tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 03-08-2016

  • Cập nhật : 03/08/2016

Chính phủ Myanmar công bố 12 chính sách kinh tế mới

Sau 4 tháng thành lập, Chính phủ Myanmar đã công bố 12 chính sách mới trong lĩnh vực kinh tế, với mục tiêu hàng đầu là thúc đẩy sự phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm, cân bằng việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên giữa các tỉnh và bang để thúc đẩy sự nghiệp hòa giải dân tộc và hòa bình.

Chính sách kinh tế mới do Bộ Kế hoạch và Tài chính Myanmar công bố bao gồm thực thi chế độ quản lý tài chính nhân dân mạnh, tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực nhằm cho phép phát triển kinh tế cũng như phát triển công nghệ và giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề....
Những mục tiêu trong chính sách kinh tế mới của Myanmar được đề ra trên cơ sở tài liệu tranh cử do đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, hiện giữ chức Cố vấn Nhà nước Myanmar, công bố trước cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2015.
Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Tài chính Myanmar Maung Maung Win, văn kiện chính sách trên là một “cái nhìn tổng quan,” còn các kế hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực kinh tế sẽ được công bố trong tương lai.
Trong khi đó, bà San Suu Kyi cho biết sẽ sớm ban hành các biện pháp cụ thể trong các lĩnh vực đặc biệt quan trọng như đầu tư, năng lượng, cơ sở hạ tầng.
NLD giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tháng 11/2015. Tháng Ba vừa qua, ông Htin Kyaw thuộc NLD đã được bầu làm tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar.

Bà San Suu Kyi được bổ nhiệm giữ chức Cố vấn Nhà nước kiêm nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống.(VN+)

Nga -Thổ chính thức nối lại hợp tác năng lượng

Những quyết định chính trị về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và Nhà máy điện nguyên tử Akkuyu đã được thông qua, cuộc hội kiến ngày 9/8 của hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo đà cho việc thực hiện các dự án này, Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekchi cho biết sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga tại Moscow.

Theo ông, đến lúc này thì không còn cần thiết phải đặt ra câu hỏi liệu các dự án này có sẽ được thực hiện hay không. "Đã có một quyết định chính trị về việc thực hiện các dự án đó" – Bộ trương Zeybekchi khẳng định, và ông còn lưu ý rằng các cuộc đàm phán đang tiếp tục cả ở các Bộ có liên quan và thông qua liên doanh Gazprom - Botas.

"Nhiệm vụ của chúng ta là phải đi đến một quyết định sáng suốt, đáp ứng lợi ích của cả hai nước" – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông nói thêm rằng cuộc họp của tổng thống hai nước, được tổ chức vào ngày 9/8 tại St Petersburg sẽ là cú hích cuối cùng cho cỗ xe dự án tiến về phía trước.

Hồi tháng 12/2014, Nga đã từ bỏ dự án Dòng chảy phương Nam, chuyển qua xây dựng dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó bao gồm việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ dưới Biển Đen và sau đó thông qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ tới biên giới với Hy Lạp. Tuy nhiên, một thỏa thuận liên chính phủ về dự án này chưa được ký kết.

Thỏa thuận liên chính phủ về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ đã được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký hồi tháng 5/2010. Chi phí dự án ước tính vào khoảng 20 tỷ USD. Từ khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng sau sự cố không quân Thổ bắn rơi máy bay Nga, dự án này cũng đã bị đóng băng giống như Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau những biến cố lớn gần đây, bây giờ Thổ Nhĩ Kỳ cần đến sự hợp tác, cảm thông và giúp đỡ của Nga hơn bao giờ hết. Kết quả cuộc họp sắp tới giữa hai tổng thống Putin và Erdogan sẽ cho biết quan hệ hai nước đã ấm lên ở mức độ nào.(petrotimes)

Tổng thống Ai Cập muốn người dân chấp nhận "thắt lưng buộc bụng"

tong thong ai cap abdel fattah al-sisi. (nguon: afp/ttxvn) 

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi. (Nguồn: AFP/TTXVN) 

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 1/8, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi thừa nhận nước này đang đứng trước thách thức trong việc thúc đẩy niềm tin giữa chính phủ và dân chúng, đồng thời kêu gọi người dân chấp thuận các "biện pháp kinh tế hà khắc" để vực dậy nền kinh tế đang đối mặt với một loạt khó khăn như thâm hụt ngân sách gia tăng, nợ công cao, khủng hoảng ngoại hối trầm trọng. 

Phát biểu tại diễn đàn "Chương trình lãnh đạo của Tổng thống" ở thủ đô Cairo, ông El-Sisi nêu rõ: “Nhà nước sẽ không thể hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội nếu không dựa vào ý kiến của người dân. Vấn đề không chỉ là đưa ra các giải pháp cho nền kinh tế, mà còn tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân đối với các giải pháp đó." 

Nhà lãnh đạo Ai Cập chỉ ra rằng các khoản trợ cấp không cần thiết là gánh nặng đối với ngân sách quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn. 

Chính phủ Ai Cập đang soạn thảo một hệ thống quy định mới, theo đó sẽ cắt giảm các chính sách trợ cấp không cần thiết. 

Để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách gia tăng, nợ công cao, thiếu hụt ngoại hối nghiêm trọng, Ai Cập đang tìm kiếm khoản vay lên tới 12 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với số giải ngân 4 tỷ USD mỗi năm trong vòng ba năm. 

Các cuộc đàm phán giữa chính quyền Ai Cập và đại diện IMF liên quan đến gói tín dụng ưu đãi này bắt đầu từ cuối tháng Bảy vừa qua tại thủ đô Cairo. 

Trong một báo cáo ngày 1/8, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch nhận định Ai Cập cần tới 10 tỷ USD mỗi năm và khoản vay 12 tỷ USD giải ngân trong ba năm không đủ đáp ứng các nhu cầu tài chính của nước này. 

Tuy vậy, Fitch cho rằng dù sao gói tín dụng của IMF cũng rất quan trọng để giúp Cairo giải quyết một loạt khó khăn của nền kinh tế. 

Theo hãng xếp hạng tín nhiệm có trụ sở tại Mỹ, để đạt thỏa thuận cuối cùng với IMF, chính phủ Ai Cập cần đẩy mạnh các cải cách tài khóa và thúc đẩy lòng tin đối với nền kinh tế hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. 

Một loạt trụ cột kinh tế như du lịch, kênh đào Suez, kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài... đã sụt giảm mạnh kể từ sau cuộc chính biến Mùa Xuân Arab năm 2011. 

Trong khi tăng trưởng kinh tế đang đà chậm lại, thâm hụt ngân sách đã ở mức 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lạm phát leo lên mức hai con số.(Vietnamplus)

Hàn Quốc phản đối Sách trắng của Nhật Bản về quần đảo tranh chấp

binh sy han quoc trong mot cuoc tap tran gan dao tranh chap. (nguon: epa/ttxvn) 

Binh sỹ Hàn Quốc trong một cuộc tập trận gần đảo tranh chấp. (Nguồn: EPA/TTXVN) 

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin sáng 2/8, ngay sau khi Nhật Bản công bố Sách trắng quốc phòng, trong đó nhắc lại tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Takeshima và Hàn Quốc gọi là Dokdo, phía Hàn Quốc đã nhanh chóng lên tiếng phản đối. 

Bản tin của Yonhap cho biết cũng ngay trong sáng 2/8, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã kêu gọi Nhật Bản “không lặp lại hành động như vậy,” đồng thời cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp “cứng rắn” trước mọi mưu đồ xâm hại chủ quyền của Hàn Quốc đối với quần đảo này. 

Bộ trên cũng đã triệu tùy viên quân sự của Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul tới để chính thức phản đối. 

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã ra một tuyên bố nêu rõ rằng đây là lãnh thổ của Hàn Quốc và bày tỏ phản đối mạnh mẽ về lời tuyên bố “không chính đáng” này của Nhật Bản đối với quần đảo trên. 

Bản tuyên bố có đoạn viết: “Chính phủ Nhật Bản cần chấm dứt ngay tuyên bố vô ích trên đối với Dokdo, nhìn thẳng vào sự thật lịch sử và hành động tích cực để mối quan hệ Hàn-Nhật có thể hướng tới tương lai dựa trên cơ sở của sự tin cậy lẫn nhau.” 

Một số nhà quan sát cho rằng việc Nhật Bản nhắc lại tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp trên có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ với Hàn Quốc vốn đang có những dấu hiệu cải thiện sau khi hai bên vào cuối năm ngoái đã đạt được một thỏa thuận nhằm giải quyết tranh cãi lâu nay về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh sỹ Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh.(VN+)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục