tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bí quyết để Đài Loan vươn lên mức thu nhập ngang với người Nhật, Úc sau 4 thập kỷ

  • Cập nhật : 15/06/2016
Đài Loan lựa chọn con đường phát triển ngành điện tử công nghệ cao làm động lực tăng trưởng kinh tế.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người của một nước được xem là cao khi đạt 12.735 USD trở lên (số liệu tính đến năm 2014). Và chiếu theo định nghĩa đó thì đến tháng 7/2015, trên thế giới có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp vào nhóm này.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), thu nhập bình quân đầu người năm 2015 vào khoảng 46,8 nghìn USD/năm (theo thống kê của CIA - The World Factbook), ngang ngửa so với Nhật, Úc.
Những thập kỷ gần đây, lĩnh vực điện tử luôn là động lực tăng trưởng kinh tế chính của Đài Loan. Lĩnh vực bắt đầu được phát triển vào đầu thập niên 70 khi Đài Loan muốn phát triển công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Khi lãnh đạo Đài Loan lựa chọn con đường phát triển ngành điện tử công nghệ cao, môi trường kinh doanh khi đó cực kỳ bất lợi.
Các công ty nội địa không muốn bước vào ngành công nghệ mới, trên thị trường quốc tế, các công ty lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc thâu tóm thị trường. Đó là chưa kể đến việc với tiềm lực tài chính hạn hẹp hơn rất nhiều so với Nhật, Hàn, sẽ khiến Đài Loan gặp nhiều khó khăn khi muốn mở rộng quy mô sản xuất.
Để vượt qua tất cả những trở ngại trên, lãnh đạo Đài Loan đã đưa ra chiến lược phát triển phù hợp với hoàn cảnh của riêng mình: Tập trung vào phát triển các công ty vừa và nhỏ, thiết lập mối quan hệ thân tình với các tập đoàn đa quốc gia. Lãnh đạo Đài Loan không nhờ đến các công ty đa quốc gia để học hỏi công nghệ mà thành lập những viện nghiên cứu riêng để phát triển công nghệ mới của riêng Đài Loan. Đài Loan gửi hàng nghìn kỹ sư sang các nước có công nghệ cao, đặc biệt là Mỹ để học tập.
Trong khoảng 10 năm từ 1970 đến 1980, mỗi năm hàng nghìn kỹ sư Đài Loan được gửi sang Mỹ học. Và điểm đáng chú ý là lãnh đạo Đài Loan vẫn tiếp tục đầu tư mạnh tay cho các chương trình gửi kỹ sư đi Mỹ học bất chấp việc 10 người sang Mỹ chỉ có 1 người về lại Đài Loan ngay sau khi học.
Nhiều người Đài Loan được gửi sang Mỹ học đã ở lại Mỹ khá nhiều năm, mãi cho đến tận giữa và cuối thập niên 1980. Rất nhiều trong số họ đã vươn đến vị trí quản lý cao cấp tại nhiều công ty công nghệ tại thung lũng Silicon của Mỹ.
Và rồi người ra đi cũng đến ngày trở về. Sau đó không lâu, khi đã cảm thấy tích lũy đủ công nghệ, kiến thức và kỹ năng tại Mỹ, rất nhiều kỹ sư Đài Loan về nước mở doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử và họ thành công. Những người như họ đã đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của ngành điện tử Đài Loan.
Trong khoảng thời gian trên, lãnh đạo Đài Loan đồng thời cũng hết sức nỗ lực để phát triển các viện nghiên cứu. Năm 1973, lãnh đạo Đài Loan thành lập Viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp (ITRI), tổ chức chuyên khuyến khích phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực điện tử.
Đến năm 1978, Nhóm tư vấn công nghệ và khoa học cho chính quyền (STAG) được thành lập để tư vấn cho lãnh đạo cao cấp về chiến lược phát triển ngành điện tử. STAG đã vận động để lập ra công viên công nghệ Hsinchu vào năm 1980.
Một trong những hoạt động quan trọng của ITRI là thương thuyết để mua lại bản quyền công nghệ hoặc tìm kiếm đối tác để ký kết các hợp đồng chia sẻ công nghệ. Ngoài ra họ cũng chịu trách nhiệm tìm những công ty Mỹ có lĩnh vực hoạt động phù hợp với mục tiêu phát triển của Đài Loan và gửi người Đài Loan sang học.
Sau đó, các doanh nghiệp lập ra sẽ được dựa trên nguyên tắc góp vốn như sau: Khoảng 40 đến 50% vốn đến từ chính quyền, số còn lại do tư nhân tự góp. Sau đó, các cơ quan chuyên trách của chính phủ vẫn tiếp tục theo sát để hỗ trợ công nghệ cho nhóm doanh nghiệp mới thành lập này, thậm chí có thể sử dụng các hạ tầng nghiên cứu tại tổ chức nghiên cứu do chính quyền Đài Loan lập ra nếu muốn.
United Microelectronics Company (UMC) là một trong những công ty đầu tiên được thành lập theo phương thức chia sẻ công nghệ với RCA, một công ty công nghệ lớn tại Mỹ thời kỳ giữa thập niên 1970. Trong chỉ vài năm sau khi thành lập công ty, khoảng 259 kỹ sư đã được gửi đến RCA đào tạo và sau đó trở về xây dựng cho UMC.
Trong sự phát triển của UMC, nguồn tiền từ chính quyền giữ một vai trò quan trọng. Thế nhưng ngay cả như vậy, nhà đầu tư tư nhân vẫn khá ngại ngần rót vốn cho các công ty công nghệ mới. Chính quyền Đài Loan đã phải âm thầm vận động và gây sức ép, đồng thời liên kết để tạo thị trường xuất khẩu cho sản phẩm.
Giai đoạn thập niên 1970 và 1980, các cơ quan nghiên cứu và đầu tư của Đài Loan đã lập ra ít nhất khoảng 18 công ty trong nhiều lĩnh vực khác nhau thuộc ngành công nghệ bán dẫn.
Tất cả những nỗ lực của lãnh đạo Đài Loan đã được đền đáp.
Lĩnh vực công nghệ của Đài Loan phát triển nhanh chóng, khẳng định vị thế của mình trên thế giới. Năm 2013, UMA là công ty lớn thứ 3 trong ngành bán dẫn với 10% thị phần. Công ty đứng đầu ngành bán dẫn thế giới năm 2013 đồng thời là công ty TSMC của Đài Loan, một công ty khác được thành lập bởi các cơ quan đầu tư và nghiên cứu do chính quyền Đài Loan lập ra.
Thành tích này được duy trì cho đến hiện tại, thống kê năm 2015 cho thấy trong số 20 tập đoàn/công ty ngành bán dẫn lớn nhất thế giới có đến 3 công ty Đài Loan, còn lại chủ yếu là Nhật, Mỹ và Hàn Quốc, những nước đã đi trước Đài Loan rất lâu trong lĩnh vực này.


Theo Tri Thức Trẻ/CafeF

Trở về

Bài cùng chuyên mục