tiếp cận quần đảo Ryukyu qua eo biển Miyako trước khi Nhật Bản thiết lập vành đai.

Thời báo Hoàn cầu hồi tháng 5-2013 nhận định quần đảo Ryukyu sẽ “cung cấp đòn bẩy cho Trung Quốc đạt được lợi thế trong việc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”. Nhưng chuyên gia Zhou Yongsheng của Đại học Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo nếu Bắc Kinh sử dụng vấn đề chủ quyền Ryukyu để giải quyết tranh chấp trên biển Hoa Đông, điều đó sẽ làm quan hệ Trung – Nhật bị phá hủy. “Nó sẽ trở thành khúc dạo đầu cho các hành động quân sự” – ông Zhou nói.

Trong trường hợp Trung Quốc cố giành lấy Ryukyu, cựu tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Dennis Blair nói với The Daily Beast rằng Bắc Kinh chắc chắn phải gây chiến với Washington bởi “chúng tôi đã cam kết bảo vệ Nhật Bản và Trung Quốc sẽ không thể nào chiếm được Ryukyu”.

Nhưng Trung Quốc không dừng lại ở đó. Đồng tác giả một bài bình luận trên tờ Nhân dân Nhật báo Zhang Haipeng khẳng định Hải quân Trung Quốc muốn xuyên qua chuỗi đảo Ryukyu và tiếp cận phía Đông Thái Bình Dương, tức khu vực sát bờ biển của Mỹ.


Mỹ gửi thêm tàu chi viện tới đảo Guam

Tàu USS Emory S. Land vừa được Mỹ điều động từ căn cứ hỗ trợ hải quân Diego Garcia ở Ấn Độ Dương tới đảo Guam để hỗ trợ cho 4 tàu ngầm đang đóng ở đó.

Tạp chí Stars and Stripes dẫn một nguồn tin Hải quân Mỹ tuần trước cho biết tàu USS Emory S. Land sẽ thực hiện nhiệm vụ cùng tàu USS Frank Cable đang đóng tại đảo Guam, hỗ trợ 4 tàu ngầm tấn công nhanh của Mỹ tại đây và các tàu ngầm khác nếu cần thiết.

USS Emory S. Land sẽ được triển khai cùng thủy thủ đoàn 350 người và 150 nhân viên phục vụ dân sự để hỗ trợ hậu cần cho tàu ngầm, bao gồm cung cấp thực phẩm, nước và điện cũng như vũ khí, phụ tùng thay thế, hỗ trợ bảo trì, dịch vụ y tế, nha khoa và dịch vụ pháp lý.

Tàu USS Emory S. Land. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu USS Emory S. Land. Ảnh: Hải quân Mỹ

Trước đó, hồi tháng 5, Hải quân Mỹ gửi tàu ngầm tấn công nhanh thứ 4 tới đảo Guam. Điều này đồng nghĩa với việc hạm đội tàu ngầm ở đây cần 2 tàu chi viện.

Thông báo triển khai USS Emory S. Land được công bố hôm 23-12 và con tàu đã rời cảng nhà ở Diego Garcia để tới Guam.

Động thái kể trên là một phần trong kế hoạch dài hạn của Hải quân Mỹ nhằm bổ sung lực lượng hỗ trợ cho các đơn vị viễn chinh. Bên cạnh đó, Washington muốn tăng cường bảo vệ lãnh thổ, ngăn ngừa xung đột, ứng phó với khủng hoảng, đánh bại bất kỳ sự xâm lược nào từ bên ngoài, bảo vệ lợi ích chung trên biển, tăng cường quan hệ đối tác, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa.

Bước đi trên cũng được xem là một phần củachiến lược xoay trục sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà Washington đang theo đuổi.

Hiện Mỹ đang bố trí máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công hạt nhân trên đảo Guam, một phần để đối phó với Trung Quốc. Do khu vực này cách xa lãnh thổ Trung Quốc nên Mỹ có thể thoải mái trang bị khí tài trên đảo mà không sợ một cuộc tấn công trả đũa từ Bắc Kinh nếu xảy ra xung đột.


Áp lực nặng nề từ El Nino

Tổ chức cứu trợ quốc tế Oxfam (trụ sở ở Anh) hôm 30-12 dự báo hiện tượng El Nino có thể khiến hàng chục triệu người trên thế giới rơi vào nạn đói, thiếu nước và bệnh tật trong năm 2016 nếu không sớm có hành động đối phó.

Là hiện tượng nước biển ấm lên ở trung tâm Thái Bình Dương rồi lan rộng về phía Đông đến Bắc và Nam Mỹ, El Nino xảy ra 2-7 năm một lần. El Nino năm 2015 được ghi nhận là mạnh nhất kể từ năm 1998 đến nay và có thể nằm trong số 3 đợt mạnh nhất trong lịch sử. Với việc làm tăng nhiệt độ toàn cầu cũng như các hình thái thời tiết bất thường, El Nino khiến 2015 có thể trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận, theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO).

Cùng ngày 30-12, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cảnh báo El Nino hiện nay chưa có dấu hiệu suy giảm, dựa theo phân tích hình ảnh vệ tinh chụp Thái Bình Dương. Sang năm 2016, El Nino tiếp tục gây lũ lụt và hạn hán ở nhiều nơi. Chịu ảnh hưởng nặng nhất có thể là châu Phi với tình trạng thiếu lương thực dự kiến đạt đỉnh điểm vào tháng 2-2016.

Theo đài BBC, khoảng 31 triệu người tại châu Phi hiện sống trong cảnh thiếu ăn trầm trọng, gia tăng đáng kể so với năm ngoái. Nam Phi đã phải công bố vùng thảm họa ở nhiều tỉnh do hạn nặng. Khoảng 10,2 triệu người sống tại Ethiopia cần được hỗ trợ nhân đạo vào năm 2016 với số tiền ước khoảng 1,4 tỉ USD do hạn hán nghiêm trọng. Con số trên ở Malawi là 2,8 triệu người, theo cơ quan an ninh lương thực nước này.

nguoi dan o ethiopia can duoc vien tro luong thuc trong nam 2016 anh: wfp

Người dân ở Ethiopia cần được viện trợ lương thực trong năm 2016 Ảnh: WFP

Các khu vực như vùng Caribe, Trung và Nam Mỹ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng trong vòng 6 tháng tới. Theo Oxfam, đã có 2 triệu người ở Guatemala, Honduras, El Salvador và Nicaragua cần viện trợ lương thực do hạn hán lẫn mưa thất thường trong năm nay.

Trận lụt nghiêm trọng nhất 50 năm qua đang nhấn chìm Paraguay, Argentina, Uruguay và Brazil khiến hơn 150.000 người bỏ nhà cửa, cũng có “bàn tay” của El Nino. Tình hình có thể nghiêm trọng hơn khi dự báo lũ lụt tiếp tục hoành hành ở Trung Mỹ vào tháng 1-2016.

Oxfam lo ngại El Nino sẽ khiến hoạt động cứu hộ - vốn đã căng thẳng bởi các cuộc chiến ở Syria, Nam Sudan và Yemen - càng thêm đuối sức. Cơ quan này đang lên kế hoạch giúp 777.000 người ở Ethiopia tiếp cận nước sạch, công trình vệ sinh, lương thực và hỗ trợ sinh kế nhưng còn thiếu khoảng 25 triệu USD để thực thi.

“Nếu thế giới chần chừ, thảm họa nhân đạo sẽ bùng nổ ở miền Nam châu Phi và Mỹ Latin khiến chúng ta ứng phó không nổi” - bà Jane Cocking, Giám đốc Nhân đạo của Oxfam, cảnh báo.

Trong khi các nước đang phát triển cảm nhận rõ rệt tác động trực tiếp của El Nino thì những nước phát triển cũng “dính đòn” thông qua giá thực phẩm gia tăng. Tiến sĩ Nick Klingaman thuộc Trường ĐH Reading (Anh) cho biết: “Thông thường, giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu sẽ tăng từ 5%-10% trong những trường hợp này. Các mùa vụ cà phê, gạo, ca cao và đường cũng bị ảnh hưởng”.

El Nino nhiều khả năng “nguội dần” vào mùa xuân năm sau. Nhưng đây chưa hẳn là tin tốt bởi La Nina, hiện tượng trái ngược El Nino song gây tác hại nhiều không kém, thường nối đuôi sau đó. “Ở những nơi bị hạn hán do El Nino trong năm nay có thể chìm trong nước lũ vào năm tới vì La Nina” - tiến sĩ Klingaman dẫn chứng.


Đánh bom liều chết liên tiếp tại Syria, hàng chục người chết

Một loạt các vụ nổ bom xảy ra tại thành phố Kamishli ở đông bắc Syria, nhằm vào các nhóm dân người Kurd và người Assyria. Ít nhất 16 người chết.

nhung ke danh bom lieu chet da nham vao 3 nha hang dang to chuc cac bua tiec mung nam moi la simoni, miami va gabriel - anh: twitter cua aylina kilic

Những kẻ đánh bom liều chết đã nhằm vào 3 nhà hàng đang tổ chức các bữa tiệc mừng năm mới là Simoni, Miami và Gabriel - Ảnh: Twitter của Aylina Kilic

Theo Russia Today, thông tin số thương vong trong các vụ đánh bom liều chết do phát ngôn viên lực lượng người Kurd, Redur Xelil cung cấp.

Thành phố Kamishli nằm ở khu vực biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, thuộc Al-Hasakah. Hiện phần lớn khu vực này do lực lượng người Kurd và các dân quân người Assyria kiểm soát.

Người ta cũng đã phát hiện các loại chất gây nổ khác ở gần hiện trường xảy ra nổ bom trong khu vực có phần lớn người Assyria sinh sống.

Hai vụ đánh bom liên tiếp nhằm vào hai nhà hàng trong thành phố. Ông Xelil cho rằng những kẻ tấn công thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Nguồn tin từ hãng thông tấn SANA của Syria cho biết có ít nhất 16 người chết và 35 người khác bị thương trong các vụ tấn công. 

IS cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm các vụ tấn công này, tuy nhiên thông tin chưa được kiểm chứng.

Vụ nổ bom thứ ba xảy ra sau hai vụ nổ đầu tiên. Nguồn tin từ một dân quân người Assyria cho biết: “Một vụ nổ xảy ra tại một nhà hàng. Các dân quân và lực lượng Syria đang tiến về phía đó. Nơi xảy ra vụ việc gần với chỗ xảy ra hai vụ đánh bom đầu tiên”.

Các thông tin từ hiện trường cho thấy những kẻ tấn công đã nhằm vào các bữa tiệc mừng năm mới. Ba nhà hàng bị đánh bom là Miami, Simoni và Gabriel.

Hiện chưa xác định được con số thương vong trong vụ nổ bom thứ ba.


Mỹ tiêu diệt 10 "đầu sỏ" IS

Các cường quốc tham gia không kích tại Syria và Iraq đang cố thể hiện hiệu quả hoạt động của mình. 

abu nabil, thu linh cap cao cua is o libya vua thiet mang trong dot khong kich - anh: afp

Abu Nabil, thủ lĩnh cấp cao của IS ở Libya vừa thiệt mạng trong đợt không kích - Ảnh: AFP

Trong khi rộ lên thông tin bom Nga giết nhầm thường dân tại Syria thì phía Mỹ thắng được “cú đúp” nhờ tiêu diệt nhiều chỉ huy khủng bố lẫn hỗ trợ Iraq giành chiến thắng trên bộ.

Reuters ngày 30-12 dẫn lời người phát ngôn bên quân đội Mỹ, đại tá Steve Warren, cho biết các lực lượng do Mỹ dẫn đầu đã tiêu diệt được 10 chỉ huy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhờ không kích trong tháng 12.

Chiến tích đẹp này còn làm “mát lòng” đồng minh Pháp, bởi trong số những kẻ thiệt mạng có cả hai tên dính líu cuộc tấn công khủng bố tại thủ đô Paris ngày 13-11.

Viên đại tá Mỹ xác nhận đó là các tên Abdul Qader Hakim, bị tiêu diệt tại thành phố Mosul của Iraq hôm 26-12 và Charaffe al Mouadan bị tiêu diệt tại Syria hai ngày trước đó. Tên Charaffe được cho là có liên kết trực tiếp với Abdelhamid Abaaoud, nghi can cầm đầu các vụ kích bom liều chết và nổ súng tại Paris.

Người phát ngôn quân đội Mỹ giải thích nhờ hiệu quả các cuộc không kích nhắm vào ban lãnh đạo của IS mà các cuộc tấn công trên bộ cũng hiệu quả hơn hẳn.

Đại tá Warren phân tích: “Một phần những thành công đó là do IS đang mất dần các thành viên lãnh đạo”. Tuy nhiên ông cảnh báo: “Chúng vẫn còn những tên nguy hiểm khác”.

Ngoài ra, nguồn tin từ quân đội Iraq cho biết tên khủng bố được coi là “bộ trưởng tài chính” của IS đã bị bắt giữ khi quân đội mở chiến dịch giải phóng thành phố Ramadi.

Trang Sputnik của Nga dẫn thông báo của bộ phận báo chí quân đội Iraq cho biết: “Người dân ở Ramadi nói với lực lượng an ninh rằng kẻ được gọi là “bộ trưởng tài chính” của IS đã trà trộn vào dân thường ở thành phố để lẩn trốn và tìm cách chạy trốn sau khi bọn khủng bố bị tấn công. Hiện tại hắn đã bị bắt”.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục