tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lợi thế khi đầu tư vào Quảng Ngãi

  • Cập nhật : 03/11/2017

Được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, nhà đầu tư yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Nhiều thuận lợi

Quảng Ngãi có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng kinh tế duyên hải miền Trung, với diện tích hơn 5 nghìn km2, dân số gần 1,3 triệu người. Với nhiều thuận lợi, tại địa phương có thể tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ du lịch, đặc biệt là kinh tế biển...

quang ngai - dia phuong co nhieu tiem nang de phat trien kinh te bien

Quảng Ngãi - địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển

Cụ thể, Quảng Ngãi có hệ thống giao thông khá đồng bộ, thông suốt với tuyến quốc lộ 1A nối liền Bắc Nam; hệ thống đường sắt Bắc Nam; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; quốc lộ 24 nối liền với khu vực Tây Nguyên và Nam Lào. Đặc biệt, Quảng Ngãi có Khu kinh tế (KKT) Dung Quất được quy hoạch với diện tích hơn 45 nghìn ha. Đây là một trong những KKT ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, đi kèm là nhiều chính sách ưu đãi.

Ngoài ra, cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100 nghìn tấn, cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa ở khu vực. Đến nay, KKT Dung Quất đã thu hút được nhiều “sếu đầu đàn”, những dự án đầu tư lớn như, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, công nghiệp nặng Doosan, gang thép Hòa Phát Dung Quất…

Ngoài KKT Dung Quất, còn có thể kể đến Khu phức hợp Công nghiệp, dịch vụ và đô thị VSIP là một trong những khu phức hợp kiểu mẫu đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư.

Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, với nhiều nỗ lực trong thời gian qua, địa phương đã từng bước phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh ven biển, tập trung đầu tư phát triển, nên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế - xã hội duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, hạ tầng công nghiệp, giao thông, đô thị được đầu tư nâng cấp mở rộng… nhằm thu hút đầu tư.

Bên cạnh những lợi thế sẵn có chính quyền địa phương đã luôn quan tâm, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Cụ thể hóa chủ trương bằng những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn. Song hành với đó, là những nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, đầu mối một cửa nhằm hỗ trợ nhà đầu tư một cách hiệu quả nhất.

Năm 2017, còn được Quảng Ngãi xác định là năm: “Đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp”…  Kết quả của nhiều nỗ lực, 10 tháng đầu năm 2017, Quảng Ngãi đã thu hút được hơn 88 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 74 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 6 dự án FDI với vốn đăng ký là  275 triệu USD.

Ngành Ngân hàng hỗ trợ

Đồng hành với các nhà đầu tư vào Quảng Ngãi, thời gian gần đây ngành Ngân hàng trên địa bàn đã và đang có nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực. Đến cuối tháng 10/2017, tổng dư nợ trên địa bàn ước đạt 37,1 nghìn tỷ đồng, so với cuối năm 2016 tăng 8,24%...

Ông Trần Luyện, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, trong thời gian qua các chi nhánh TCTD đã chủ động tiếp cận nắm bắt tình hình hoạt động của DN. Từ đó, có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho DN lẫn người dân tiếp cận nguồn vốn giá rẻ phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong đó, đặc biệt hỗ trợ các DN khởi nghiệp, DNNVV. Chỉ tính riêng dư nợ cho vay DNNVV ước đạt 7 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,87% tổng dư nợ, so với cuối năm 2016 tăng 4,1%. Về lãi suất, hiện mức lãi suất cho vay đối với DNNVV dao động từ 7% - 10,5%/năm. So với cuối năm 2016 mức lãi suất cho vay hỗ trợ DN giảm bình quân 0,5%. Việc giảm lãi suất cho vay đã tích cực hỗ trợ DN, người dân tiếp cận vốn ngân hàng thuận lợi, giảm bớt chi phí để tập trung vốn cho đầu tư mở rộng sản xuất.

Bên cạnh, các chi nhánh NHTM trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện chương trình kết nối NH - DN. Từ đầu năm 2017 đến nay, đã tổ chức 10 hội nghị đối thoại với DN, đã cam kết cho vay mới 147 DN với số tiền gần 3 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, các TCTD còn tích cực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, điều chỉnh giảm mức lãi suất các khoản cho vay cũ, giảm phí... Tất cả nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN, nhà đầu tư khi đầu tư vào vùng đất núi Ấn, sông Trà.

Vừa qua, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi năm 2017, Vietcombank Quảng Ngãi đã ký kết cấp tín dụng với chủ đầu tư của một số dự án lớn, tổng giá trị tín dụng lên đến hàng chục triệu USD. Trong đó, có thể kể đến các dự án lớn như, Nhà máy sản xuất vải Xindadong TEXTILES - Dung Quất, Trung tâm thương mại và Siêu thị Hùng Cường Big C, Chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức…

Bà Phạm Thị Thúy Kiều, Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi cho biết, những năm gần đây nguồn vốn của chi nhánh đã đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên ở địa phương. Trực tiếp hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, góp phần giúp họ yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút đầu tư. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cùng với nỗ lực của ngành Ngân hàng chính quyền địa phương cần tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư.

Đặc biệt là việc tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư cũng như hoạt động của các TCTD.

Trên thực tế hiện nay, việc hỗ trợ vốn cho các nhà đầu tư vào Quảng Ngãi vẫn đang gặp những khó khăn, do sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Bên cạnh, địa phương cũng cần xác định rõ các ngành, sản phẩm có thế mạnh trên thị trường để có chiến lược thu hút đầu tư phù hợp.

Đồng thời, tăng cường phối hợp, kết nối với các tỉnh, thành lân cận, trong việc hoạch định các định hướng và chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Có như vậy các nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi không chỉ được hưởng những lợi thế riêng có của địa phương mà còn của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, vốn đang rất nhiều tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư.

Trở về

Bài cùng chuyên mục