tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Malaysia truy quét hằng ngày với lao động nước ngoài không phép

  • Cập nhật : 07/07/2017

Chính quyền Kuala Lumpur tỏ rõ quyết tâm thực thi việc truy bắt những lao động nước ngoài không có giấy phép. Chủ sử dụng lao động chui cũng bị vào khám.

lao dong nhap cu nguoi indonesia bi bat giu o ngoai o thu do kuala lumpur cua malaysia va dang cho nhan vien cuc nhap cu malaysia kiem tra giay to - anh: reuters

Lao động nhập cư người Indonesia bị bắt giữ ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia và đang chờ nhân viên Cục Nhập cư Malaysia kiểm tra giấy tờ - Ảnh: Reuters

Theo đài VOA, giới chức Malaysia thông báo 2.309 lao động nhập cư trái phép đã bị bắt giữ trong một chiến dịch truy quét quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, và những lao động này sẽ bị trục xuất.

Ông Saravana Kumar, người phụ trách điều tra, truy tố và thực thi luật pháp thuộc Bộ Nhập cư Malaysia, cho biết chiến dịch bắt đầu từ ngày 1-7 tại nhiều địa điểm như các nhà máy, nhà hàng...

Theo ông Kumar, đa số những người bị bắt là người Bangladesh và Indonesia, vào Malaysia bằng visa du lịch và không có giấy phép lao động phù hợp.

"Họ sẽ bị thẩm vấn trong 14 ngày và nếu giấy tờ không hợp lệ thì sẽ bị truy tố trước khi bị trục xuất", ông Kumar khẳng định với hãng tin Reuters vào ngày 6-7.

Ông Kumar cho biết thêm trong chiến dịch này 52 chủ doanh nghiệp cũng bị bắt giữ với cáo buộc tuyển dụng lao động không giấy phép.

Chiến dịch truy quét có tên gọi Hari Hari Operasi (HHO) được thực hiện sau khi Chương trình “Thẻ thực thi tạm thời công nhân nước ngoài” (gọi tắt là E-card) kết thúc đêm 30-6.

Chỉ 30 phút sau khi chương trình E-card kết thúc, 90 nhân viên Cục Nhập cư Malaysia do đích thân Tổng Giám đốc Mustafar Ali chỉ đạo đã tiến hành khám xét nơi ở của công nhân thuộc 2 nhà máy tại khu vực Kapar, quận Klang, bang Selangor.

Ông Mustafar cho biết Malaysia sẽ tiến hành các đợt truy quét hằng ngày nhằm đảm bảo không còn lao động nước ngoài bất hợp pháp tại nước này.

Khi bắt đầu chiến dịch truy quét, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi nhắc lại lập trường của nước này là sẽ không gia hạn chương trình E-card.

Chương trình E-card được Chính phủ Malaysia đưa ra nhằm tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài và hỗ trợ giới chủ tại Malaysia giảm tình trạng thiếu hụt nhân lực.

Số liệu thống kê cho thấy chỉ có 140.746 lao động nước ngoài bất hợp pháp được cấp thẻ E-card, tương đương 23% số lượng mà Cục Nhập cư Malaysia kỳ vọng là 600.000 người sau khi chương trình E-card bắt đầu từ ngày 15-2 và kết thúc ngày 30-6.

Malaysia vốn dựa vào lao động nhập cư từ các nước láng giềng như Indonesia, Bangladesh và Nepal  trong ngành xây dựng và trồng trọt. Có khoảng 2 triệu lao động nhập cư đã đăng ký, tuy nhiên một lượng lao động tương đương đang làm việc không có giấy phép.

nguoi lao dong myanmar tai malaysia lam thu tuc ve nuoc vao thang 7-2016 - anh: dsq myanmar tai malaysia

Người lao động Myanmar tại Malaysia làm thủ tục về nước vào tháng 7-2016 - Ảnh: ĐSQ Myanmar tại Malaysia

Các nhà hoạt động xã hội cho biết hầu hết các lao động không phép tại Malaysia là nạn nhân của buôn người và bị lừa gạt. Họ đang phải gánh những món nợ lớn sau khi trả tiền cho các đại lý tuyển dụng với hy vọng có công ăn việc làm ở nước ngoài để thoát cảnh nghèo ở quê nhà.

Ông Saravana Kumar, người phụ trách điều tra, truy tố và thực thi luật pháp thuộc Bộ Nhập cư Malaysia, cho biết chính quyền sẽ tìm hiểu xem liệu những người bị bắt giữ có phải nạn nhân của các đường dây buôn người hay không.

Theo VOA, trong Báo cáo Quốc hội thường niên về nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 27-6 vừa qua, Malaysia bị xếp vào nhóm "Loại 2" ghi nhận những quốc gia đã có những bước tiến vượt bậc để đáp ứng tiêu chuẩn "Loại 1" (gồm những nước đáp ứng tiêu chuẩn tối thiếu do Mỹ đặt ra). Còn nhóm "Loại 3", trong đó có Trung Quốc, dành cho các quốc gia không những không đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu mà còn không nỗ lực cải thiện tình trạng trong nước.

 

NGUYỄN QUÂN
Theo Tuoitre.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục