tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thị trường chờ đợi thông điệp từ cuộc gặp Mỹ - Trung

  • Cập nhật : 22/09/2015

(Tin kinh te)

Sau tuyên bố chưa nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), thế giới đã liên tục đi tìm lời giải thích, đặc biệt từ Chủ tịch FED Janet Yellen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thứ Năm tuần này, bà Yellen sẽ có bài phát biểu tại Đại học Massachusetts. Còn ông Tập Cận Bình cũng sẽ tới Mỹ, gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp và Tổng thống Mỹ - Barrack Obama. Cả hai có thể cùng đưa ra những nhận định trấn an thị trường sau khi FED tỏ ra lo ngại tăng trưởng kinh tế và Trung Quốc suy yếu mạnh hơn dự kiến.

Chứng khoán toàn cầu đã giảm mạnh cuối tuần trước, sau khi FED công bố chưa tăng lãi suất, do lo ngại diễn biến gần đây trên thế giới có thể ảnh hưởng đến kinh tế và đẩy lạm phát xuống thấp trong ngắn hạn. Giới phân tích dự báo biến động sẽ còn tiếp tục, và chỉ số S&P 500 sẽ lại chạm đáy lập được hồi tháng 8.

Ngoài các phát biểu của FED và Trung Quốc, thị trường cũng sẽ theo dõi số liệu kinh tế Mỹ. Tuần này, họ sẽ công bố doanh số bán nhà, số đơn hàng hàng hóa lâu bền, niềm tin tiêu dùng và GDP quý II điều chỉnh."Đây sẽ là một tuần đầy số liệu, có thể gây biến động trên thị trường. Nhưng tôi ngờ rằng các số liệu của Mỹ sẽ không cho thấy có sự ảnh hưởng xấu từ bên ngoài. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ chú ý hơn đến số liệu của Trung Quốc", Adams cho biết.

chu tich trung quoc - tap can binh se toi my trong tuan nay. anh: reuters

Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình sẽ tới Mỹ trong tuần này. Ảnh: Reuters

Bà Yellen cho biết FED vẫn có thể tăng lãi suất năm nay. Tuy nhiên, các thị trường cũng lo ngại cơ quan này sẽ hạ đánh giá tăng trưởng Mỹ và giảm dự báo lạm phát. Về phần Yellen, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm sự trấn an về kinh tế Mỹ, dù bà đã nhấn mạnh kinh tế Mỹ vẫn ổn trong tuyên bố tuần trước. Thị trường đang bị rung lắc do lo ngại của FED về khả năng suy giảm Trung Quốc tác động lên toàn cầu.

"Tuần này, nhiều quan chức FED sẽ có bài phát biểu. Nhưng sự thiếu rõ ràng của họ là một lý do khiến thị trường có diễn biến như hiện tại. Nếu họ nói luôn tăng lãi suất không phải là khả năng lớn, mọi thứ đã dễ nuốt hơn rồi", Tom Simons – nhà kinh tế học tại Jefferies nhận xét.

Simon từng cho rằng lãi suất sẽ tăng vào tháng 12. "Nhưng theo tình hình này, lãi suất khó tăng vào lúc đó rồi. Nói thật là, họ có quan điểm nới lỏng hơn nhiều so với tôi nghĩ. Để các lo ngại được dẹp bỏ, mọi thứ cần phải được cải thiện một cách nhanh chóng. Tôi không biết liệu 3 tháng có đủ để giải quyết các yếu tố tiêu cực hay không", ông nói.

Với ông Tập, Simon đang đợi một nhận định về nền kinh tế. Thậm chí, ông sẽ quan sát cả ngôn ngữ cơ thể của lãnh đạo Trung Quốc này. "Nếu FED chỉ quan tâm đến mỗi kinh tế Mỹ, họ đã nâng lãi suất lâu rồi. Điều đang khiến họ bận tâm là giá hàng hóa", ông nói.

Giới quan sát lo ngại việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ thông qua các thị trường mói nổi, cũng như giá hàng hóa giảm. Trong một báo cáo, các nhà kinh tế học tại JPMorgan cho biết GDP Trung Quốc mất 1%, tăng trưởng toàn cầu sẽ mất 0,5% theo. Tác động này với các nền kinh tế mới nổi là 1%, nhưng với các nước phát triển chỉ là 0,2%.

Nhà kinh tế học David Hensley thì lại không mấy kỳ vọng sẽ tìm được thêm manh mối gì từ ông Tập. Tuy nhiên, ông sẽ vẫn theo sát Chủ tịch Trung Quốc.

"Mọi người đều muốn hiểu rõ hơn, rằng chuyện gì đang xảy ra với tăng trưởng và chính sách tại Trung Quốc như thế nào. Tôi chắc chắn việc này sẽ được nêu ra trong các buổi gặp gỡ doanh nghiệp và Tổng thống Mỹ, và nếu ông Tập có tổ chức họp báo nữa. Tôi cho rằng họ sẽ cố giải quyết vấn đề này tại các diễn đàn khác, như G20 chẳng hạn, để trấn an thị trường rằng họ không làm gì vô lý với đồng NDT - vấn đề nhức nhối hiện nay", Hensley nói.

Trung Quốc đang tìm cách cải tổ, nhưng vẫn luôn bị chỉ trích vì can thiệp mạnh tay vào thị trường họ đang cố mở cửa. Các nhà đầu tư cũng vẫn nghi ngờ độ chính xác trong các báo cáo kinh tế của nước này.

"Một trong những thông điệp quan trọng nhất sẽ là trấn an mọi người rằng kinh tế Trung Quốc đang tăng chậm lại, nhưng không yếu và không gây ra bất ổn, rồi thì các nhà hoạch định chính sách biết mình đang làm gì. Chúng ta có lấy được tí thông tin nào từ đó không? Có lẽ là không. Nên chú ý đến ngữ điệu thì hơn. Tôi băn khoăn ông ấy có thể lập lại niềm tin đã bị mất thời gian qua hay không", ông nói.

Hà Thu (theo CNBC, Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục