tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Đã đến lúc ASEAN trở thành thường trực Hội đồng bảo an

  • Cập nhật : 20/11/2015

(The gioi)

Trong bài phân tích độc quyền cho Thanh Niên, Giáo sư Jeffrey D.Sachs - cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon - đề xuất những cải tổ lớn nhân dịp cơ quan này tròn 70 tuổi.

hdba lhq bo phieu thong qua nghi quyet ve chuong trinh hat nhan cua iran thang 7.2015 - anh: afp  

HĐBA LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết về chương trình hạt nhân của Iran tháng 7.2015 - Ảnh: AFP  

Trong tuần này, nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ các nước trên thế giới tề tựu về New York để dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc cùng nhiều hoạt động khác kỷ niệm 70 năm thành lập cơ quan này.

Suốt 70 năm qua, Liên Hiệp Quốc đã chứng tỏ mình là một trong những sáng kiến chính trị quan trọng nhất trong thế kỷ 20 và đến nay vẫn là cơ chế hợp tác tốt nhất để giải quyết các vấn đề lớn của nhân loại. Tuy nhiên, cũng từ lâu đã có nhiều tiếng nói cho rằng Liên Hiệp Quốc cần được cải tổ sâu rộng để có thể tiếp tục hoàn thành vai trò toàn cầu trong thế kỷ 21. Theo tôi, có 3 lĩnh vực chính phải cải tiến.
 
Mở rộng thường trực HĐBA
 


Ảnh: Project Syndicate
Giáo sư Jeffrey D.Sachs, 61 tuổi (ảnh), là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về phát triển kinh tế và chống đói nghèo. Hiện ông đang giữ vị trí Giám đốc Viện Nghiên cứu trái đất tại Đại học Columbia (Mỹ) đồng thời là cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon về các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Giáo sư Sachs được tạp chí Time bình chọn vào danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới trong hai năm 2004 và 2005.
 


Vấn đề cấp bách cần thay đổi đầu tiên là hệ thống quản trị của Liên Hiệp Quốc, bắt đầu từ Hội đồng bảo an vì thành phần của nó không còn phản ánh thực tế địa chính trị toàn cầu. Trong số 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết thì nhóm Tây Âu và đồng bạn (WEOG) hiện chiếm tới 3 ghế (Anh, Pháp, Mỹ). Chỉ còn 1 ghế cho Đông Âu (Nga), 1 ghế cho châu Á - Thái Bình Dương (Trung Quốc), không có đại diện nào cho châu Phi và Mỹ Latinh.

Bên cạnh đó, dù giữ 2 trong số 10 ghế không thường trực Hội đồng bảo an, châu Á - Thái Bình Dương vẫn thiếu đại diện trầm trọng: tính ra chỉ có 20% (3 trong 15) số ghế ở Hội đồng bảo an dù chiếm khoảng 55% dân số và 44% thu nhập hằng năm của thế giới. Tình trạng này đe dọa ngày càng nghiêm trọng sự tồn tại hợp lý của Liên Hiệp Quốc vì châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là có vai trò năng động và quan trọng bậc nhất hiện nay trong sự phát triển toàn cầu, đồng thời đang chứng kiến nhiều biến động về an ninh và địa chiến lược.
 
Theo tôi, con đường khả dĩ để giải quyết vấn đề là mở rộng ban thường trực HĐBA và tăng thêm ít nhất 4 ghế cho châu Á. Một ghế cho Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản luân phiên giữ (theo chu kỳ 1 hoặc 2 năm), 1 ghế cho các nước ASEAN (với vai trò đại diện cả khối) và 1 ghế luân phiên giữa các nước châu Á khác.
 
Tăng đóng góp ngân sách
 
Lĩnh vực thứ hai cần cải tổ là đóng góp tài chính. Giá trị chính xác của hòa bình, giảm nghèo và hợp tác môi trường do Liên Hiệp Quốc mang lại là không thể đo đếm được. Tuy nhiên, nếu cố gắng quy đổi thành tiền, chúng ta có thể ước tính giá trị đó lên tới hàng ngàn tỉ USD/năm, chiếm ít nhất vài phần trăm GDP trong nền kinh tế 100.000 tỉ USD của thế giới. Trong khi đó, chi tiêu cho tất cả cơ quan và hoạt động của Liên Hiệp Quốc tổng cộng xấp xỉ 45 tỉ USD trong năm 2013, tức mỗi người trên hành tinh này đóng góp chỉ khoảng 6 USD.
 
Vì thế, tôi đề xuất các nước thu nhập cao sẽ đóng góp 40 USD/đầu người mỗi năm, những quốc gia thu nhập trung bình cao góp 8 USD, những quốc gia thu nhập trung bình thấp góp 2 USD và những quốc gia có thu nhập thấp góp 1 USD. Như vậy, Liên Hiệp Quốc sẽ có khoảng 75 tỉ USD/năm để tăng chất lượng hoạt động và tiến tới những chương trình phát triển quan trọng, bắt đầu xây dựng cơ sở cho việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Một khi vững bước trên con đường hoàn thành SDGs thì nhu cầu cho các chiến dịch như cứu trợ khẩn cấp và gìn giữ hòa bình sẽ giảm vì xung đột sẽ giảm, thiên tai sẽ được dự báo và ngăn ngừa hiệu quả hơn.
 
Từ đây, chúng ta bước sang cải tổ thứ ba: đảm bảo Liên Hiệp Quốc hoạt động phù hợp cho thời kỳ mới về phát triển bền vững. Cụ thể, cơ quan này cần nâng cao chuyên môn trong các lĩnh vực như môi trường biển, kiểm soát bệnh tật, hợp tác công - tư...
 
Liên Hiệp Quốc bước vào thập niên tồn tại thứ 8 của mình với khí thế mới sau khi đạt được 2 thành tựu lớn là thỏa thuận giải quyết vấn đề hạt nhân Iran và hoàn thành chương trình các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) tiến tới thực hiện SDGs. Để tận dụng đà này và tiếp tục hoàn thành vai trò của mình trong kỷ nguyên mới đầy thách thức, Liên Hiệp Quốc cần được hỗ trợ về nguồn lực, chính trị và có những cải cách mà thời đại mới đòi hỏi.
 
VN ủng hộ Nhật trở thành ủy viên thường trực HĐBA

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trong bài phát biểu trước các tầng lớp nhân dân Nhật Bản ở Tokyo ngày 17.9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Với tiềm lực và những đóng góp của mình, Nhật Bản xứng đáng đóng một vai trò lớn hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Vì lẽ đó, Việt Nam ủng hộ Nhật Bản ngày càng phát triển và đóng góp ngày càng tích cực cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung, nhất quán ủng hộ Nhật Bản trở thành ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc khi cơ quan này được mở rộng”.

Cũng theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững cùng các sự kiện cấp cao liên quan tại New York từ ngày 24 - 28.9 và thăm chính thức Cuba từ ngày 28 - 30.9.

 

(Theo Báo Thanh Nien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục