tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Harvard Business School - Ngôi trường định hình kinh tế Mỹ

  • Cập nhật : 21/05/2017

Người ta có thể bắt gặp những thạc sĩ quản trị kinh doanh của HBS ở khắp các hành lang của những công ty tư vấn và đầu tư hay các ngân hàng danh giá nhất trên phố Wall.

harvard business school - ngoi truong dinh hinh kinh te my

Harvard Business School - Ngôi trường định hình kinh tế Mỹ

Mới đây, trường kinh doanh Harvard – Harvard Business School (HBS) – đã đứng trước một làn sóng chỉ trích. Trong cuốn sách mới xuất bản có tựa đề “The Golden Passport” (tạm dịch: Cuốn hộ chiếu vàng”, tác giả Duff McDonald cho rằng HBS đã mất đi ngôi vị trường kinh doanh tốt nhất nước Mỹ. Hơn nữa, ông còn cho rằng đây là chính là “cái nôi” nuôi dưỡng những hành vi sai trái. Bản thân HBS cũng bị ảnh hưởng bởi xung đột lợi ích, và chính cộng đồng cựu học sinh của ngôi trường này đã thúc đẩy một dạng thức tham lam của chủ nghĩa tư bản, nguồn gốc của nhiều lỗ hổng trong nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Từng viết những cuốn sách về công ty tư vấn McKinsey & Company hay ngân hàng JPMorgan Chase, ông McDonald là 1 tác giả được nhiều người kính trọng. Lần này, tại sao ông lại tấn công ngôi trường danh giá? Những luận điểm của ông có thực sự chính xác hay không?

Lò đào tạo những nhân vật đình đám

Khi Harvard Business School ra đời năm 1908, người mà sau này là Hiệu trưởng của trường Harvard, Abbott Lawrence Lowell, miêu tả chương trình giảng dạy sau đại học chuyên sâu về kinh doanh mà trường cung cấp là một thử nghiệm “tuyệt vời” và “tinh tế”.

Sau hơn 1 thế kỷ, HBS đã trở thành 1 ngôi trường tuyệt vời, nhưng sự tinh tế thì chưa được khẳng định. Chỉ chấp nhận 12% trong số 10.000 người ứng tuyển trong năm 2016 và có tới 89% người trúng tuyển đi học, HBS luôn là lựa chọn hàng đầu. Sự kết hợp giữa cái tiếng của Harvard và thái độ thẳng thắn về chuyện theo đuổi tiền bạc tạo nên một cơ sở đào tạo cung cấp cho học viên không chỉ những nền tảng cơ bản của hoạt động kinh doanh mà còn những là những cơ hội khó có thể tìm được ở nơi nào khác.

Những học viên của HBS chấp nhận mức học phí cao chót vót bởi đổi lại họ sẽ được áp dụng phương pháp giảng dạy chủ yếu dựa vào các ví dụ thực tiễn cũng như tận dụng thương hiệu Harvard và cộng đồng cựu sinh viên thành công để tìm được công việc có thu nhập cao.

HBS có ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành những tập đoàn lớn của nước Mỹ ở đầu thế kỷ 20 và đã giúp tạo nên nền tảng công nghiệp cho phép Mỹ và các nước đồng minh giành chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Người ta có thể bắt gặp những thạc sĩ quản trị kinh doanh của HBS ở khắp các hành lang của những công ty tư vấn và đầu tư hay các ngân hàng danh giá nhất trên phố Wall. Kể cả ở thung lũng Silicon là nơi HBS khá yếu thế so với các trường khác, cũng có khoảng 10% các “chú kỳ lân” – những công ty khởi nghiệp có giá trị hơn 1 tỷ USD được sáng lập bởi người có ít nhất 1 bằng MBA của HBS.

Tuy nhiên đây không phải là những điều mà McDonald quan tâm. HBS được lập ra với tôn chỉ xây dựng “trách nhiệm cao cả trong giới doanh nhân”, những người “sẽ giải quyết những vấn đề kinh doanh theo những cách thức có ích cho xã hội”. Nhưng theo McDonald nếu xét theo chân lý này, HBS không chỉ là một “thất bại khổng lồ” mà còn trở nên “nguy hiểm”.

Theo ông, ngôi trường này đã tạo nên gốc rễ của nhiều điều xấu xa xảy ra trong nền kinh tế Mỹ trong thế kỷ vừa qua, từ những vụ bê bối lừa đảo trong giới tài chính đến các cú sụp đổ của thị trường hay suy thoái kinh tế. HBS đã đặt tiền bạc lên trên tất cả.

Ngòi bút của McDonald phê phán Michael Jensen, hiện là giáo sư danh dự của HBS. Ông cho rằng Jensen phải chịu trách nhiệm chính về những vụ thâu tóm thù nghịch tham lam trên phố Wall hay những bê bối của Enron và WorldCom cũng như mức thù lao cao chót vót của các CEO.

Jensen bắt đầu làm việc ở HBS từ năm 1984 và trở thành giảng viên chính thức năm 1989. Không thể phủ nhận ông là một trong những nhà lý thuyết kinh doanh có tầm ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ trong lịch sử hiện đại, nổi tiếng với triết lý cho rằng bộ máy quản lý doanh nghiệp chỉ có duy nhất 1 nhiệm vụ là tối đa hóa lợi ích của cổ đông; trái ngược với quan điểm truyền thống cho rằng họ phải có nghĩa vụ rộng lớn hơn, không chỉ với cổ đông mà còn phải phục vụ cả lợi ích của nhân viên công ty, các khách hàng và cộng đồng.

Jensen cũng là người đưa ra ý tưởng về cơ chế thù lao cho các CEO với lập luận rằng các CEO được trả lương bao nhiêu không quan trọng vì dù thế nào đi chăng nữa thì các cổ đông cũng sẽ được lợi. Theo McDonald, năm 1992, các CEO của những công ty trong danh sách Fortune 500 chỉ có thu nhập trung bình 2,7 triệu USD/năm. Đến năm 2000, con số tăng lên 14 triệu USD.

Lựa chọn nào cho HBS?

Jensen chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ về mối quan hệ ngầm giữa HBS và thế giới thực mà "Cuốn hộ chiếu vàng" chỉ ra. Tuy nhiên, những lời buộc tội này có đúng?

Hãy có 1 cái nhìn cân bằng hơn. Một loạt ví dụ mà McDonald đưa ra - từ cựu Tổng thống George W. Bush, cựu Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson đến cựu Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Mỹ Christopher Cox - đều là những nhân vật gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, không ít người cho rằng họ đã giúp nước Mỹ tránh được những tai họa khủng khiếp hơn so với những gì đã diễn ra.

Có vẻ như ý tưởng cho rằng HBS phải chịu trách nhiệm cho những điểm yếu kém của kinh tế Mỹ là không chính xác. Tốt hơn hãy nghĩ rằng ngôi trường này là 1 doanh nghiệp đã tăng trưởng quả nhanh và mất đi lợi thế cạnh tranh. Trong 10 năm gần đây, doanh thu của trường tăng 8% mỗi năm những chi phí cũng tăng 7%. Đúng là HBS đã thất bại trong việc quản lý các xung đột lợi ích khi cho phép các công ty khiếu nại về các case studies về chính họ đồng thời cho phép giảng viên nhận tiền thù lao từ các công ty.

HBS cũng đã cố gắng đa dạng hóa nguồn sinh viên đầu vào, nhưng kể cả sau khi đã điều chỉnh số tiền học bổng, mức phí trung bình cho 1 lớp MBA đã tăng 30% trong 5 năm.

HBS đang đứng trước 2 lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là tập trung vào chất lượng và cải thiện tính khách quan của chương trình giảng dạy, giảm việc huy động tiền từ các nhà tài trợ và các công ty. Nhưng lựa chọn này có thể khiến học phí tăng mạnh.

Một lựa chọn khác là tiếp tục với vị thế là 1 doanh nghiệp kinh doanh chứ không phải là nơi chuyên cung cấp học bổng. Nếu HBS có thể giảm chi phí xuống mức tương đương 5 năm trước và nếu được định giá như 1 công ty trên thị trường chứng khoán, ngôi trường này có giá trị khoảng 5 tỷ USD. Nếu HBS lên sàn, Harvard University sẽ được nhận mức cổ tức cao và sử dụng số cổ tức ấy cho mục đích từ thiện, và HBS sẽ được tự do theo đuổi những thứ phục vụ lợi ích của chính mình.

 

Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Economist, New York Times/CafeF

Trở về

Bài cùng chuyên mục