tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tại sao Nga - Mỹ không mặn mà trong quan hệ kinh tế?

  • Cập nhật : 07/07/2017

Ngay cả trước khi Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga vì các vấn đề liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, mối quan hệ thương mại giữa hai bên cũng không mấy mặn mà.

tai sao nga - my khong man ma trong quan he kinh te?

Tại sao Nga - Mỹ không mặn mà trong quan hệ kinh tế?

Có rất nhiều vấn đề để thế giới trông chờ khi Tổng thống Donald Trump gặp người đồng cấp Nga, Tổng thống Vladimir Putin, vào ngày 7.7 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Đức. Tuy nhiên, có một điều đáng ngạc nhiên là mối quan hệ thương mại giữa Washington và Moscow dường như lại không mấy quan trọng để hai nhà lãnh đạo đem ra trao đổi.

Dưới đây là một số đặc điểm nổi bật về tình trạng thương mại Nga - Mỹ cho đến thời điểm này, theo tổng hợp từ CNN.

Thị trường thương mại nhỏ bé

Dòng hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước Nga - Mỹ trong năm 2015 chỉ dưới 31 tỉ USD. Trong khi cũng trong cùng năm đó, mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ lại có giá trị lớn hơn gấp 20 lần con số trên.

Hàng xuất khẩu của Mỹ sang Nga chỉ vỏn vẹn ở mức 0,5%. Hàng hóa và dịch vụ của Nga cũng chỉ chiếm 0,7% tổng lượng hàng nhập khẩu của Mỹ. Điều này đã biến thị trường giao thương giữa nền kinh tế lớn nhất thế giới và quốc gia rộng lớn nhất hành tinh thậm chí còn nhỏ hơn cả thị trường ít ai biết đến của Bermuda, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm trong vùng Bắc Đại Tây Dương.

Đầu tư khiêm tốn

Theo số liệu của Cục Phân tích kinh tế Mỹ, Nga đã đầu tư gần 4,6 tỉ USD vào các doanh nghiệp Mỹ. Con số này thoạt nghe có vẻ nhiều, nhưng thực tế tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Mỹ của Nga chỉ có 0,1%, ít hơn ba lần so với mức đầu tư của Ý và mười lần so với mức kinh doanh trực tiếp của Thụy Điển. Ở phía ngược lại, các doanh nghiệp Mỹ cũng không vượt trội hơn khi họ chỉ đầu tư tổng cộng 9,2 tỉ USD vào các công ty Nga.

Nga đang tăng cường mua nợ của Mỹ

Giống như nhiều quốc gia khác, Nga mua trái phiếu chính phủ nước ngoài, đặc biệt là trái phiếu chính phủ Mỹ, một trong những khoản đầu tư an toàn nhất thế giới, để tăng dự trữ ngoại tệ trong nước và bù đắp giá trị cho đồng rúp nhằm chống lại những giai đoạn kinh tế ảm đạm.

Số liệu mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy Moscow đã tích lũy được 105 tỉ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, tăng 18% trong vòng bốn tháng qua. Nga đã xây dựng lại quá trình dự trữ kể từ đầu năm 2015 khi nguồn tài chính nước này bị thâm hụt còn dưới 67 tỉ USD, so với mức 171 tỉ USD vào năm 2012.

Theo một báo cáo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Washington cũng tích cực dự trữ ngoại hối, nhưng họ chủ yếu đầu tư vào trái phiếu chính phủ Đức, Pháp, Hà Lan và Nhật Bản trong khi trái phiếu Nga không hề được đề cập đến.

Không nhiều thương hiệu lớn của Mỹ hoạt động ở Nga

Chỉ có một số ít các công ty lớn của Mỹ có hoạt động kinh tế nổi bật tại Nga, bao gồm McDonald’s, Ford và ExxonMobil. McDonald’s đã mở hàng trăm cửa hàng tại quốc gia Á - Âu từ năm 1990. Ford vận hành bốn cơ sở sản xuất tại Nga thông qua liên doanh với một doanh nghiệp địa phương. Tuy nhiên, chỉ 0,6% tổng doanh số bán xe của công ty trong năm ngoái đến từ Nga.

ExxonMobil cũng đã hiện diện ở đất nước rộng lớn này trong hơn 20 năm qua. Hãng dầu khí Mỹ đang vận hành một dự án lớn ở miền đông nước Nga, có vai trò quan trọng trong việc mở rộng đường ống dẫn dầu thô từ Kazakhstan tới khu vực Bờ Biển Đen. Gần đây, ExxonMoil đã yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt tài chính đối với Moscow để hãng này nối lại liên doanh với nhà sản xuất dầu khí quốc doanh Nga Rosneft. Tuy nhiên, yêu cầu này đã ngay lập tức bị bác bỏ.


Phương Anh
Theo Thanhnien.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục