Khi lãi suất liên NH giảm, báo hiệu thanh khoản của NH tốt, thì câu chuyện giảm lãi suất cho vay lại được đặt ra một lần nữa. Tuy nhiên, các NH cho rằng, rất khó để giảm lãi suất, bởi mặc dù thanh khoản tốt nhưng các NH lại đang triển khai thực hiện các quy chuẩn về an toàn vốn chặt chẽ hơn, rồi trích lập dự phòng rủi ro cho việc xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, lãi suất huy động vẫn đang phải giữ ổn định để đảm bảo nguồn tiền gửi an toàn…
Nhiều ngân hàng chi “thưởng đậm” dịp 2/9?
- Cập nhật : 01/09/2016
(Ngan hang)
Dịp Lễ Quốc khánh năm nay, nhiều người bàn tán khá xôn xao về việc các cán bộ ngân hàng lại được thưởng lớn, có ngân hàng 2 tháng lương, 1 tháng lương, có ngân hàng thưởng hàng chục triệu đồng...
Câu chuyện thưởng cho nhân viên vào các dịp Lễ trong năm như 30/4, 2/9, Tết Dương lịch, Tết âm lịch rất rầm rộ trong những năm trước, nhất là thời kỳ 2012 trở về trước, nhưng vài năm trở lại đây thì có phần…hẻo lánh hơn. Sở dĩ như vậy là bởi kinh tế khó khăn khiến cho kết quả hoạt động của ngân hàng cũng giảm sút, bên cạnh việc họ còn phải dành lợi nhuận để xử lý nợ xấu.
Trong các dịp lễ, trừ Tết, các ngân hàng hiện vẫn thưởng cho người lao động, nhưng ít ngân hàng tính bằng đơn vị tháng lương, mà chủ yếu tính bằng đơn vị triệu đồng hay vài trăm nghìn đồng mang tính chất hỗ trợ, động viên. Thưởng thường chỉ được nhắc nhiều mỗi khi Tết đến Xuân về.
Nhưng dịp Lễ Quốc khánh năm nay, nhiều người bàn tán khá xôn xao về việc các cán bộ ngân hàng lại được thưởng lớn. Chẳng hạn như ở ngân hàng A., mức chia thưởng cho nhân sự 6 tháng trở lên (bao gồm cả lãnh đạo là thành viên HĐTV, ban kiểm soát, ban lãnh đạo) là 10 triệu đồng/người, nhân sự dưới 6 tháng được hưởng 5 triệu đồng/người. Hay như ở ngân hàng V. là 2 tháng lương, ngân hàng S., ngân hàng M., ngân hàng C. là 1 tháng lương…
Còn thực hư thế nào? Trao đổi với chúng tôi, Phó Tổng giám đốc của một ngân hàng có quy mô dưới 5.000 nhân sự cho rằng, việc thưởng đối với người lao động dịp 2/9 không có gì lạ. “Ngân hàng làm ăn tốt họ vẫn duy trì thưởng để động viên người lao động là chuyện bình thường và nên làm”, ông nói.
Vị sếp ngân hàng cho biết thêm, như ở ngân hàng ông thưởng Tết cho toàn bộ nhân viên là 1 tháng lương, gọi là lương tháng 13. Còn ở bộ phận kinh doanh họ quyết toán kinh doanh thì người lao động được thêm một vài tháng lương tùy mức độ hoàn thành KPI như thế nào. Nói là thưởng nhưng thực chất đó cũng chỉ là phần lương của người lao động để lại mà thôi.
Riêng dịp Lễ 2/9, ông cho biết cán bộ nhân viên được thêm vào lương tháng 8 là 1 triệu đồng/người gọi là động viên tinh thần.
Trên mạng xã hội mấy ngày qua đang lan truyền một công văn được cho là thưởng Tết ở Agribank với mức thưởng 10 triệu đồng/người với chữ ký của Phó Tổng giám đốc. Với quy mô hơn 40.000 nhân sự thì “ông lớn” này sẽ chi ra khoảng 400 tỷ đồng để thưởng cho nhân viên.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, một cán bộ của ngân hàng S. cho biết cũng có thông báo của các "sếp" về việc sẽ có thưởng 1 tháng lương, nhưng đến chiều 31/8 vẫn chưa thấy tiền về.
Trong khi đó, ở ngân hàng lớn C. – được cho là mỗi nhân sự 1 tháng lương dịp 2/9, thì một cán bộ của ngân hàng lại xác nhận là không có chuyện đó, có chăng chỉ các nhân sự lâu năm hoặc có chức vụ, nhân viên như chị chỉ được hưởng…1 triệu đồng.
Ở một số ngân hàng khác, xác nhận của người viết với cán bộ đang công tác, phần lớn đều cho biết dịp Lễ này họ được hỗ trợ thêm 500 – 1 triệu đồng vào lương tháng 8, và cũng có gần chục ngân hàng nói không nhận được gì. Hầu hết mọi người đều cảm thấy vui vẻ vì đã quen với việc không được chia thưởng dịp này, tất cả chỉ trông chờ vào Tết âm lịch.
Câu chuyện lương, thưởng trong ngân hàng chưa bao giờ hết “hot” vì ai cũng cho rằng làm ngân hàng thì nhiều tiền, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Các ngân hàng đều công bố ra ngoài mức lương hàng chục triệu đồng/tháng nhưng đó chỉ là mức bình quân chung, thực tế vẫn có hàng nghìn lao động đang hưởng lương trên dưới 5 triệu đồng mỗi tháng...
Theo quy định của Bộ Luật Lao động 2012, về tiền lương, theo Điểm đ Khoản 1 Điều 115 người lao động được nghỉ và hưởng nguyên lương vào ngày 2/9.
Nếu người lao động đi làm vào ngày 02/9 thì tiền lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày (Tổng tiền lương được hưởng là 400% tiền lương của ngày bình thường).
Còn theo Điểm c Khoản 1 Điều 97 Bộ luật Lao động 2012, trường hợp người lao động làm thêm vào ban đêm vào ngày 02/9/ sẽ được hưởng thêm 90% tiền lương của ngày bình thường (Tổng tiền lương được hưởng là 490% tiền lương của ngày bình thường).
Lưu ý, mức tiền lương trên là mức ít nhất mà người sử dụng lao động trả cho người lao động. Người sử dụng lao động được khuyến khích trả lương cao hơn mức qui định của luật.
Về tiền thưởng, theo Khoản 1 Điều 103 Bộ luật Lao động 2012 thì người sử dụng lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động để quyết định thưởng cho người lao động. Khoản tiền thưởng dịp Quốc khánh 2/9 của người lao động là không bắt buộc và do người sử dụng lao động quyết định.