tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cái giá của tham nhũng

  • Cập nhật : 19/05/2016

(tin kinh te)

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Tư pháp Iran Gholamhossein Mohseni-Ejei cho rằng: đây là “vụ tham nhũng lớn nhất hành tinh”. Zanjani bị tòa sơ thẩm đã tuyên án tử hình cùng với hai bị cáo khác.

Vụ tham nhũng lớn nhất hành tinh

Tờ BBC của Anh mới đây cho biết, tỷ phú người Iran là Babak Zanjani, vừa bị tuyên án tử hình về tội tham nhũng, với khoản tiền lên tới 2,7 tỷ USD.

Trước đó, chỉ một thời gian ngắn Babak Zanjani còn tự vỗ ngực ví như là nhân vật tinh túy thuộc tổ chức bán quân sự cứng rắn của Iran hay “hậu vệ” của Cách mạng Hồi giáo. Người từng sử dụng Mercedes 500SL đen bóng, đeo đồng hồ 30.000 USD mới xứng với khối tài sản kếch xù 13,5 tỷ Mỹ kim, thì nay đã phải ra vành móng ngựa và ẵm trọn án tử hình.

tau cho dau monte toledo cua babak zanjani ban cho tay ban nha

Tầu chở dầu Monte Toledo của Babak Zanjani bán cho Tây Ban Nha

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Tư pháp Iran Gholamhossein Mohseni-Ejei cho rằng: đây là “vụ tham nhũng lớn nhất hành tinh”. Zanjani bị tòa sơ thẩm đã tuyên án tử hình cùng với hai bị cáo khác. Theo tuyên án, Zanjani bị bắt do cáo buộc “lách luật” để chuyển tiền bán dầu mỏ vào Iran trong bối cảnh nhiều ngân hàng tại Iran đang bị áp lệnh trừng phạt vì chương trình hạt nhân.

Ngoài ra Zanjani và hai bị cáo khác còn bị tuyên phạt mắc tội tham nhũng, vi phạm nghiêm trọng bộ luật hình sự của Iran. Về phần mình, Babak Zanjani đã chối bỏ mọi cáo buộc, cho rằng ông ta không chuyển tiền mua bán dầu mỏ về cho Bộ dầu khí nước này là do lệnh trừng phạt quốc tế với Iran đang có hiệu lực.

Được biết, trong thời gian Iran bị áp trừng phạt, tỷ phú Zanjani là một trong những cá nhân nằm trong danh sách đen bị áp lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ và liên minh châu Âu.

Liên quan đến sự việc trên, chính phủ Iran khẳng định dưới thời Tổng thống Ahmadinejad nạn tham nhũng và môi giới mua bán dầu mỏ giữa chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài để kiếm lời bất hợp pháp phát triển rất mạnh, nhưng ngay sau khi Iran đạt được thoả thuận hạt nhân với các cường quốc, việc làm trên mới bị phanh phui.

Trước khi bị bắt, Zanjani đã lập luận, lệnh trừng phạt quốc tế đã được ngăn chặn ông ta chuyển 1,2 tỷ USD còn nợ chính phủ. Nhưng tại phiên tòa gần đây, các công tố viên đã tuyên bố, thực tế Babak Zanjani còn nợ tiền bán thu dầu với chính phủ là 2,7 tỷ USD.

Babak Zanjani đã bị bắt giam một ngày sau khi Tổng thống Hassan Rouhani phát động chiến dịch phòng chống tham nhũng tài chính, đánh vào các nhân vật “đặc quyền đã lợi dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế” dưới thời chính phủ cũ để kiếm ăn.

Theo dư luận và chính Zanjani thú nhận, ông ta rất giàu có, tài sản lên tới 13,5 tỷ USD, đặc biệt, có mối quan hệ mật thiết với một số quan chức cấp cao và không ngại khoe giàu. Chẳng hạn như có máy bay phản lực riêng, xe hơi sang trọng và khoe cả những bức ảnh chụp với các quan chức cấp cao Iran.

Liên quan đến chính trị?

Zohreh Rezalee, luật sư bào chữa cho Zanjani đã cho BBC hay, bản án của Babak Zanjani mang động cơ chính trị hơn là kinh tế, thân chủ của ông ta sẽ kháng cáo. Tuy nhiên, Zanjani cũng đã thừa nhận thân chủ của mình sử dụng một mạng lưới các công ty ở Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia thay mặt chính phủ Iran bán hàng triệu thùng dầu từ năm 2010. Còn theo hãng tin AFP, phiên tòa xét xử Babak Zanjani được xem là bất thường, mặc dù được tổ chức công khai.

Trang tin aljazeera.com của Công ty truyền thông quốc tế Al Jazeera có trụ sở tại Doha, Qatar, số ra mới đây vừa qua cho thấy, vụ án Babak Zanjani có sự đồng lõa của chính quyền Iran, nói cách khác giới cầm quyền đã dựa vào lệnh trừng phạt để kiếm lợi.

Tên tuổi Babak Zanjani luôn luôn gắn liền với những vòng xoáy kinh tế Iran, việc Zanjani bị tử hình đồng nghĩa với bản tuyên án cho một chế độ, tham nhũng từng nở rộ như nấm sau mưa. Đây không phải là lần đầu một doanh nhân bị cáo buộc tham nhũng và bị tử hình. Trước đó, tháng 5/2014, tỷ phú Mahafarid Amir Khosravi đã bị kết án tử hình do có vai trò môi giới trong một vụ tham nhũng 2,6 tỷ USD.

Theo chuyên gia kinh tế Nader Habibi, người theo sát vụ scandal này từ đầu, Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng trong “chương trình rửa tiền cho chính phủ Iran”. Vụ scandal kinh tế này lấn sân cả chính trị lẫn kinh tế của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Án tử hình đối với Babak Zanjani mang ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế của Iran, giúp Iran phát triển khi gỡ bỏ lệnh cấm vận và hạn chế thiệt hại do các biện pháp trừng phạt gây ra. Nhân sự kiện này Bộ trưởng dầu mỏ Iran, Bijan Zanganeh đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài nên tránh xa trung gian, người mà ông bộ trưởng ví là “ký sinh trùng tham nhũng” như Zanjani là một ví dụ…

Babak Zanjani sinh ngày 21/3/1974 tại Tehran, từng theo học đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau chuyển sang làm lái xe cho người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Iran. Sau đó, chuyển nghề sang làm môi giới trao đổi tiền tệ.

Trước khi bị bắt, ông ta là giám đốc điều hành của Tập đoàn Sorinet, trụ sở tại UAE, một trong những tập đoàn kinh doanh lớn nhất của Iran. Ngoài ra Babak Zanjani còn sở hữu hãng hàng không Qeshm Airlines và Rah Ahan Sorinet F.C. ở Iran.

Sorinet là một trong những tập đoàn kinh doanh lớn nhất của Iran, chuyên lĩnh vực mỹ phẩm, tài chính, ngân hàng, khách sạn, hàng không thương mại, cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin và phát triển bất động sản quốc tế, hoạt động tại hơn 60 quốc gia trên thế giới…



Khắc Nam
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục