tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cuộc chiến thương mại điện tử tại nông thôn Trung Quốc

  • Cập nhật : 15/09/2015

(The gioi)

Sự giảm tốc của nhu cầu mua sắm tại thành thị buộc những người khổng lồ của thương mại điện tử Trung Quốc phải tham gia cuộc chiến khốc liệt nơi làng quê.

Cứ 7h30 sáng, Pang Weidong lại khởi đầu lịch trình giao hàng của mình tại một trung tâm phân phối trực thuộc của Tập đoàn Alibaba tại vùng đồng bằng Đông Bắc Trung Quốc. Với chiếc xe tải nhỏ của mình, ông phải vượt qua các đoạn đường đầy ổ gà để chuyển các hàng hóa như là giấy vệ sinh hay các bộ thiết bị giảm cân.

Pang cho biết ông phải vận chuyển khoảng 200 thùng hàng mỗi ngày trong khoảng thời gian 9 giờ đồng hồ với tốc độ chưa đến 40 dặm một giờ (khoảng 60 km/h) để tránh các tai nạn hay các hư hại cho hàng hóa – cũng như các con vật như bò, dê và ngỗng thỉnh thoảng băng qua đường.

mot nguoi giao hang van chuyen tu trung tam phan phoi tai mot huyen thuoc dong bac trung quoc toi cac ngoi lang. anh: wsj

Một người giao hàng vận chuyển từ trung tâm phân phối tại một huyện thuộc Đông Bắc Trung Quốc tới các ngôi làng. Ảnh: WSJ

Ông Pang là một thành viên thuộc đội tài xế được thuê bởi công ty vận tải thành viên của Alibaba cũng như đối thủ chính của họ - JD.com, để vận chuyển khắp các vùng nông thôn Trung Quốc. Hai công ty, với tổng thị phần chiếm đến 80% thị trường bán lẻ có doanh số 440 tỷ USD trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Trung Quốc có thế mạnh bán hàng tại khu vực thành thị, đều nhắm đến kế hoạch tại khoảng 100.000 làng quê khắp Trung Quốc trong 10 năm tới.

Alibaba và JD.com đang thúc đẩy hoạt động vào khu vực nông thôn ở thời điểm mà họ phải gánh chịu áp lực từ các cổ đông cho chu kỳ tăng trưởng mới, khi mà sức phát triển tại các đô thị đã tới hạn.

Đầu tháng này, ông Daniel Zhang - Tổng giám đốc của Alibaba, cho biết ông tin tưởng rằng Alibaba sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian dài với sức mua mạnh mẽ thường xuyên và hàng hóa bán ra đa dạng.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng việc trì trệ của nền kinh tế và sự thay đổi bất thường của thị trường chứng khoán có thể làm nản lòng người tiêu dùng. Doanh thu của Alibaba đã tăng trưởng ở tỷ lệ thấp nhất trong hơn 3 năm trở lại đây trong quý II. Tổng Giám đốc của JD.com cũng vừa cho biết họ chỉ trông chờ doanh số bán ra tăng trưởng ở mức vừa phải cho đến cuối năm.

Nhưng các vùng quê Trung Quốc lại đầy hứa hẹn. Khoảng 600 triệu cư dân nơi đây đang nhận thấy thu nhập của họ tăng nhanh hơn cư dân thành phố, những người đang có khuynh hướng trở nên nghèo hơn về mọi mặt. Trong năm 2013, thu nhập bình quân đầu người hàng năm từ khu vực nông thôn là 8.896 NDT (khoảng 1.392 USD) so với mức 29.547 NDT của những người sở hữu nhà tại khu vực thành thị.

Nhiều cư dân sống tại các vùng làng quê chỉ mới biết đến mua sắm trực tuyến sau khi họ có chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet đầu tiên của mình trong năm vừa qua, đa số thông qua các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Lượng khách hàng của thương mại điện tử tại vùng nông thôn Trung Quốc hiếm khi bằng được một phần ba khu vực thành phố, nhưng thứ hạng của họ đang tăng lên một cách nhanh chóng. Năm ngoái, con số này là 77 triệu người, tăng 41%, so với mức tăng 17% tại khu vực thành thị, theo thông tin từ Trung tâm Thông tin mạng Internet Trung Quốc. 

“Tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ở khu vực nông thôn vẫn thấp hơn ở thành phố, vì vậy có một khoảng cách khổng lồ để khai phá, một thị trường rộng lớn để giành lấy”, Wang Xiaoxing - nhà phân tích thương mại điện tử thuộc hãng nghiên cứu Analysys International nói.

Cho đến gần đây, thương mại điện tử đã bỏ qua phần lớn các vùng xa xôi như những ngôi làng ở Mingshui, nơi được biết đến là quá khó khăn và tốn nhiều chi phí để tiếp cận. Trung Quốc không có những nhà vận chuyển có đủ khả năng giao hàng đến tất cả các địa chỉ ở vùng nông thôn, và dịch vụ bưu chính quốc gia thì không đủ nhanh hoặc đủ hiệu quả để phục vụ hết nhu cầu của các công ty bán lẻ trực tuyến. Các công ty thương mại điện tử có xu hướng dành hết nguồn lực để theo đuổi các khách hàng thành thị giàu có - những người tập trung thuận tiện trong một vài khu vực mà hầu hết trải dọc theo đường bờ biển.

Alibaba - công ty về thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, đang đầu tư 10 tỷ NDT để xây dựng 1.000 trung tâm phân phối cấp huyện và 100.000 điểm nhận hàng cấp thôn trong suốt 3 đến 5 năm tới. Vào thời điểm tháng 6, công ty có 63 trung tâm cấp huyện và 1.803 trung tâm cấp thôn.

Alibaba thực hiện phần lớn hoạt động kinh doanh qua Taobao và Tmall, website tương tự như eBay.com là nơi các nhà bán lẻ và các cá nhân có thể đưa hàng hóa của họ lên bán. Sau khi một khách hàng thực hiện việc mua hàng trên một trong hai trang web trên, các công ty thuộc bên thứ ba sẽ hợp tác vận chuyển thông qua Cainiao - một nền tảng logistics được thiết lập bởi Alibaba vào năm 2013. Alibaba có cổ phần nhỏ trong một vài công ty logistics sử dụng Cainiao, nhưng các trung tâm phân phối và xe tải chở hàng được điều hành bởi bên thứ ba.

Tang Dazhuang - 20 tuổi, xuất thân từ một gia đình nông dân trồng ngô, đã đến một trạm vận chuyển ở Liming, một trong những ngôi làng trên lộ trình của ông Pang vào một ngày thứ Hai để nhận một hộp có 5 cặp vớ có giá 10 NDT mà anh ta đã mua từ Taobao cách đây 3 ngày. “Điều này tiện lợi hơn cho việc mua sắm”, anh ta nói. “Sau khi mua thứ gì đó tôi chỉ việc ngồi chờ ở nhà. Trước khi tôi dùng Taobao, tôi đã phải đi đến thị trấn (huyện Mingshui) để mua mọi thứ”. Anh ta nói rằng điều đó phải tốn 40 phút lái xe. “Có nhiều lựa chọn trên Taobao, vì thế mua sắm trên đó tốt hơn”.

Alibaba cho biết mục tiêu của họ cho mỗi ngôi làng là thêm một ngày vận chuyển ngoài thời gian giao hàng thông thường để đi đến các huyện gần nhất. JD.com nói rằng việc giao hàng đến các ngôi làng của họ có thể mất từ một đến ba ngày.

Tại trụ sở Bắc Kinh của JD.com, nơi bán hầu hết hàng hóa trực tiếp như công ty Amazon.com, có một chiếc lược khác cho việc vận chuyển hàng hóa đến vùng nông thôn. Công ty điều hành một mạng lưới riêng với 166 kho hàng ở mỗi vùng và hàng ngàn trạm giao hàng nhỏ hơn tại các địa phương. Ở các khu vực xa xôi, JD.com giao hàng cho những người ký hợp đồng “quảng bá thương hiệu” ở các làng cũng là những người giao hàng cho khách hàng, và thỉnh thoảng cũng làm việc với những hãng logistics thuộc bên thứ ba. Công ty từ chối tiết lộ chi phí cho ý tưởng này.

Để chắc chắn, có thể mất một khoảng thời gian cho cả hai công ty nhận thấy được nhu cầu tương ứng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng của họ. Các lô hàng đến vùng nông thôn chiếm chưa đến 10% số bưu kiện được tạo ra từ thị trường bán lẻ tại Trung Quốc của Alibaba, và các phân tích cũng chưa cho thấy một cách rõ ràng về sức mua trực tuyến từ các cư dân vùng nông thôn có thể được mở khóa một cách nhanh chóng.

Thách thức lớn nhất cho cả hai công ty là hoàn tất “dặm cuối”, thuật ngữ ngành công nghiệp logistics về bước cuối cùng để hướng đến một khách hàng. Đầu tư cho logistics ở Trung Quốc trong quá khứ hầu hết là hướng đến việc vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài, như là các cảng biển và sân bay để xúc tiến thương mại, trong khi dịch vụ vận chuyển nội địa vẫn là một thị trường phân tán bao gồm hàng ngàn hãng vận tải và kho bãi nhỏ ở từng khu vực. Vì không có cơ sở hạ tầng về logistics để sử dụng, các công ty buộc phải tự xây dựng hạ tầng logistics cho chính mình.

Bưu kiện vẫn không thể được đưa đến tận cửa nhà của người nhận bởi vì những căn nhà ở các làng quê điển hình được đặt dọc theo một mạng lưới chằng chịt giữa các cánh đồng hoặc ruộng lúa. Những chiếc xe tải giao hàng không thể đi lọt các hẻm nhỏ và sẽ là quá xa để giao hàng bằng cách đi bộ - nếu một người giao hàng có thể tìm được tất cả các khách hàng.

“Ở thành phố, mỗi địa chỉ rất dễ xác định và có bảng rõ ràng, như là số nhà, tên đường, quận. Nhưng địa chỉ ở các làng quê thì không có bảng ghi một cách rõ ràng như vậy,” Jiang Hongyu, giám đốc phụ trách vùng nông thôn của JD.com nói.

Alibaba đã đặt các trạm giao hàng được trang trí màu cam tươi và màu xanh lá cây với tên “Taobao nông thôn” để đón chào khách hàng.

Ngay cả nếu Alibaba và JD.com đạt được mục tiêu của họ, đó sẽ chỉ là một phần nhỏ của khoảng 600.000 ngôi làng rải rác khắp đất nước Trung Quốc. Nhưng cũng giống như các công ty đã phải xây dựng cơ sở hạ tầng cho đô thị thương mại điện tử phát triển, họ hy vọng rằng kế hoạch mở rộng đến các vùng nông thôn sẽ mở đường cho một thị trường mới.

“Các con đường xấu và không ai muốn hao tốn quá nhiều trong việc đầu tư logistics cho khu vực nông thôn chỉ vì lợi ích của vài gói hàng”, Xu Weidong, một người điều hành hoạt động của Cainiao ở miền bắc Trung Quốc cho biết. “Bây giờ, Alibaba ở đây”.

(Theo Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục