tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Trung Quốc ảnh hưởng Zimbabwe tới mức nào?

  • Cập nhật : 21/11/2017

Chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Zimbabwe là một "cuộc trao đổi quân sự bình thường", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sau khi quân đội Zimbabwe nắm quyền tại Harare.

tuong chiwenga duoc tuong quoc phong trung quoc chao don. anh getty images

Tướng Chiwenga được Tướng quốc phòng Trung Quốc chào đón. Ảnh Getty Images

 

Vậy quan hệ giữa Trung Quốc và Zimbabwe sâu sắc tới mức nào?

Tin tức về chuyến thăm Trung Quốc của Tướng Constantino Chiwenga lan truyền chỉ vài ngày trước cuộc tiếp quản của quân đội ở Zimbabwe là một sự trùng hợp ngẫu nhiên gây chú ‎ý.

Cũng có những lời đồn đoán sau khi Trung Quốc cho biết đang theo dõi chặt chẽ diễn biến sự việc, nhưng lại không bình luận gì về khả năng Mugabe thoái vị.

Trung Quốc có các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ bảng Anh ở Zimbabwe trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp đến xây dựng.

Trên thực tế, Zimbabwe là đối tác phụ thuộc của Trung Quốc. Bắc Kinh là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Zimbabwe, cũng là trợ lực chính cho nền kinh tế èo uột của nước này.

Quan hệ của Trung Quốc với Zimbabwe trở nên sâu sắc từ cuộc chiến tranh Rhodes Bush (Nội chiến 1964-1979).

Thất bại trong việc tìm kiếm hậu thuẫn của Liên Xô năm 1979, Robert Mugabe quay sang Trung Quốc và được cung cấp lính, vũ khí và huấn luyện.

Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao khi Zimbabwe dành độc lập vào năm 1980 và Robert Mugabe viếng thăm Bắc Kinh với tư cách thủ tướng một năm sau đó.

Ông ta trở thành khách thường xuyên của Trung Quốc kể từ đó.

Trong nhiều năm, các quan chức Zimbabwe nỗ lực ủng hộ Trung Quốc chống lại phương Tây cùng chiến lược "Hướng Đông" của Bắc Kinh, đặc biệt sau lệnh trừng phạt của EU năm 2002.

Thật vậy, cách đây một thập niên, ông Mugabe phát biểu tại sân vận động thể thao quốc gia do Trung Quốc xây dựng ở Harare: "Chúng tôi quay mặt về phía đông, nơi mặt trời mọc, và quay lưng về phía tây, nơi mặt trời lặn."

Cam kết quân sự của Trung Quốc cũng sâu sắc hơn trong thời kỳ "Hướng Đông" của Zimbabwe.

Các vụ mua bán đáng kể được thực hiện, bao gồm máy bay phản lực Hongdu JL-8, máy bay tiêm kích Thunder Thunder JF-17, phương tiện, radar và vũ khí.

Tuy nhiên, sau một tranh cãi về vận chuyển vũ khí năm 2008, Bắc Kinh quyết định liệt Zimbabwe vào danh sách thương mại quân sự "mức độ giới hạn".

Bất chấp nỗ lực của Zimbabwe, chiến lược "Hướng Đông" không mang lại hy vọng về làn sóng đầu tư một thập kỷ sau đó. Tháng 8 năm 2015, ông Mugabe đã công khai kêu gọi Tây phương tái cam kết trong bài diễn văn "của quốc gia".

Giờ đây, thực tế là Trung Quốc và phương Tây - đặc biệt là Anh - ngày càng tỏ ra quan tâm hơn tới Zimbabwe.

Không xa nhau ở ngoại ô Harare là hai đại sứ quán lớn nhất tại Zimbabwe của Anh và Trung Quốc.

Khi các đại sứ quán khác bị thu hẹp hoặc đóng cửa, đại sứ quán Trung Quốc được mở rộng.

Trong khi các nhà ngoại giao Anh có mối liên hệ mật thiết với các doanh nghiệp, xã hội dân sự và những người đối lập, Trung Quốc đầu tư "hỗ trợ kỹ thuật" cho đảng cầm quyền Zanu-PF, bao gồm an ninh quốc gia và chức vụ tổng thống.

Khi nói đến vấn đề chính trị của đảng cầm quyền Zanu-PF và chủ nghĩa phe phái, các nhà ngoại giao Trung Quốc, giống như các đồng nghiệp phương Tây, quan tâm đến sự ổn định, môi trường đầu tư tốt hơn và việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Zimbabwe năm 2015 và Tổng thống Mugabe viếng thăm Bắc Kinh tháng 1 năm 2017.

Trước công chúng, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng ông sẵn sàng khuyến khích các công ty có năng lực đầu tư vào Zimbabwe.

Nhưng về mặt cá nhân, thông điệp là sẽ không có khoản vay nào cho đến khi Zimbabwe ổn định nền kinh tế của mình.

Các nhà ngoại giao và doanh nghiệp Trung Quốc đang chờ đợi những ngày tươi sáng hơn ở Zimbabwe.

Trung Quốc là nước mua thuốc lá lớn nhất của Zimbabwe, nhưng nhiều công ty Trung Quốc nhận thấy đây là môi trường đầu tư đầy thách thức và đã bắt đầu tìm kiếm các thị trường thay thế.

Một số nhà đầu tư Trung Quốc đã bị ảnh hưởng trầm trọng - ví dụ như trong lĩnh vực kim cương.

Một vài tuần trước tôi có mặt ở Trung Quốc, tham dự một cuộc họp về quan hệ Trung-Phi. Zimbabwe không được đề cập đến dù chỉ một lần.

Không giống như Ethiopia, Sudan, hoặc Angola là đối tác chiến lược, hoặc Nigeria, Kenya và Nam Phi là các thị trường lớn của Trung Quốc, Zimbabwe không phải là ưu tiên mới của Bắc Kinh.

Vì vậy, quan tâm của Bắc Kinh là trong một môi trường đầu tư tốt hơn ở Zimbabwe.

Một thoả thuận chuyển giao đưa đến cuộc bầu cử cho một chính phủ hợp pháp ở Harare quan trọng đối với cả Bắc Kinh và London.

Chiến lược "Hướng Đông" và chiến lược "Kết nối lại với phương Tây" đã không mang lại sự tự tin và đầu tư mà Zimbabwe cần.

Điều mà Zimbabwe cần là một chính phủ ổn định và có trách nhiệm - như vậy các nhà đầu tư từ châu Á, Mỹ và châu Âu mới xem xét nghiêm túc để đầu tư vào Zimbabwe trong tương lai.

Đây là thông điệp mà ông Mugabe nhận được ở Bắc Kinh vào tháng Giêng.

Và cũng là thông điệp mà chỉ huy của quân đội Zimbabwe nhận được tuần trước.

Bài phân tích do Tiến sỹ Alex Vines, Trưởng Chương trình Châu Phi, Chatham House, giảng viên chính thức tại Đại học Coventry, đăng trên BBC.

TIẾN SỸ ALEX VINES
Theo Bizlive.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục