tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Mua bán nợ xấu theo giá thị trường: Đường thông, nhưng cần cả hè thoáng

  • Cập nhật : 14/09/2015

(Tin kinh te)

Nhiều ý kiến nhận định, những quy định mới tại Thông tư 14 sẽ giúp VAMC rộng đường mua bán nợ xấu theo giá thị trường, đẩy nhanh quá trình xử lý triệt để nợ xấu.

Cửa đã mở…

Gần 5 tháng sau khi Nghị định 34 ra đời, NHNN đã ban hành Thông tư 14 quy định thêm một số điều về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC, nhằm cụ thể hóa những thay đổi tại Nghị định trên. Có tới hơn 30 điểm thay đổi của Thông tư này so với Thông tư 19 và được đánh giá khá tích cực, tạo điều kiện cho VAMC mua bán nợ xấu hiệu quả hơn.

Điểm nổi bật nhất đó là quy định việc VAMC mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường bằng phát hành trái phiếu (TP) trực tiếp cho TCTD bán nợ xấu. Như vậy, các TCTD đã có thêm lựa chọn bán nợ xấu cho VAMC.

Chưa kể, TP mới này linh hoạt và có ưu thế hơn nhiều so với TPĐB. Hệ số rủi ro của TP là 0%, trong khi của TPĐB là 20% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của TCTD. Nếu nhận nợ bằng TPĐB, TCTD phải trích lập DPRR tối đa 20% thì đối với TP này họ không phải trích lập.

tctd da co them lua chon ban no xau cho vamc

TCTD đã có thêm lựa chọn bán nợ xấu cho VAMC

Ngoài ra, tính thanh khoản của TP này tương đối cao khi được phép thế chấp vay tái cấp vốn NH, chuyển nhượng giữa các NH với nhau, thậm chí còn có thể dùng TP này mua lại nợ đã bán cho VAMC thanh toán bằng TPĐB.

Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng, quy định trên rất tốt đối với TCTD. Vì về cơ bản, nếu tài sản NH không phải trích lập DPRR coi như tương đương tiền. Như vậy, TP do VAMC phát hành trực tiếp được thừa nhận là công cụ được mặc định như tiền giúp TCTD linh hoạt trong quá trình sử dụng nguồn lực xử lý nợ.

Gia tăng tính thị trường và hấp dẫn đối với hoạt động mua bán nợ của VAMC qua những thay đổi chính sách trên là quan điểm của TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng CIEM. Nếu như trước đây, TCTD chỉ có một lựa chọn là bán nợ thanh toán bằng TPĐB và chỉ được thế chấp vay tái cấp vốn tại NHNN thì đối với TP này được chuyển nhượng giữa NHNN với các TCTD và giữa các TCTD với nhau. Với sự linh hoạt trong giao dịch trên,

TS. Thành cho rằng, nợ xấu mà các NH bán cho VAMC để đổi lấy TP mới có thể thu hồi được tốt hơn so với nợ xấu thanh toán bằng TPĐB.

Không chỉ hỗ trợ TCTD, theo TS. Thành, quy định mới còn tăng thêm quyền lực cho VAMC. Như VAMC được quyền cơ cấu, xem xét miễn giảm lãi, gia hạn thời hạn TP, như thời hạn TP này tối thiểu là 1 năm, nhưng trong trường hợp số tiền thu hồi nợ chưa đủ để thanh toán TP khi đến hạn thì VAMC được quyền gia hạn thời hạn đến 3 năm. Đối với TPĐB thì quyền quyết định thời hạn là NHNN.

Một điểm đáng chú ý tại Thông tư 14 là khi phát hành TP mua nợ trực tiếp của TCTD, VAMC phải trích lập DPRR khoản nợ đã mua từ TCTD và không thấp hơn 5%. VAMC mua khoản nợ theo giá thị trường thì trách nhiệm của VAMC sẽ phải cao hơn, vì theo kinh doanh lời hưởng lỗ chịu.

Giả dụ một khoản nợ giá trị gốc 100 tỷ đồng, VAMC mua lại với giá 50 tỷ đồng. Sau đó bán được 60 – 70 tỷ đồng, số tiền chênh lệch VAMC được hưởng. Nhưng nếu trong trường hợp thị trường khó khăn, VAMC chỉ bán được 40 tỷ đồng thì VAMC phải dùng quỹ DPRR để bù đắp khoản thiếu hụt đó.

Một quy định hoàn toàn mới khác được đưa vào Thông tư 14 đó là về quản lý ngoại hối trong hoạt động mua bán nợ của VAMC được đánh giá tích cực. Theo quy định, tất cả tổ chức, cá nhân trong nước và người không cư trú đều mua nợ bằng VND. Riêng đối với người không cư trú có thể trả nợ bằng ngoại tệ. Điều này tránh tạo áp lực lên tỷ giá khi mà thị trường mua bán nợ trở nên sôi động hơn.

Nhưng chưa dễ vào

Với những quy định mới tại Thông tư 14 nhiều ý kiến nhận định nó sẽ giúp VAMC rộng đường mua bán nợ xấu theo giá thị trường, đẩy nhanh quá trình xử lý triệt để nợ xấu. Không phủ nhận điều này, nhưng lãnh đạo VAMC cho rằng, việc mua nợ xấu theo giá thị trường hiện nay vẫn đang còn những vướng mắc.

Thứ nhất là nếu mua nợ xấu theo giá thị trường thì phải bán nợ xấu theo giá thị trường cho những đối tượng đủ điều kiện được phép mua nợ. Nhưng đối tượng trên đến thời điểm này rất hạn chế, mới chỉ có DATC, AMC của TCTD. Mà một khi thị trường chưa có, đối tượng lại bị bó hẹp khiến cho VAMC cũng chưa thể mạnh dạn thực hiện mua bán nợ theo giá thị trường.

Chưa kể, có thể VAMC mua khoản nợ xấu, bán tài sản đảm bảo thu hồi bảo toàn được phần vốn, nhưng phần nợ gốc không thể đảm bảo được thì lại chưa biết tính toán ra sao, biện pháp xử lý tiếp theo như thế nào đối với phần thiếu này.

Lãnh đạo VAMC lấy ví dụ dẫn chứng, một khoản nợ giá trị gốc 100 tỷ đồng, cộng với 50 tỷ đồng tiền lãi, tổng cộng là 150 tỷ đồng nhưng VAMC chỉ mua khoản nợ đó với giá 50 tỷ đồng và kế thừa toàn bộ giá trị khoản nợ đó.

Và giả dụ khoản nợ được bán với giá 70 tỷ đồng, VAMC lãi được 20 tỷ đồng, thì 30 tỷ đồng nợ gốc kia, VAMC có được phép xóa bỏ không, hay khách hàng vẫn phải tiếp tục trả nợ đến đồng vay cuối cùng? Nếu vậy thì vô hình trung, VAMC sẽ phải theo đuổi dai dẳng khoản nợ này. Còn nếu VAMC không nhận nợ tiếp thì phải có hành lang pháp lý bảo vệ ra sao nếu khách hàng không đồng tình xử lý dứt điểm khoản nợ đó do họ kỳ vọng tài sản đảm bảo bán được với giá cao hơn.

“Nếu dây dưa kéo dài như vậy không thể đẩy nhanh việc xử lý triệt để nợ xấu”, một chuyên gia nhận xét. Theo vị này, để VAMC mạnh dạn hơn trong việc mua bán nợ theo giá thị trường thì phải có quy định rõ khi VAMC bảo toàn được vốn thì họ có quyền xóa toàn bộ gốc và lãi cho khách hàng hay không. Để tránh sau này khi xử lý xong khoản nợ, khách hàng lại kiện ngược lại cán bộ VAMC do bán rẻ, gây thất thoát tài sản của họ.

Theo dự kiến ngay trong năm nay VAMC sẽ bắt đầu thí điểm phương án mua lại nợ xấu theo giá thị trường với mục tiêu ít nhất khoảng 500 - 700 tỷ đồng, để tạo đà cho năm 2016. Lãnh đạo VAMC tiết lộ, hiện Công ty đang đàm phán một khoản nợ hơn 30 triệu USD mà có đối tác sẵn sàng trả đủ gốc rồi nhưng còn trách nhiệm khoản lãi. VAMC phải đàm phán với TCTD để miễn giảm lãi cho khách hàng, nếu được thì mới có thể hoàn tất được giao dịch này.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục