tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Brexit: Người dân Anh chọn rời EU - Phản ứng của thế giới

  • Cập nhật : 24/06/2016

Người dân Anh chọn rời EU

Kết quả kiểm phiếu cho thấy người dân Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử hôm qua.
ket qua kiem phieu trung cau dan y o anh. do hoa: bbc.

Kết quả kiểm phiếu trưng cầu dân ý ở Anh. Đồ họa: BBC.

Người dân Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ 51,9% ủng hộ, 48,1% phản đối trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, theo BBC.

Người dân ở London và Scotland đều nghiêng về "ở lại" EU nhưng lợi thế này đã mất đi do tỷ lệ ủng hộ thấp ở khu vực phía bắc Anh.

Phó thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel hôm nay mô tả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là "một ngày tồi tệ với châu Âu". Cựu thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb gọi đây là "cơn ác mộng" mà khi tỉnh dậy, các lãnh đạo châu Âu sẽ bị sốc trước kết quả làm rung chuyển liên minh 28 nước.

Geert Wilders, lãnh đạo phe phản đối người nhập cư ở Hà Lan, hôm nay kêu gọi nước này tổ chức trưng cầu dân ý giống Anh. "Chúng tôi muốn tự chịu trách nhiệm về đất nước, đồng tiền, biên giới và chính sách nhập cư của riêng chúng tôi", ông cho biết. Người dân Pháp, Hà Lan và Italy cũng có yêu cầu tương tự.

Đồng bảng Anh hôm nay đã mất giá mạnh nhất so với đồng USD kể từ năm 1985 do thị trưởng phản ứng với kết quả kiểm phiếu. Bộ trưởng tài chính Nhật Bản tổ chức họp báo trong bối cảnh đồng Yên tăng do lo sợ Brexit, tức Anh rời khỏi châu Âu.

Người dân Anh nếu chọn rời khỏi EU sẽ khiến Anh đi theo con đường vô định và là bước thụt lùi lớn nhất đối với nỗ lực tăng cường đoàn kết sau Thế Chiến II, theo Reuters.

Wall Street Journal trước đó dự đoán nếu người dân chọn Brexit, nền chính trị Anh có thể rơi vào hỗn loạn. Thủ tướng Anh David Cameron có nguy cơ đối mặt với sức ép phải từ chức, buộc Anh phải tổ chức tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, Andrew Bridgen, thượng nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ Brexit, cho rằng ông Cameron nên tiếp tục làm thủ tướng để trấn an người dân ở Scotland và bắc Ireland, cũng như thị trường.

"Chúng tôi cần sự ổn định. Ông ấy nên tiếp tục", Bridgen trả lời khi được hỏi ông Cameron nên tiếp tục cầm quyền trong bao lâu.

Thủ tướng Cameron, lập trường thân EU và nghiêng về ở lại liên minh, tổ chức trưng cầu dân ý do đối mặt với áp lực từ đảng Bảo thủ và ảnh hưởng ngày càng tăng từ phe phản đối EU. Ông hy vọng cuộc trưng cầu sẽ giúp kết thúc tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ về vị trí của Anh ở châu Âu và quan hệ với EU.Trong chiến dịch vận động bỏ phiếu ở lại, ông khẳng định sẽ không từ chức cho dù kết quả trưng cầu là gì. Tuy nhiên, một số chuyên gia và đảng viên Bảo thủ nói lập trường thân EU sẽ khiến vị trí của ông Cameron lung lay và đảng cầm quyền có cơ chế để buộc ông phải từ chức dù không muốn.

cuu thi truong london boris johnson, ung ho roi khoi eu, cung vo tai mot diem bo phieu o bac london. anh: reuters.

Cựu thị trưởng London Boris Johnson, ủng hộ rời khỏi EU, cùng vợ tại một điểm bỏ phiếu ở bắc London. Ảnh: Reuters.

(Như Tâm)


Phản ứng của thế giới khi Anh quyết định rời EU

Trong khi quan chức Đức, Ba Lan tỏ ra bi quan trước kết quả trưng cầu dân ý cho thấy người Anh lựa chọn rời khỏi EU thì một số nước khác cho rằng đây là động lực để thúc đẩy sự cải cách trong khối. 
nhung nguoi ung ho anh roi khoi eu vay co ben ngoai pho downing o london sau khi co ket qua trung cau dan y. anh: reuters

Những người ủng hộ Anh rời khỏi EU vẫy cờ bên ngoài Phố Downing ở London sau khi có kết quả trưng cầu dân ý. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Đức Frank-WalterSteinmeier viết trên Twitter: "Tin tức từ Anh thực sự nghiêm trọng. Có vẻ như một ngày buồn cho châu Âu và Anh".

Người đồng cấp của Ba Lan Witold Waszczykowski cũng gọi Brexit là một tin xấu cho cả Anh và châu Âu. "Đó là dấu hiệu EU cần thay đổi", ông nói. 

Anton Boerner, chủ tịch hiệp hội thương mại nước ngoài của Đức thậm chí gọi đây là "một kết quả thảm khốc cho Anh cũng như châu Âu và Đức, đặc biệt với nền kinh tế Đức". "Thật đáng lo ngại khi nền dân chủ lâu đời nhất thế giới quay lưng với chúng tôi", ông nói.

Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho rằng các thành viên EU nên gặp nhau để "xác định các ưu tiên và thiết lập một tương lai mới cho châu Âu". 

Malcolm Turnbull, Thủ tướng Australia, cho hay từ góc nhìn pháp lý, tác động ngay lập tức và trực tiếp của quyết định trên với Australia là không đáng kể bởi Anh sẽ mất thêm vài năm mới có thể đi khỏi EU.

"Tuy nhiên, chúng ta đã chứng kiến sự tụt dốc mạnh trên thị trường chứng khoán và sự bất ổn sẽ còn kéo dài một thời gian nữa", ông nói.

Đảng Quốc gia Scotland (SNP) có khả năng kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý mới riêng rẽ với Anh. Trong khi người Anh ủng hộ việc tách khỏi EU thì hầu hết người Scotland muốn ở lại.

"Điều quan trọng Scotland cần làm sẽ không bao giờ là rời khỏi EU", cựu lãnh đạo SNP Alex Salmond nói.

Thủ tướng Áo Christian Kern nhận định rằng cuộc bỏ phiếu của Anh sẽ không gây ra "hiệu ứng domino" với các quốc gia thành viên khác và Áo cũng sẽ không tổ chức cuộc trưng cầu tương tự.

Tuy nhiên ông dự đoán "châu Âu sẽ mất vị thế và sự quan trọng trên thế giới do bước đi của Anh và những tác động lâu dài về kinh tế sẽ còn diễn ra".

Reuters dẫn lời ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), cho biết trong một thông báo: "Chúng tôi thực tế muốn có một kết quả khác từ cuộc trưng cầu dân ý hôm qua. Tôi hoàn toàn hiểu mức độ nghiêm trọng liên quan đến chính trị và không thể dự đoán tất cả hậu quả chính trị do sự kiện này gây ra, đặc biệt là đối với Anh". 

Tuy nhiên, theo ông Tusk, giờ không phải là lúc phù hợp để phản ứng kích động. "Tôi muốn trấn an mọi người rằng chúng tôi đã chuẩn bị cho kịch bản xấu này", ông Tusk cho biết thêm.

Ông Tusk trong hai ngày trước đó đã trao đổi với tất cả lãnh đạo EU, gồm thủ tướng, tổng thống và người đứng đầu các cơ quan thuộc EU, về khả năng Brexit, tức Anh rời khỏi EU.

"Hôm nay, đại diện cho 27 lãnh đạo, tôi có thể nói rằng chúng tôi quyết định giữ sự đoàn kết ở con số 27. Đối với chúng tôi, liên minh là khuôn khổ cho tương lai chung", thông báo viết.'Cải cách hoặc chết'

cac giao dich vien tai bgc, mot cong ty moi gioi toan cau tai trung tam tai chinh canary wharf o london trong phien giao dich hom nay, sau khi nhan duoc ket qua trung cau. anh: reuters

Các giao dịch viên tại BGC, một công ty môi giới toàn cầu tại trung tâm tài chính Canary Wharf ở London trong phiên giao dịch hôm nay, sau khi nhận được kết quả trưng cầu. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, chủ tịch Nghị Viện châu Âu Martin Schulz tuyên bố cơ quan này tôn trọng kết quả ý nguyện của người dân Anh. 

"Bây giờ là lúc để chúng ta cư xử thận trọng và có trách nhiệm. David Cameron có trách nhiệm với đất nước của ông ấy, chúng tôi có trách nhiệm với tương lai của EU. Các bạn có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra với đồng bảng Anh trên thị trường. Tôi không muốn điều tương tự xảy ra với đồng euro", ông nói.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định kết quả bỏ phiếu ở Anh là "không thể đảo ngược" và cho rằng nó sẽ thúc đẩy EU giải quyết những vấn đề bức xúc của các nước khác trong khối.

"Sự bất mãn mà các bạn thấy ở Anh cũng hiện diện ở các nước khác, trong đó có nước tôi", ông nói khi rời The Hague đến hội nghị của các lãnh đạo châu Âu tại Brussels. "Đây phải là một sự kích thích để gia tăng cải cách và phúc lợi nhiều hơn nữa".

Ông Rutte cho hay quá trình rút đi của Anh khỏi EU sẽ cần nhiều thời gian và phụ thuộc phần lớn vào việc chính phủ Anh phản hồi thế nào với kết quả trên.

"Đầu tiên, Anh phải quyết định xem khi nào họ muốn bắt đầu quá trình rút lui. Quá trình này có thể sẽ phải chờ đến sau cuộc bầu cử ở Đức năm tới", ông nói. 

Ông Gerard Araud, đại sứ Pháp tại Mỹ, đồng quan điểm trên. "Bây giờ là lúc các nước thành viên khác cứu lấy EU khỏi sự tan vỡ ngăn cản hoạt động như bình thường, đặc biệt là tại Brussels. Cải cách hoặc là chết!".

Manfred Weber, lãnh đạo của nhóm lớn nhất trong Nghị viện châu Âu, cho hay các cuộc thỏa thuận về sự ra đi của Anh sẽ kéo dài tối đa là 2 năm và sẽ "không có sự đối xử đặc biệt nào". 

Một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được thông báo về diễn biến trên. Ông có thể sẽ trao đổi với Thủ tướng Cameron về vấn đề này vào ngày mai. 

Anh Ngọc


Vì sao người Anh nằng nặc chia tay EU

Sự nổi loạn của các nghị sĩ, cuộc khủng hoảng nhập cư và sự trỗi dậy của đảng UKIP đã khiến nước Anh ra quyết định lịch sử rời khỏi khối EU.
thu tuong anh david cameron. anh: reuters

Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Reuters

Ngày 24/6, người dân Anh đã có một quyết định lịch sử sau cuộc trưng cầu dân ý, khi đa số họ lựa chọn phương án Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Cuộc "ly hôn" đình đám này không chỉ là kết quả của 4 tháng vận động quyết liệt của phe ủng hộ phương án rời EU (Brexit), mà còn là hậu quả của 4 thập kỷ âm ỉ của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu (Euroscepticism), theo Guardian.

Các nhà vận động đã từng phát động phong trào rút khỏi EU ngay khi Anh gia nhập khối thị trường chung này vào năm 1973. Chính sách chính thức của Công đảng trong một thập kỷ sau đó là ủng hộ rời bỏ EU, và một bộ phận đáng kể thành viên đảng Bảo thủ chưa bao giờ thoải mái với tư tưởng mình là người của EU.

Vấn đề này đã ám ảnh nhiệm kỳ của cựu thủ tướng John Major, lắng dịu dưới thời của Tony Blair trước khi trỗi dậy một lần nữa khi nền kinh tế rơi vào ảm đạm trong những năm cuối của thập niên trước.

Đương kim Thủ tướng David Cameron và đảng của ông đã tìm cách né tránh vấn đề đó sau khi nhậm chức, nhưng rồi ông nhận ra rằng không thể nào chống lại được sức ép từ backbencher – các nghị sĩ thứ yếu ở nghị viện – trong việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU, trong bối cảnh đảng UKIP chống nhập cư và chống EU trỗi dậy ngày càng lớn mạnh.

Thuật ngữ Brexit lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2012 và nhanh chóng trở nên phổ biến, trở thành một phong trào chính trị chính thống, rầm rộ lôi kéo nước Anh vào một vòng xoáy lớn, đẩy quốc gia này vào một quyết định "không thể vãn hồi" về việc rời khỏi EU.

Cuộc nổi loạn của các backbencher

Thủ tướng Cameron vẫn luôn tìm cách làm hài lòng các nghị sĩ thứ yếu, những người luôn ấp ủ nỗi hoài nghi về châu Âu (Eurosceptic), chẳng hạn như rút khỏi nhóm trung hữu EPP trong nghị viện châu Âu.

Thế nhưng, điều đó không bao giờ là đủ đối với những người cánh hữu trong đảng Bảo thủ, những nghị sĩ dường như không chịu dừng bước trước bất cứ thứ gì để giải phóng Anh khỏi cái mà họ gọi là "sự thống trị của Brussels", kể cả việc xé nát chính đảng của mình.

Rắc rối bắt đầu đến với ông Cameron vào năm 2010, khi số lượng thành viên Eurosceptic trong đảng của ông chiếm đa số, và họ bắt đầu gây sức ép với ông để tổ chức cuộc trưng cầu dân ý.

Đến tháng 10/2011, Cameron nhận ra rằng ông đang đối mặt với một cuộc "chiến tranh du kích" với phe Eurosceptic, sau khi 81 nghị sĩ đảng Bảo thủ phát động một cuộc "nổi dậy" ủng hộ trưng cầu dân ý. Đến tháng 7/2012, nghị sĩ John Baron gửi một lá thư với chữ ký của 100 đồng nghiệp cho ông Cameron, yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý.

Cameron nghĩ rằng ông đã giành được một chiến thắng kiểu Margaret Thatcher khi phủ quyết việc tăng ngân sách EU vào cuối năm đó, nhưng sự kiện này có vẻ như càng thổi bùng ngọn lửa chống Brussels trong xã hội Anh. Đến tháng 12/2012, nghị sĩ Boris Johnson công khai kêu gọi Cameron tìm cách đàm phán lại về mối quan hệ của Anh với EU trước khi kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý.

Đầu năm 2013, Thủ tướng Cameron dường như đã đầu hàng trước sức ép từ các nghị sĩ, khi cam kết sẽ đàm phán lại với EU và tổ chức trưng cầu dân ý vào cuối năm 2017. Các nguồn tin thân cận cho hay khi đó, ông Cameron đã tin tưởng rằng ông có thể xoa dịu tình hình bằng cách đưa ra lời hứa hẹn như vậy.

Khi đó ông Cameron cũng nghĩ rằng ông sẽ không bao giờ phải tổ chức trưng cầu dân ý, bởi đảng Bảo thủ không tin họ sẽ giành được đa số trong cuộc bầu cử năm 2015. Thế nhưng chính lời hứa hẹn này là chất xúc tác khiến ông Cameron giành chiến thắng vào năm đó, đẩy ông vào thế không còn đường thoái lui.

Cuộc khủng hoảng nhập cư

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy nỗi bất bình với tình trạng người nhập cư tràn vào Anh là lý do lớn nhất khiến người Anh ủng hộ Brexit, khi nhiều người cho rằng mục đích của cuộc trưng cầu là hỏi họ có vui vẻ chấp nhận đánh đổi tự do đi lại ở châu Âu lấy tự do thương mại hay không.Nỗi bất an của người dân trước làn sóng người tị nạn càng gia tăng cùng với sức ép ngày càng lớn từ thị trường lao động và dịch vụ công. Trước khi đắc cử, ông Cameron hứa hẹn sẽ giảm số lượng người nhập cư xuống vài chục nghìn chứ không phải là vài trăm nghìn.

nguoi anh bieu tinh phan doi lan song nhap cu o at. anh: guardian

Người Anh biểu tình phản đối làn sóng nhập cư ồ ạt. Ảnh: Guardian

Sau khi tái đắc cử năm 2015, ông vẫn không thực hiện được lời hứa này, khi vẫn có hơn 300.000 người nhập cư tràn vào Anh, khiến người dân giảm sút niềm tin vào khả năng lãnh đạo của ông, góp phần tạo nên tư tưởng rằng các chính trị gia Anh bất lực trong việc ngăn chặn làn sóng nhập cư từ EU.

Phe vận động cho Brexit ban đầu tập trung nhiều hơn vào vấn đề kinh tế và chủ quyền, nhưng nhanh chóng nhận ra rằng việc "kiểm soát làn sóng nhập cư" mới là thông điệp mạnh mẽ nhất. Họ cũng liên hệ cuộc khủng hoảng nhập cư này với các vấn đề khác của xã hội Anh, như thiếu trường tiểu học, thu nhập sụt giảm…

Đảng UKIP

Ông Cameron có lẽ không bao giờ phải tổ chức trưng cầu dân ý nếu như đảng Độc lập Anh (UKIP) và thủ lĩnh Nigel Farage chống nhập cư và chống cả EU không trỗi dậy. Tháng 1/2013, đảng UKIP lần đầu tiên giành được tới 1/4 số phiếu bầu trong cuộc bầu cử địa phương ở Anh, và nhiều người lo ngại rằng một số nghị sĩ đảng Bảo thủ có thể "đào tẩu" sang UKIP nếu ông Cameron không giữ lời hứa tổ chức trưng cầu dân ý.

Dù ông Cameron đã cam kết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý, UKIP và Farage vẫn giành thêm được hàng triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2015, trong đó có nhiều cử tri từng ủng hộ đảng Bảo thủ hoặc Công đảng. Sự xuất hiện liên tục của Farage trên truyền thông đã góp phần "đóng đinh" vấn đề nhập cư với EU trong dư luận, dọn đường cho chiến dịch vận động Brexit thành công.

(Trí Dũng)


Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ từ chức

Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông sẽ từ chức vào tháng 10, sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu.
thu tuong anh david cameron. anh: reuters.

Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Reuters.

"Tôi không nghĩ mình còn phù hợp để làm thuyền trưởng cầm lái con thuyền Anh đến bến bờ tiếp theo", Reuters dẫn lời Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu với báo giới phía ngoài văn phòng. "Tôi sẽ làm mọi điều có thể trong thời gian còn đương chức để ổn định con tàu".

Ông Cameron cho biết hiện chưa có lịch trình cụ thể nhưng sẽ hướng đến "có một thủ tướng mới khi hội nghị đảng Bảo thủ cầm quyền bắt đầu vào tháng 10".

"Nội các sẽ nhóm họp vào ngày 27/6, thống đốc Ngân hàng Anh đang chuẩn bị một thông báo về các bước đi cần thực hiện", ông nói.

Hãng tin mô tả ông Cameron đã "cố không bật khóc".

"Đây không phải quyết định dễ dàng nhưng tôi tin nó phù hợp với lợi ích quốc gia nhằm có một giai đoạn ổn định và cần có sự lãnh đạo mới", ông cho biết. "Tôi nghĩ tân thủ tướng là người phù hợp để ra quyết định khi nào bắt đầu tiến trình rời EU".

Thủ tướng Cameron trấn an các thị trường và các nhà đầu tư rằng nền kinh tế Anh về cơ bản vẫn rất mạnh. Ông cũng đảm bảo với công dân Anh ở nước ngoài và công dân EU ở Anh rằng không có thay đổi bất ngờ nào.

Thủ tướng Anh tuyên bố từ chức sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử hôm qua kết thúc với kết quả người dân chọn rời khỏi EU. Cameron, có lập trường thân EU và nghiêng về ở lại liên minh, nói ông đã chiến đấu bằng cả con tim và khối óc nhưng người dân đã chọn hướng đi khác.


(Theo VNexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục