tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

VAMC khó đủ đường xử lý 200.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua

  • Cập nhật : 08/10/2015

(Tai chinh)

Nhiều tổ chức tín dụng thậm chí không cần VAMC xử lý nợ xấu đã bán, hay khách hàng không muốn bán tài sản đảm bảo, bởi lẽ bán cũng không được vay thêm và lại mất phương tiện sản xuất.

chu tich vamc nguyen quoc hung

Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng

Tại Hội thảo 3 năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng tổ chức chiều này 5/10/2015, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 424,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012).

Trong đó xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chiếm 41,3%, còn lại do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu từ mức 17,21% vào thời điểm tháng 9/2012 về mức 3,21% tháng 8/2015. 

Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho biết, lũy kế từ 2013 đến 15/9/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu đạt 204.228 tỷ đồng tổng giá trị dư nợ gốc nội bảng, 177.722 tỷ đồng giá mua nợ.

don vi: ty dong, nguon: vamc

Đơn vị: tỷ đồng, nguồn: VAMC

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tại thời điểm cuối tháng 9/2015 là dưới 3% sẽ tiếp tục được duy trì đến cuối năm. Bởi lẽ, VAMC có kế hoạch mua 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay, nên kế hoạch từ đây tới cuối năm sẽ mua tiếp 18.000 tỷ đồng nợ xấu.

Ông Hùng khẳng định tất cả các khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo và tài sản đảm bảo đều có khả năng phát mại, khả năng xử lý khoản nợ là có cơ sở - tạo tiền đề cho năm 2016. Tuy nhiên, với con số nợ xấu đã mua, VAMC mới chỉ thực hiện thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo đạt 13.320 tỷ đồng. 

Vấn đề của VAMC là xử lý khối lượng khổng lồ trên 200.000 tỷ đồng
nợ xấu VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB).

Ông Hùng chỉ ra hàng loạt khó khăn trong việc xử lý thu hồi nợ. Bởi lẽ, TCTD vẫn phải chịu trách nhiệm như trích dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo (TSBĐ) thậm chí gánh chịu hậu quả nếu xảy ra thất thoát. Do vậy TCTD vẫn xác định quyền chủ nợ của họ sau 5 năm sẽ thu hồi, dẫn đến sự hợp tác không chặt chẽ, thậm chí không cần VAMC xử lý nợ xấu đã bán.

Trường hợp TCTD phối hợp với VAMC tiến hành thu giữ, TSBĐ của khách hàng vay đúng trình tự và thống nhất phương án thu giữ, phát mại TSBĐ. Tuy nhiên khách hàng không đồng ý bàn giao tài sản, không có mặt theo thời gian, địa điểm thu giữ, thậm chí có nhiều trường hợp khách hàng đã đi khỏi địa phương ... 

Trường hợp thu giữ được thì việc bán đấu giá gặp phải khó khăn như: Bên bảo đảm không hợp tác trong vấn đề thỏa thuận giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức định giá ... dẫn đến VAMC, TCTD không thể xử lý để thu hồi nợ. 

Khách hàng lợi dụng việc bán nợ cho VAMC để không hợp tác với TCTD, thậm chí có yêu cầu VAMC thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi trong khi không có phương án kinh doanh khả thi, không đáp ứng được điều kiện theo quy định. Điều này gây khó khăn và ảnh hưởng tới công tác thu hồi nợ theo ủy quyền của VAMC đối với TCTD. 

Ngay cả trường hợp khách hàng rất muốn bán tài sản để trả nợ TCTD, tuy nhiên sau khi bán tài sản, giá trị thu hồi không đủ trả nợ TCTD, khách hàng không còn nguồn lực để trả nợ TCTD. Vì vậy, khách hàng thường không chấp nhận định giá tài sản theo mức giá thị trường mà luôn yêu cầu phải đủ để trả nợ gốc và lãi.

Việc định giá khoản nợ đến nay chưa có quy định cụ thể, cơ sở đánh giá rất phức tạp. Trong khi khả năng của VAMC trong giai đoạn này chưa thể tự định giá để mua bán được khoản nợ. Vì vậy, VAMC sẽ rất khó thực hiện việc bán khoản nợ đảm bảo tiêu chí công khai minh bạch.

Rất nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng thực hiện việc mua nợ xấu qua VAMC. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật tại Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến mua bán và xử lý nợ, về sở hữu đất đai, về tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò còn hạn chế của VAMC trong việc quyết định các vấn đề về bán nợ, bán TSBĐ ..., các nhà đầu tư chỉ mới tiếp cận để tìm hiểu bước đầu mà chưa chính thức đặt vấn đề cụ thể. 
 
Quan trọng nhất, hiện nay Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu. Như vậy VAMC mua nợ xấu của các TCTD nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ 3a nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ. 

Từ năm 2016, do toàn bộ nợ xấu của từng TCTD đã về mức cho phép là 3% và NHNN sẽ không cần phải yêu cầu các TCTD bán nợ xấu cho VAMC, quan hệ giữa VAMC và TCTD là bình đẳng giữa hai doanh nghiệp để thực hiện mua và bán nợ.

Như vậy, sau thời gian tập trung mua nợ bằng TPĐB, VAMC đặt mục tiêu hàng đầu trong triển khai công việc từ năm 2016 là tập trung toàn lực vào việc xử lý nợ (bán nợ, bán tài sản...) và mua nợ theo giá thị trường đối với những khoản nợ xấu mới phát sinh, hạn chế dần việc mua nợ bằng TPĐB.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục