tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tổng thống Nga - Mỹ sẽ gặp gỡ để 'định hình tương lai thế giới'?

  • Cập nhật : 04/07/2017

Theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một “cuộc chiến ngầm” từ xa, từ khi cựu tỷ phú bất động sản bắt đầu cuộc đua vào Nhà Trắng. Và cuối cùng, thời khắc lãnh đạo của hai cường quốc lớn gặp gỡ đã tới sát nút.

Trong tuần này, ông Trump và Putin sẽ lần đầu “mặt đối mặt” tại một trong những cuộc gặp gỡ được kiên nhẫn chờ đợi nhất giữa nguyên thủ của hai cường quốc trong nhiều năm qua. Một cuộc gặp gỡ mang đầy tính chính trị, chiến lược và những câu chuyện cá nhân.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này ở Đức, Tổng thống Mỹ sẽ chào đón người đàn ông mà các cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho rằng đứng đằng sau âm mưu can thiệp vào bầu cử ở Mỹ và “vô tình” giúp ông Trump trở thành Tổng thống.

Trong bốn năm qua, ông Trump đã rất nhiều lần khen ngợi ông Putin trong khi hầu hết những người khác ở Nhà Trắng đều coi Moscow là “đối thủ” của Washington. Tỷ phú bất động sản từng khen ngợi lãnh đạo Nga “rất tốt” với ông, đồng thời cũng phủ nhận cáo buộc cho rằng hai người đã từng gặp riêng trước đó.

Tổng thống Nga, một cựu nhân viên KGB, cũng từng miêu tả ông Trump như một người “sáng sủa và tài năng” song cũng cảnh báo rằng Mỹ đang trong tình trạng “rối loạn chính trị” trước những cáo buộc cho rằng ông chủ Nhà Trắng đã chia sẻ các thông tin bí mật với những quan chức Nga mới sang thăm nước Mỹ vừa qua.

Không có gì ngạc nhiên khi cuộc gặp gỡ Trump – Putin tại Hamburg cuối tuần này, dù là giây phút trước ống kính máy quay hay trong và trong các phòng họp của Hội nghị G20 đều sẽ được chú ý cực kỳ đặc biệt. Không chỉ là nội dung mà hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận, những phát ngôn mà họ đưa ra mà chỉ đơn giản tất cả mọi thứ liên quan đến Putin và Trump đều được quan tâm.

Cả hai nhà lãnh đạo đều nổi tiếng với những cử chỉ, lời nói mạnh mẽ khi xuất hiện trước công chúng để “lấn át” phe đối lập và tạo ra một hình ảnh của sức mạnh. Cả hai đều ý thức được vai trò chủ chốt của ngôn ngữ cơ thể trong việc tạo ra một bài diễn thuyết chính trị có sức hút.

Derek Chollet, cựu quan chức an ninh quốc gia thời chính quyền của ông Obama và hiện đang làm cho Qũy Marshall của Đức, nhận định: “Tôi hy vọng sẽ thấy được những cử chỉ mạnh mẽ giữa hai nhà lãnh đạo, những người đều hiểu được tầm quan trọng của tính biểu tượng cũng như sự cứng rắn trong từng lời nói, hành động”.

cuoc gap truc tiep dau tien giua ong trump va putin se gay su chu y lon. nguon: cnn

Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Trump và Putin sẽ gây sự chú ý lớn. Nguồn: CNN

Tổng thống Mỹ đang chịu áp lực chính trị khá lớn trước những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ năm 2016. Ông Trump nên tránh bất kỳ phản ứng ngẫu hứng nào với ông Putin nếu không muốn bị cho là chịu ảnh hưởng từ nhà lãnh đạo Nga khi Hội đồng đặc biệt đang tiến hành điều tra vụ việc trên.

Tổng thống Nga đã từng sử dụng “ánh mắt” để biểu thị sự không hài lòng với các Tổng thống Mỹ. Ví dụ như năm 2013, căng thẳng giữa ông Putin và cựu Tổng thống Obama có thể nhìn thấy rõ khi cả hai nhà lãnh đạo thể hiện “bộ mặt sắt đá” trước báo chí tại buổi chụp hình trong cuộc họp ở Bắc Ireland. Ông Obama sau đó đã bình luận rằng ông Putin thỉnh thoảng trông giống như “một đứa trẻ nhàm chán ngồi ở phía cuối lớp”.

Theo CNN, kể cả không có những nghi vấn xung quanh việc bầu cử thì cuộc gặp giữa ông Trump và Putin vẫn là một sự kiện trọng tâm cho tương lai của châu Âu và Trung Đông. Câu hỏi về lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, tương lai của Syria sau khi IS thất thế và làm cách nào để ngăn chặn các lực lượng Nga và Mỹ tại Syria tránh được va chạm cũng như liệu Washington có sẵn sàng đứng về phe của các đồng minh NATO hay không đều là những điều đáng mong đợi trong cuộc gặp “lịch sử” này.

Ai là người có lợi thế?

Xét ở một vài khía cạnh, Tổng thống Mỹ tới cuộc gặp ở thế khá bất lợi. Vốn dĩ, ông Trump đã không nhận được sự ủng hộ ở quê nhà, thường xuyên tự mình châm những “mồi lửa” chính trị và không có nhiều kinh nghiệm đối ngoại.

Trong khi đó, người đồng cấp Nga lại tự thiết lập được một thế lực mạnh mẽ, là chuyên gia trong việc xác nhận lại tầm ảnh hưởng của Moscow đối với châu Âu và khu vực Trung Đông và tận dụng được những “kẽ hở” trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Theo CNN, bất kỳ một hành động “quá lố” nào giữa hai nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ chiếm trọn trang nhất của truyền thông và thu hút sự chú ý của cả thế giới. Tuy nhiên, cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo cũng mang một mục đích chiến lược quan trọng bởi nó diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang trong tình trạng nguy hiểm nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Hai người đàn ông quyền lực này sẽ có nhiệm vụ phải cố gắng làm dịu sự căng thẳng giữa Nga – Mỹ thời gian qua về cuộc nội chiến Syria, sự mở rộng của NATO, việc điều binh lính, tàu chiến, máy bay tới những khu vực nguy hiểm ở châu Âu và vùng Baltic.

Matthew Rojansky, giám đốc Viện Kennan tại Trung tâm Woodrow Wilson, nhận định: “Động lực trong mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân thế giới giờ đây đã trở thành tiêu cực. Đã đến lúc phải kêu gọi dừng bất kỳ hành động nào làm gia tăng, leo thang căng thẳng hay khiến tình hình trở nên xấu hơn. Điều này chỉ có thể giải quyết được ở cấp độ Tổng thống mà thôi”.

 

Tuệ Minh (lược dịch)
Theo Infonet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục