tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Các nước châu Mỹ: Hướng tới phát triển và gắn kết

  • Cập nhật : 04/07/2016

Cuối tháng Sáu vừa qua, đã diễn ra hai hội nghị quan trọng là Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Thái Bình Dương và Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ. Kết quả tích cực mà hai hội nghị đạt được cho thấy các nước trong khu vực đang gạt qua một bên những bất đồng để thúc đẩy sự hòa hợp về chính trị, gắn kết về kinh tế và ổn định khu vực.

Bắc Mỹ xích lại gần nhau

Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ đã kết thúc vào chiều 29/6 theo giờ Canada (sáng 30/6 theo giờ Việt Nam), với việc lãnh đạo ba nước Mỹ, Canada và Mexico nhất trí hợp nhất các chính sách năng lượng và môi trường; đồng thời chính thức công bố Kế hoạch hành động đối tác khí hậu, năng lượng sạch và môi trường Bắc Mỹ. Đây là thỏa thuận đầy tham vọng nhằm đưa Bắc Mỹ trở thành khu vực cạnh tranh trong nền kinh tế xanh toàn cầu.

tong thong my barack obama va tong thong mexico enrique pena nieto bat tay tai hoi nghi thuong dinh bac my 

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto bắt tay tại Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ 

Đặc biệt tại Hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Canada Justin Trudeau, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã nhất trí đến năm 2025 năng lượng sạch sẽ chiếm 50% tổng năng lượng tiêu thụ ở Bắc Mỹ, tăng mạnh so với cam kết 37% đưa ra trước đó.

Kế hoạch hành động giúp làm tăng khả năng cạnh tranh gồm 14 sáng kiến nhằm giảm chi phí trong buôn bán thương mại, cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng sản phẩm, thúc đẩy đổi mới và phát triển kinh tế. Kế hoạch hành động cũng bao gồm một thỏa thuận để giải quyết những vấn đề toàn cầu về sản xuất thép, theo đó ba chính phủ sẽ cắt giảm trợ cấp cho sản xuất thép và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, ba nhà lãnh đạo của Mexico, Mỹ và Canada đã thống nhất tiến hành sửa đổi một số điều khoản của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nhằm dỡ bỏ một số quy định về xuất xứ sản phẩm đối với dược phẩm, mỹ phẩm, cao su, kim loại, máy công nghiệp, máy điện, thiết bị chính xác và khí đốt.

Các nhà lãnh đạo cũng nhận định rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp các nước NAFTA chia sẻ sự thịnh vượng, tạo việc làm, tăng cường sản xuất công-nông nghiệp trong khu vực, cũng như đảm bảo quyền của người lao động và bảo vệ môi trường.    

Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ, còn được gọi là Hội nghị “Ba người bạn” (Three Amigos) lần này diễn ra trong bối cảnh cả ba nước đều muốn tái khẳng định mong muốn hợp tác chặt chẽ về an ninh, môi trường và thương mại để đối phó với những mối đe dọa cực đoan trên toàn cầu.

Hội nghị được coi là cơ hội duy nhất để đẩy lùi những đánh giá tiêu cực đang hiện hữu trong nền chính trị Mỹ cũng như trên các phương tiện truyền thông khu vực về hợp tác Bắc Mỹ. Bằng việc thắt chặt hợp tác khu vực Bắc Mỹ, các nhà lãnh đạo đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng mối quan hệ ràng buộc về kinh tế có thể đem đến thịnh vượng mà không ảnh hưởng tới chủ quyền quốc gia.

Thương mại ba chiều trong khu vực đã tăng gấp bốn lần trong hai thập kỷ qua và theo nhiều nghiên cứu, tạo việc làm cho hơn 20 triệu công nhân, trực tiếp hoặc gián tiếp ở cả ba nước. Một triệu người qua lại biên giới ba nước mỗi ngày, hầu hết họ đóng góp ổn định cho nền kinh tế chung. Tuy vậy, ba nước vẫn cần tìm sự cân bằng hơn nữa giữa những yêu cầu đảm bảo an ninh tại khu vực biên giới cũng như sự tiếp cận hiệu quả của hàng hóa và du lịch giữa các thị trường.    

Hiện tại, khu vực Bắc Mỹ có gần 530 triệu dân và GDP đạt 20,6 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 1/4 GDP toàn cầu. Trong năm 2015, thương mại nội khối đạt trên 1.000 tỷ USD.

Nam Mỹ đoàn kết vượt qua thách thức

Chỉ diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ vài ngày, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Thái Bình Dương - gồm Chile, Colombia, Mexico và Peru - diễn ra tại Chile từ ngày 28/6 đến 1/7, cũng được dư luận quốc tế quan tâm. Hội nghị lần thứ XI này diễn ra giữa bối cảnh những quốc gia thành viên của khối đang đứng trước những thách thức lớn về hội nhập tài chính nhằm mở ra không gian về đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà cùng những người đồng cấp Colombia, Mexico và Peru nhất trí rằng Hiệp định khung đã được các nước thành viên đàm phán với mục tiêu thiết lập các quy tắc rõ ràng và vì lợi ích chung cần phải đạt được bước tiến trong giai đoạn tiếp theo sau những thành công trong lĩnh vực thương mại.

Bộ trưởng Tài chính Colombia, Mauricio Cárdenas đánh giá rằng mặc dù đạt thành công trong hội nhập các thị trường chứng khoán của các nước thành viên, nhưng vẫn còn đó thách thức chung về đưa ra các lựa chọn mới về đầu tư cho các quỹ nhàn rỗi hiện đang quản lý khoảng 404 tỷ USD.

Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID), khu vực Mỹ Latinh cần tăng đầu tư hàng năm vào hạ tầng khoảng 2-4% GDP, tương đương từ 100-200 tỷ USD, trong những thập kỷ tới. Theo ông Cárdenas, một thị trường vốn rộng hơn sẽ thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài và sẽ thiết lập một cơ chế tài chính linh hoạt hơn.

Trong bài phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Chile, Heraldo Muñoz nhận định rằng Liên minh Thái Bình Dương cần tăng cường hợp tác và hội nhập để vượt qua những biến động toàn cầu, với một chương trình nghị sự nhằm giảm các tác động tiêu cực của việc Vương quốc Anh rời EU. Bởi vậy, hội nghị là một cơ hội để các nước thành viên thuận lợi hóa thương mại, tăng cường hợp tác giáo dục, khoa học và đổi mới.

Liên minh Thái Bình Dương là nền kinh tế lớn thứ tám trên thế giới, chiếm 38% GDP của Mỹ Latinh và Caribe, tương đương 1.700 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 445 tỷ USD/năm, chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực.

Với Hiệp định tự do thương mại (FTA) của khối có hiệu lực từ tháng Năm vừa qua, hơn 90% thương mại giữa các đối tác của liên minh đã được dỡ bỏ thuế quan. Theo các nhà kinh tế, FTA sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế trong khối và đa dạng hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ.



M.T tổng hợp
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục