tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tham vọng trở thành công xưởng thế giới của Ấn Độ

  • Cập nhật : 23/03/2016

(Tin kinh te)

Nếu Ấn Độ muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 8-10% trong 10 năm tới, điều này đòi hỏi một cuộc đại tu trong lĩnh vực sản xuất.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Sân khấu được dựng lên để ra mắt sự kiện tái khởi động Make in India (sản xuất tại Ấn Độ), một nỗ lực lớn của Thủ tướng Narenda Modi nhằm đưa Ấn Độ trở thành công xưởng sản xuất của thế giới. Thế nhưng, sân khấu ấy đã bị ngọn lửa thiêu rụi.

Sự kiện diễn ra tại Mumbai vào một buổi tối giữa tháng 2 hôm ấy ban đầu khá suôn sẻ, khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài và những người nổi tiếng của Ấn Độ tấp nập đến bãi biển Chowpatty để cổ vũ nỗ lực Make in India của ông Modi. Nhưng ngay sau khi ngôi sao Bollywood Amitabh Bachchan ngâm xong một bài thơ thì ngọn lửa bắt đầu bén vào phần chân cột của sân khấu, nhanh chóng bùng phát thành ngọn lửa lớn, có thể thấy rất rõ dù đứng cách xa hàng dặm.

Dù không ai bị thương vong nhưng việc phải nhanh chóng sơ tán mọi người không phải là khởi đầu mà ông Modi mong muốn, đặc biệt khi sân khấu này là được sản xuất tại Ấn Độ. Điều an ủi là phần sau của sự kiện tái khởi động Make in India lại diễn ra suôn sẻ hơn khi thu hút hàng trăm công ty nước ngoài tham dự một buổi liên hoan tại khu tài chính của Mumbai.

Amitabh Kant, vị quan chức đứng đằng sau nỗ lực này, rất lạc quan khi cho biết đã ghi nhận 15.000 tỉ rupee (219 tỉ USD) giá trị các thương vụ trong lĩnh vực sản xuất. “Tuần lễ Make in India ở Mumbai đã trở thành một hiện tượng”, ông nói.

Ông Modi cũng rất hân hoan. “Make in India đã trở thành thương hiệu lớn nhất mà Ấn Độ từng tạo ra. Chúng tôi muốn Ấn Độ trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu”, ông nói. Liệu ông Modi có thực hiện được giấc mơ này?

Hiện tại, nền kinh tế Ấn Độ đang bành trướng với tốc độ 7% hoặc hơn. Nước này đã qua mặt Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, dễ dàng bỏ qua các đối thủ như Brazil và Nam Phi. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia phân tích cho rằng tham vọng của Ấn Độ trong việc thúc đẩy tăng trưởng lên gần mức mục tiêu 8-10% trong 10 năm tới và đưa đất nước trở thành quốc gia thu nhập trung bình đòi hỏi những thay đổi còn lớn hơn thế, bắt đầu bằng một cuộc đại tu trong lĩnh vực sản xuất.

Tuy nhiên, chìa khóa giải bài toán sản xuất lại nằm ở một bài toán còn hóc búa hơn nhiều: việc làm. Gần 120 triệu người sẽ gia nhập lực lượng lao động trong thập niên tới (đến năm 2024) khi Ấn Độ trải qua đợt gia tăng dân số. Hầu hết sẽ là những người trẻ tuổi không có tay nghề hoặc nông dân di chuyển lên thành phố, tìm kiếm việc làm trong những nhà máy sử dụng nhiều lao động có kỹ năng thấp. Nếu ông Modi không thể cung cấp số việc làm ấy cho họ, tình trạng bất ổn xã hội sẽ gia tăng và ông có thể sẽ đối mặt với sự “thất sủng”.

“Đây là vấn đề kinh tế lớn nhất mà Ấn Độ đối mặt. Nếu ông Modi thực hiện đúng, nó có thể làm thay đổi cả đất nước. Nhưng về mặt chính trị, điều quan trọng là việc làm mà phần lớn là việc làm trong ngành sản xuất. Đó là lý do vì sao ông đang ra sức thúc đẩy Make in India”, Rajiv Kumar, chuyên viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, nhận xét.

 
tong von fdi chay vao an do.

Tổng vốn FDI chảy vào Ấn Độ.

Tỉ trọng sản xuất trong GDP đã ở mức thấp 15-17% trong nhiều thập niên, thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác. Đáng nói là hoạt động sản xuất đang trong chiều hướng đi xuống thời gian gần đây, với xuất khẩu cũng giảm do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Có lẽ ông Modi đã chọn phải một thời điểm không thể éo le hơn để triển khai tham vọng sản xuất dựa trên xuất khẩu.

Tin tốt lành là các tập đoàn nước ngoài đang quan tâm hơn đối với Ấn Độ. Hồi tháng 2, Ericsson (Thụy Điển) đã công bố kế hoạch mở nhà máy thứ 2 tại Pune. Đây mới chỉ là một trong số những thương vụ Make in India trong đó bao gồm cả cam kết đầu tư nhà máy 10 tỉ USD của tỉ phú Anil Agarwal, nhà sáng lập Vedanta. Nhà máy của Ericsson sẽ có quy mô nhỏ hơn nhiều, chỉ 15 triệu USD. Nhưng Paolo Colella, đứng đầu khu vực của Ericsson, nói rằng nó có ý nghĩa quan trọng, cho thấy sự đa dạng hóa thoát khỏi hoạt động sản xuất thiết bị viễn thông công nghệ tại Trung Quốc. “Chúng tôi muốn Ấn Độ là một trung tâm xuất khẩu”, ông nói.

Các doanh nghiệp nước ngoài khác cũng rất phấn khởi. “Hiện tại đầu tư của chúng tôi tại Ấn Độ chỉ bằng một nửa Trung Quốc, nhưng xu hướng trong 5 năm tới là sẽ chuyển hướng mạnh sang Ấn Độ”, Ed Monser, Tổng Giám đốc Emerson Electric (Mỹ), nói. Ông cho biết Emerson sẽ bỏ ra 500 triệu USD trong vài năm tới, tăng thêm 4 nhà máy nữa vào con số 17 nhà máy hiện có của mình.

Những khoản đầu tư như vậy có vẻ ấn tượng, nhưng chưa nên vội mừng. Mặc dù Ericsson tuyển dụng 22.000 người tại Ấn Độ, nhiều hơn ở bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng chỉ khoảng 1.000 người sẽ nằm trong khâu sản xuất sản phẩm tại nhà máy mới của nó. Số lao động còn lại là các vị trí tay nghề cao, hầu như không thích hợp cho những công nhân trẻ kém tay nghề. Phần lớn các công việc đó sẽ do robot thực hiện.

Ông Modi hy vọng sẽ ngày càng có nhiều công ty theo chân Foxconn, tập đoàn Đài Loan chuyên sản xuất iPhone cho Apple. Năm ngoái tập đoàn này đã công bố hơn 10 nhà máy mới ở Ấn Độ, tuyển dụng lên tới 1 triệu lao động. Tuy nhiên, khả năng phát triển thêm nhà máy như vậy là rất mong manh, theo ông Colella. “Sản xuất hiện đại có mức độ tự động hóa cao, vì thế không hẳn là nó sẽ thúc đẩy thị trường lao động”, ông nói.

Các công ty lớn khác đã công bố các khoản đầu tư vào Ấn Độ, trong đó có 1 tỉ USD đầu tư của hãng xe Mỹ General Motors. Một số hãng di động Trung Quốc cũng đã bắt đầu sản xuất điện thoại ở Ấn Độ và Apple có thể sẽ sớm theo chân. Tất cả những điều này đã giúp đẩy cao vốn FDI lên mức kỷ lục vào năm ngoái. Dòng vốn FDI chảy vào có thể sẽ cao hơn nữa trong năm 2016, đạt tới 60 tỉ USD, theo Goldman Sachs.

Ông Modi chắc chắn sẽ muốn con số cao hơn thế. “Lời khuyên chân thành của tôi cho các nhà công nghiệp rằng: Đừng chờ đợi... Có vô số cơ hội tại Ấn Độ”, ông nói.

Tuy nhiên, thách thức là rất lớn, trước tiên ngay ở chính nỗ lực Make in India. Một số nhà đầu tư cho biết họ cảm thấy khó hiểu về mục đích của nỗ lực này. Liệu đây có phải là một chiến dịch marketing để thu hút nhà đầu tư, hay là một kế hoạch lớn nhằm chiêu dụ các quan chức, những người đứng đầu chính quyền các bang thực hiện các cải cách để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất?

Tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại cũng gây bất lợi cho nỗ lực của ông Modi. Tăng trưởng xuất khẩu thực đã chựng lại vào năm ngoái từ mức tăng 20% của năm 2011. Nhiều công ty lớn Ấn Độ bị ngập trong nợ nần và không muốn đầu tư vào các nhà máy xuất khẩu mới. Arvind Subramanian, cố vấn kinh tế trưởng thuộc Bộ Tài chính, cho rằng các công ty công nghiệp lớn hơn đang bắt đầu tuyển thêm người một phần vì một số bang đã cải thiện các quy định lao động. Nhưng tính trung bình, các công ty Ấn Độ vẫn nhỏ hơn và có năng suất thấp hơn nhiều các đối thủ Trung Quốc. Hơn 90% lao động nằm trong khu vực phi chính thức, tức không bị đánh thuế hoặc bị kiểm soát bởi chính phủ. Tỉ lệ này là cao nhất ở châu Á.

Rồi có những vấn đề “quá cũ”: cơ sở hạ tầng kém, nguồn cấp điện không ổn định, luật lệ lao động... Ông Modi nói rằng ông sẽ thay đổi tất cả những điều này, nhưng những đồng minh của ông cũng thừa nhận rằng ông đang làm một cách khá chậm chạp.

Nhưng không phải tất cả là lỗi của ông Modi. Pranjul Bhandari, chuyên gia kinh tế tại HSBC, gần 50% sức ì xuất khẩu Ấn Độ đến từ các yếu tố như nhu cầu toàn cầu ảm đạm hoặc đồng rupee biến động. Ông Monser, thuộc Emerson, cũng nói rằng đang có nhiều tiến triển. Emerson từng phải gia hạn giấy phép mỗi năm cho mỗi trong số 17 nhà máy của mình, đòi hỏi phải làm việc với 4 bộ của chính phủ. Nhưng dưới thời của ông Modi, Công ty giờ làm thủ tục theo cơ chế một cửa, kéo dài trong 3 năm.

“Thái độ của ông Modi rất khẩn trương và các chướng ngại mang tính quan liêu, vốn rất nhiều trước đây, cũng đang giảm xuống. Liệu điều đó có thể thay đổi tình hình và tạo ra tất cả những việc làm đó. Chúng tôi đều hy vọng là có thể”, tỉ phú Agrawal kỳ vọng.

 

Theo Nhịp cầu Đầu tư

Trở về

Bài cùng chuyên mục