tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hậu Brexit và ngân hàng lâu đời nhất thế giới

  • Cập nhật : 26/07/2016

Trải qua gần 550 năm lịch sử, sự tồn tại của ngân hàng lâu đời nhất thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng khi cổ phiếu Monte dei Paschi đã tụt dốc 99% kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, xuống mức thấp kỷ lục là 25 cents vào ngày 8/7/2016.

Khó khăn liên tiếp đến với ngân hàng giàu truyền thống này kể từ thương vụ mua lại đối thủ cạnh tranh Antonveneta năm 2007. Vào thời điểm đó, Monte dei Paschi vẫn còn là một trong ba ông lớn ngành Ngân hàng Italia, trong khi Antonveneta đứng thứ 9.

Vụ sáp nhập được kỳ vọng sẽ củng cố vị thế ngân hàng đứng đầu khu vực phía bắc nước Ý đối với Monte dei Paschi, tuy nhiên thực tế lại cho thấy đây không phải là một chiến lược đầu tư hiệu quả.

Ngày 23/6/2016, Brexit diễn ra kéo theo một hiệu ứng tâm lý bi quan bao phủ thị trường tài chính châu Âu và thế giới. Vốn đang đối mặt với muôn vàn khó khăn nội tại, nền tài chính Italia ngay lập tức trở thành một trong những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Biểu hiện rõ nét là việc giá trị thị trường của 3 ngân hàng hàng đầu Italia đều giảm mạnh. Các con số lần lượt là 34% đối với Unicredit, 30% đối với Intesa Sanpaolo và 28% đối với Banca Popolare.

Cùng chung cảnh ngộ, trong 10 ngày hậu Brexit, hơn 45% giá trị thị trường của Monte dei Paschi đã bốc hơi, nay chỉ còn chưa đến 1 tỷ euro trong khi nợ xấu của ngân hàng đã chạm ngưỡng 47 tỷ euro từ tháng 3, chiếm 1/3 nợ xấu của cả nước Ý.

Trước tính nghiêm trọng của vấn đề, Ngân hàng Trung ương châu Âu yêu cầu Monte dei Paschi gấp rút đưa ra một kế hoạch cắt giảm 40% con số này từ nay tới 2018. Các chuyên gia tài chính cũng đồng loạt khuyến cáo Monte dei Paschi phải bằng mọi cách nâng phần vốn chủ sở hữu lên từ 3 đến 4 tỷ euro.

Tuy nhiên, không khó để có thể hình dung viễn cảnh chẳng có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm rót vốn vào một ngân hàng đang tụt dốc không phanh khi bản thân nguồn lực của họ đã bị vắt kiệt qua nhiều năm nay.

Thậm chí, mới đây trong một nỗ lực nhằm xoa dịu thị trường và bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, Ủy ban Chứng khoán Italia (Consob) đã cấm tất cả các hành vi trục lợi từ việc giảm giá của cổ phiếu Monte dei Paschi trong 3 tháng kể từ ngày 7/7; cả dưới hình thức trực tiếp như bán khống cổ phiếu, lẫn gián tiếp như đặt vị thế bán tại các sàn giao dịch chứng khoán phái sinh. Nên nhớ, những biện pháp can thiệp sâu vào cơ chế thị trường như vậy xưa nay chỉ được áp dụng trong những trường hợp hãn hữu.

Về phía Nhà nước, Chính phủ Italia sẵn sàng đưa ra gói cứu trợ thứ ba cho Monte dei Paschi kể từ năm 2008, dù đây tuyệt đối không phải là một quyết định dễ dàng trong hoàn cảnh nợ công của Italia lên tới 140% GDP, đứng thứ hai châu Âu chỉ sau Hy Lạp.

Tuy nhiên, việc hiện thực hóa chính sách trên đang bị chặn lại bởi Cộng đồng châu Âu khi tổ chức này cho rằng làm như vậy là đi ngược lại với những quy định mới được họ ban hành từ 2 năm nay về việc xử lý các ngân hàng gặp khó khăn. Theo đó, Chính phủ các nước thành viên không được tự ý dùng ngân sách Nhà nước, vốn đến chủ yếu từ tiền thuế đóng góp của nhân dân để duy trì sự tồn tại của những thể chế tài chính “too big to fail”.

Một mặt không cho phép Chính phủ Italia ra tay cứu vớt Monte dei Paschi, nhưng mặt khác, trong một diễn biến tổng thể hơn, Cộng đồng châu Âu cũng từ chối rót vốn hỗ trợ nền kinh tế đất nước bên bờ Địa Trung Hải. Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn đánh giá những kế hoạch tái thiết đề xuất bởi Thủ tướng Italia Matteo Renzi là chưa thật sự thuyết phục.

Sau khi sa lầy tại Hy Lạp với những gói cứu trợ liên tiếp trong nhiều năm chỉ để đổi lại những đợt cải tổ thiếu hiệu quả, các nước có điều kiện kinh tế phát triển hơn ở châu Âu nay cũng trở nên dè dặt trước các nỗ lực xử lý khủng hoảng. Brexit với những hậu quả chưa thể lường hết càng khiến khả năng các nhà lãnh đạo châu Âu chi lớn cho việc tái thiết Italia trở nên mong manh…

Điều đáng nói ở đây là, chính việc quay lưng lại với Monte dei Paschi vào thời điểm nhạy cảm này rất có thể sẽ châm ngòi cho làn sóng đòi tách khỏi châu Âu vốn đang âm ỉ tại Italia nơi người dân cảm thấy thất vọng trước bức tranh u ám của nền kinh tế - xã hội kể từ thời điểm đất nước họ từ bỏ đồng Lire và gia nhập khối các quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu vào năm 2002. Liệu sau Brexit, chúng ta có sớm chứng kiến Italeave?

Vài nét về tầm ảnh hưởng của Monte dei Paschi Ngân hàng Monte dei Paschi di Siena (BMPS) được thành lập tại thành phố Siena, xứ Tuscany, Italia từ năm 1472, vào thuở sơ khai của ngành tài chính - ngân hàng khi việc cho vay với lãi suất còn bị cấm bởi Giáo hội Công giáo. Cho tới đầu năm 2016, Monte dei Paschi vẫn còn là ngân hàng lớn thứ ba Italia, với hơn 2.100 chi nhánh và 4,5 triệu khách hàng.

Riêng ở Siena, một nửa doanh nghiệp và người dân thành phố nhận các khoản vay trực tiếp từ ông lớn này. Quỹ đầu tư tài chính nắm giữ 49% cổ phần ở Monte dei Paschi cũng chính là đơn vị chi tiêu công nhiều nhất Siena, khoảng 250 triệu euro/năm, nhiều hơn cả ngân sách của chính quyền thành phố. Sân bay quốc tế Siena – Ampugnano, trung tâm nghiên cứu công nghệ cao Palio di Siena… đều được xây dựng từ tiền đóng góp của “Bố già Monte”.

Trên khía cạnh xã hội, bất chấp những đợt cắt giảm nhân sự liên tiếp những năm gần đây, Monte dei Paschi vẫn là nhà tuyển dụng lớn nhất thành phố Siena, là nơi làm việc của hơn 2 vạn nhân viên. Ngân hàng cũng thường xuyên tài trợ cho các hoạt động văn hóa – thể thao – giải trí phục vụ nhân dân địa phương.

Xứ Tuscany vốn là cái nôi của phong trào Phục hưng, là quê hương của những Michelangelo, Leonardo Da Vinci, Gallileo, gia tộc Medicis và chính thủ tướng đương nhiệm Matteo Renzi. Ngày nay xứ Tuscany, với những thành phố lớn như Florence, Empoli, Siena, Piza là một trong những địa điểm thu hút đầu tư và du lịch hàng đầu đất nước hình chiếc ủng, là nơi tập trung của dân nghệ sĩ và giới nhà giàu Italia.

Vì vậy, giới quan sát e ngại, nếu để một ngân hàng có ý nghĩa biểu tượng lịch sử lẫn tầm ảnh hưởng đương đại lớn như Monte dei Paschi sụp đổ sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cả trên khía cạnh kinh tế lẫn xã hội đối với toàn xứ Tuscany, với Italia và cả châu Âu.

 

Thanh Loan
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục