tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Minh bạch hóa cho vay tiêu dùng

  • Cập nhật : 23/10/2015

(Tai chinh)

Các nhà kinh tế và các cơ quan hữu quan đã có những khuyến nghị để mở rộng thị trường tín dụng tiêu dùng và tăng khả năng tiếp cận tài chính cá nhân cho người dân.

Cho vay tiêu dùng những năm gần đây nở rộ, nhất là khi có sự tham gia của các công ty tài chính (CTTC) càng mở ra cơ hội cho người dân tiếp cận vốn mua sắm trả góp mà không cần có tài sản đảm bảo.

Theo đó, bên cho vay kết hợp với các nhà phân phối hàng hóa (hiện nay phần lớn là sản phẩm điện tử, điện máy, xe máy…) để tạo ra giá thành sản phẩm với chi phí thấp có sử dụng đòn bẩy tài chính tiêu dùng. Thế nhưng, thị trường tài chính tiêu dùng cá nhân vẫn còn mới mẻ với nhiều người dân và đâu đó vẫn còn có những tư vấn viên tại các điểm bán hàng hóa chưa giúp người tiêu dùng hiểu rõ về cách thức quản lý khoản vay đảm bảo an toàn trong chi tiêu hàng ngày.

Trong cuộc tọa đàm với chủ đề “Vay trả góp: Thêm minh bạch để bớt phiền hà” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 20/10 và CTTC Home Credit - một đơn vị đang dẫn đầu thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam đã cung cấp thêm những thông tin cho bạn đọc. Đồng thời các nhà kinh tế và các cơ quan hữu quan đã có những khuyến nghị để mở rộng thị trường tín dụng tiêu dùng và tăng khả năng tiếp cận tài chính cá nhân cho người dân.

Chuyên gia kinh tế, ông Lê Xuân Nghĩa

Cần có cơ chế hạ lãi suất

ong le xuan nghia

Ông Lê Xuân Nghĩa

Quan điểm của tôi là ủng hộ phát triển thêm các CTTC hoạt động tập trung vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Bởi trong bối cảnh hiện nay thì tín dụng tiêu dùng sẽ ngày càng phát triển mạnh. Khi các CTTC ngày một nhiều lên, họ sẽ cạnh tranh với nhau để đưa ra các sản phẩm tín dụng lãi suất bằng 0% thông qua việc kết hợp tiêu thụ các sản phẩm thương mại trong liên kết kinh doanh của mình với các nhà sản xuất. Từ đó người tiêu dùng có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn khi có nhu cầu bổ sung vốn mua các thiết bị như điện tử, điện máy…

Chính vì thế để khuyến khích được sự phát triển của hoạt động cho vay tiêu dùng trong nước thì cũng cần có cơ chế để làm sao giảm được lãi suất cho vay nhằm thu hút người dân vay vốn. Tuy nhiên, tôi cũng lo ngại về vấn đề lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC. Bởi hiện nay hầu hết các công ty đều cho vay với lãi suất dao động từ 39-49%/năm. Mức này là quá cao so với khả năng trả nợ của người đi vay, bởi chỉ cần sau 18-20 tháng là số tiền phải trả đã tăng lên gấp đôi so với số tiền vay được.

Trong thời gian tới, Chính phủ và NHNN nên tạo ra hành lang pháp lý theo hướng khuyến khích các CTTC tập trung vào hoạt động cho vay tiêu dùng với các món vay nhỏ, phục vụ cho đời sống xã hội. Những mô hình CTTC của các tập đoàn có chức năng điều chuyển vốn với chi phí thấp cho các công ty thành viên thì cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, bởi trước đây nhiều trường hợp CTTC có những khoản cho vay còn lớn hơn cả các NHTM dẫn đến các nguy cơ rủi ro về nợ xấu.

Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Người tiêu dùng TP.HCM, bà Phan Thị Việt Thu

Bắt buộc đăng ký hợp đồng mẫu

ba phan thi viet thu

Bà Phan Thị Việt Thu

Hợp đồng cho vay tiêu dùng của các CTTC vẫn bị người dân cho là khó hiểu, nhất là các điều khoản liên quan trực tiếp như hình thức trả nợ, mức gia giảm lãi suất theo kỳ hạn… Chính vì vậy, một mặt phía NHNN cần phải có quy định bắt buộc các TCTD cho vay tiêu dùng thực hiện áp dụng hình thức hợp đồng mẫu theo hướng dẫn chung của Nhà nước, mặt khác, bản thân các CTTC cũng phải nỗ lực cải thiện hồ sơ thủ tục để người dân bình thường đọc là có thể hiểu được các điều khoản của hợp đồng.

Thêm vào đó, ngay bản thân những người cán bộ tín dụng cho vay tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm giải thích rõ ràng với khách hàng những điều khoản của hợp đồng chứ không chỉ tập trung vào việc thuyết phục người dân vay vốn, còn những khó khăn có thể xảy đến trong thời kỳ vay thì lại không được nói rõ. Đến lúc có chuyện xảy ra dẫn đến kiện cáo vừa mất uy tín của bên cho vay vừa gây ra các phiền toái không đáng có cho người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng.

Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam, ông Friedrich Weiss

Cần giải pháp chuyên nghiệp cho thị trường

 ong friedrich weiss

 Ông Friedrich Weiss

Theo kinh nghiệm kinh doanh của Home Credit thì ở các thị trường có nền tài chính phát triển, Chính phủ sẽ ưu tiên lập ra các tổ chức bảo lãnh tín dụng nhỏ. Những tổ chức này sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ người dân, người kinh doanh nhỏ vay vốn với các điều kiện thuận lợi. Họ cũng sẽ giới thiệu hội viên của mình đến các CTTC để tiếp cận nguồn vốn vay.

Tuy nhiên, tại Việt Nam những tổ chức như thế này chưa phát triển. Vì thế cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp của thị trường tài chính tiêu dùng bằng cách hướng dẫn để người dân hiểu hơn về tín dụng tiêu dùng và hoạt động cho vay của các CTTC.

Riêng về Home Credit, hiện nay chúng tôi đã rất nỗ lực trong việc đơn giản hóa thủ tục tín dụng. Từ hợp đồng 17 trang giấy hiện nay chỉ còn ngắn gọn khoảng 8 trang. Chúng tôi cũng đã có những dự án mới nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, chẳng hạn như chương trình hủy hợp đồng bằng hoàn trả vốn vay.

Theo đó, khách hàng có thể hủy bỏ hợp đồng vay và chuyển sang hình thức mua thẳng món hàng trong vòng 14 ngày kể từ ngày ký hợp đồng nhưng không phải trả lãi hay cũng như bất kỳ khoản phí nào cho khoản vay của mình. Trong năm 2016 – 2017 chúng tôi dự kiến nâng tỷ lệ sản phẩm cho vay có lãi suất 0% lên 60-70% trên tổng số hợp đồng để tạo điều kiện tối đa cho khách hàng.

Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh

Sẽ kiến nghị giải quyết vướng mắc

ong nguyen hoang minh

Ông Nguyễn Hoàng Minh

Tôi đánh giá rằng hoạt động cho vay tiêu dùng nói chung và vay trả góp thông qua các NHTM, CTTC nói riêng trên địa bàn TP.HCM đang có nhiều cơ hội phát triển mạnh. Mặc dù, theo thống kê đến thời điểm này, dư nợ cho vay tiêu dùng của các TCTD trên địa bàn TP.HCM mới chỉ chiếm khoảng 6,8% tổng dư nợ, tuy nhiên hoạt động này đang có xu hướng tăng thêm.

Trong thời gian tới, để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD, góp phần minh bạch hóa thị trường tín dụng tiêu dùng, NHNN Chi nhánh TP.HCM sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp cơ bản:

Thứ nhất: tập trung công khai các thông tin về lãi suất, điều kiện vay vốn để tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân. NHNN sẽ phối hợp chỉ đạo các TCTD minh bạch về lãi suất và phương thức trả nợ theo hướng đơn giản hóa tối đa trong hợp đồng tín dụng để người vay vốn dễ tiếp cận hồ sơ, tránh các trường hợp hiểu lầm giữa người vay và bên cho vay.

Thứ hai: Tập trung mở rộng thêm mạng lưới các TCTD tại các khu vực vùng sâu vùng xa, các xã vùng ven TP.HCM để hỗ trợ cung ứng nguồn vốn cho vay tiêu dùng đến mọi tầng lớp nhân dân.

Thứ ba: Từ nay đến cuối năm 2015, NHNN sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 12 CTTC đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM. Trong đợt này NHNN sẽ kết hợp xử lý kiên quyết đối với các đơn vị có sai phạm trong hoạt động cho vay tiêu dùng, đồng thời sẽ phối hợp với các TCTD đưa ra một số kiến nghị chung nhằm giải quyết triệt để những vướng mắc trong cho vay tiêu dùng.

Thứ tư: Hiện nay NHNN Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư liên quan đến hoạt động tín dụng của các CTTC, vì thế NHNN Chi nhánh TP.HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống, đặc biệt là các CTTC đóng góp vào dự thảo này, sau đó sẽ tập hợp để hoàn thiện bản kiến nghị gửi NHNN nhằm hoàn thiện văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng theo hướng minh bạch, thuận tiện mà vẫn đảm bảo an toàn về vốn và tuân thủ các quy định của pháp luật về NH.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục