tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Khám phá thế giới bí ẩn của các băng đảng yakuza

  • Cập nhật : 23/09/2015

(Phap luat)

Tập đoàn tội phạm lớn nhất nước Nhật Yamaguchi-gumi bị chia rẽ thành hai nhóm, dẫn tới nguy cơ nội chiến băng đảng đẫm máu, dính líu đến 20 tổ chức mafia nội địa còn lại.

ong trum bang dang yamaguchi-gumi kenichi shinoda - anh: cnn

Ông trùm băng đảng Yamaguchi-gumi Kenichi Shinoda - Ảnh: CNN

Tổ chức yakuza mới thành lập đầu tháng 9 tại Nhật lấy tên là Kobe Yamaguchi-gumi. Hiện nhóm này đã lập liên minh với các băng đảng tội phạm khác.

Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật (NPA) đã tổ chức họp khẩn để thảo luận cách thức đối phó với nguy cơ nội chiến băng đảng. Lực lượng cảnh sát trên toàn quốc được đặt trong tình trạng báo động cao.

Yakuza - một thế lực đáng sợ

Theo CNN, trong thế giới ngầm ở Nhật, 20 băng đảng tội phạm còn lại đang xác định gió thổi chiều nào để ngả theo. Hồi năm 1984, Yamaguchi-gumi cũng rơi vào tình trạng bị chia rẽ và hậu quả là trong vài năm liên tiếp, những vụ ám sát, đánh bom, đọ súng… liên tiếp nổ ra trên đường phố khắp nước Nhật khiến cả đất nước kinh hãi.

Nhật áp dụng luật hạn chế súng đạn cực kỳ nghiêm ngặt. Theo thống kê của NPA, ở quốc gia 127 triệu dân này, trong cả năm ngoái chỉ có sáu vụ án mạng liên quan đến súng đạn. Do đó, nguy cơ chiến tranh băng đảng đang khiến dư luận Nhật vô cùng lo sợ và xôn xao.

Yakuza là cái tên dùng để chỉ các nhóm tội phạm có tổ chức ở Nhật, tương tự mafia Ý. Trước đây, yakuza là các hiệp hội cờ bạc và thương lái đường phố.

Yakuza thường tự hào khoe khoang lịch sử có từ nhiều trăm năm trước, nhưng nhà nghiên cứu nổi tiếng Kazuhiko Muramaki xác định nhóm yakuza cổ nhất là Aizukotetsu-kai, được thành lập tại Kyoto hồi thập nên 1870.

Ban đầu phần lớn các băng yakuza khởi đầu với tư cách là các hiệp hội cờ bạc. Tuy nhiên trong thời kỳ hỗn loạn sau Thế chiến II, chúng thật sự trỗi dậy trở thành một thế lực đáng sợ.

Các băng yakuza kiểm soát thị trường chợ đen, tổ chức cờ bạc và các dịch vụ giải trí, thậm chí từng quản lý những ngôi sao ca nhạc và điện ảnh hàng đầu Nhật thời hậu Thế chiến II.

NPA cho biết ở Nhật có 21 băng yakuza lớn với hơn 53.000 thành viên.

Các băng lớn nhất là Yamaguchi-gumi (23.400 thành viên), Inagawa-kai (6.600) và Sumiyoshi-kai (8.500).

Sau đó, yakuza chuyển sang làm ăn trong ngành xây dựng, địa ốc, thực hiện các hoạt động tội phạm như tống tiền, bảo kê và lừa đảo. Chúng thậm chí còn nhúng tay vào chính trị.

Yakuza Nhật hoạt động như các doanh nghiệp, có đăng ký kinh doanh và đóng thuế, có tòa nhà văn phòng, danh thiếp... Nhưng phần lớn hoạt động của yakuza là bất hợp pháp.

“Bố già” Kazuo Taoka, ông trùm thế hệ thứ ba của Yamaguchi-gumi, từng khẳng định với đám đàn em: “Hãy kiếm một việc làm thật sự đi”.

Huyền thoại và sự thật về yakuza

Theo chuyên gia Mitsuhiro Suganuma, cựu sĩ quan Cơ quan Tình báo an ninh công, các thành viên yakuza thường là những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội. Đó là những người Nhật gốc Hàn có cha mẹ, ông bà bị đưa vào Nhật làm lao động khổ sai. Băng Yamaguchi-gumi khởi đầu với vai trò một công ty dịch vụ lao động ở Kobe vào năm 1915.

cac thanh vien yakuza tre tuoi khong con thich xam minh - anh: cnn

Các thành viên yakuza trẻ tuổi không còn thích xăm mình - Ảnh: CNN

Khi nhắc đến yakuza, giới truyền thông và dư luận thường tưởng tượng ra những tay anh chị xăm trổ đầy mình hay bị mất ngón út. Trong các bộ phim về tội phạm Nhật, các tay anh chị yakuza cũng xuất hiện với hình dạng tương tự.

Trên thực tế, thế hệ yakuza cũ thích xăm mình nhưng phong cách này đã trở nên lạc hậu. Bởi các hình xăm là dấu hiệu dễ bị cảnh sát nhận biết, một điều tối kỵ.

Các hình xăm truyền thống của yakuza rất phức tạp, khi xăm gây đau đớn vô cùng, và là bằng chứng cho thấy cá nhân đó là kẻ rắn rỏi, quay lưng lại với xã hội và có thừa tiền bạc.

Một số thành viên yakuza xăm hình biểu tượng của băng đảng mình lên ngực, nhưng điều đó khiến thay đổi việc làm và chuyển sang các băng đảng khác trở nên khó khăn.

Yakuza không chặt ngón tay để trừng phạt. Có hai tình huống mà yakuza tự chặt ngón tay út, một là để trả nợ, hai là để chuộc lỗi và ở lại với băng đảng hoặc xin giữ mạng sống. Một ông trùm yakuza từng từ chối ngón tay bị chặt để trả nợ vì “nó không thể tạo ra tiền”.

Các thành viên yakuza trẻ tuổi hiện nay không thích xăm mình hay chặt ngón tay út để tránh sự nhòm ngó của cảnh sát.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục