tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kết thân với Panama, Trung Quốc tiến thêm một bước 'vượt mặt' Mỹ

  • Cập nhật : 16/06/2017

Việc Trung Quốc thiết lập mối quan hệ ngoại giao mới với Panama sẽ giúp Bắc Kinh tiến thêm một bước trong tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng đối với một khu vực vốn có lịch sử nằm trong vòng kiểm soát của Mỹ là kênh đào Panama.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), việc chính phủ Panama bất ngờ đưa ra quyết định mở rộng quan hệ với Bắc Kinh sẽ giúp các công ty Trung Quốc có thêm cơ hội ký kết nhiều thương vụ hợp tác xung quanh kênh đào Panama.

Giới phân tích cho rằng, sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Panama từ ủng hộ Đài Loan sang thân thiết với Trung Quốc không chỉ giúp chính quyền Bắc Kinh giành phần thắng trong cuộc chiến ngoại giao mà còn tăng cường lợi ích kinh tế ở khu vực này.

tau cho hang trung quoc tren duong di chuyen qua kenh dao panama.

Tàu chở hàng Trung Quốc trên đường di chuyển qua kênh đào Panama.

Quyết định chia tay Đài Bắc để bắt tay với Bắc Kinh được Panama thông báo hôm 12/6 đã trở thành gáo nước lạnh đối với Đài Loan. Nói cách khác, sự thay đổi chính trị này sẽ làm giảm số quốc gia công nhận tính pháp lý của chính phủ Đài Loan xuống còn chưa đầy 20 nước.

Việc mất đi sự ủng hộ của Panama còn khiến Đài Bắc đứng trước nguy cơ mất đi sự ủng hộ từ Vatican hay Paraguay. Panama cũng là quốc gia thứ ba thay đổi chính sách ngoại giao với Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành nhà lãnh đạo hòn đảo này hồi năm ngoái.

Điều đáng nói, ngoài đối mặt với nguy cơ ngày càng bị cô lập về mặt chính trị, Đài Loan còn đang đứng trước nguy cơ mất đi một trụ cột kinh tế quan trọng là ngành hàng hải. 

Cả giới phân tích Trung Quốc và Mỹ thì cho rằng, việc Trung Quốc thiết lập mối quan hệ ngoại giao mới với Panama có thể giúp Bắc Kinh tiến thêm một bước trong tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng đối với một khu vực vốn có lịch sử nằm trong vòng kiểm soát của Mỹ là kênh đào Panama.

Trong nhiều năm qua, cả Trung Quốc và Đài Loan đều coi trọng kênh đào Panama bởi đây là một trong những tuyến đường vận tải quân sự và thương mại quốc tế giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Sự xuất hiện của bà Thái Anh Văn trong buổi lễ kỷ niệm mở rộng kênh đào Panama hồi năm ngoái cũng đã đánh dấu những nỗ lực của Đài Loan trong việc thắt chặt quan hệ với quốc gia đồng minh Mỹ Latinh. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi Trung Quốc trở thành khách hàng lớn thứ hai tại kênh đào này.

Theo kế hoạch vào cuối năm nay, chính quyền Panama sẽ chính thức cho triển khai dự án biến các khu đất xung quanh kênh đào thành một trung tâm xuất nhập khẩu. Một số nguồn tin cho biết, Panama đã liên lạc với phía các công ty quốc doanh Trung Quốc để cùng hợp tác triển khai dự án này.

Nhà phân tích rủi ro chính trị ở châu Á, ông Ross Feingold cho rằng: "Việc một công ty Trung Quốc giành phần thắng trong vụ đấu thầu ở Panama sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Hoạt động tăng cường trao đổi giữa chính quyền Panama và Trung Quốc cùng với việc mở rộng quan hệ ngoại giao là dấu hiệu tích cực đối với các công ty xuất nhập khẩu và xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc hiện diện ở kênh đào này". 

Trong khi đó, dự án xây dựng một kênh đào thay thế kênh đào Panama trị giá 50 tỷ USD qua Nicaragua dự kiến hoàn thành vào năm 2020, hiện đã bị hủy bỏ. Dự án khủng này vốn nhận được sự ủng hộ từ tỷ phú Trung Quốc Wang Jing. Tuy nhiên, dự án này đã đối mặt với sự chỉ trích thậm tệ từ phía người dân và các nhà môi trường địa phương trước mối quan ngại ảnh hưởng tới hồ nước lớn nhất tại quốc gia Trung Mỹ này. Ngoài ra, việc ông Wang phá sản đã khiến Tập đoàn phát triển Nicaragua Hong Kong của tỷ phú này càng khó có thể huy động đủ vốn cho dự án.

Còn theo nhà nghiên cứu khu vực Mỹ Latinh tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, ông Xu Shicheng, do dự án xây kênh đào Nicaragua bị hủy bỏ đã khiến Trung Quốc tái cân nhắc chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực này. 

Với vị thế là quốc gia sử dụng kênh đào Panama nhiều thứ hai trên thế giới, Trung Quốc vẫn duy trì sự hiện diện kinh tế hùng mạnh trong khu vực suốt nhiều năm qua cũng như đẩy mạnh trao đổi thương mại với quốc gia Trung Mỹ này.

"Hoạt động trao đổi kinh tế và chính trị giữa Trung Quốc và Panama sẽ tăng mạnh sau khi Panama chính thức thay đổi chính sách đối ngoại với Bắc Kinh", SCMP dẫn lời ông Xu.

Ngoài ra, Trung Quốc hiện còn là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, Chile và Peru. Đây vốn là 3 nền kinh tế hùng mạnh nhất khu vực Mỹ Latinh.

Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh gia tăng đáng kể đúng thời điểm Mỹ rút lui dần các mối quan hệ và thương mại tại khu vực này. Nguyên nhân là Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi tiến hành tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ với Mexico là một quốc gia thành viên.

Còn theo CNN, ông Trump nhiều khả năng sẽ quay lưng lại với chính sách quan hệ mềm mỏng với Cuba  mà cựu Tổng thống Barack Obama từng thi hành. 


Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục