Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong việc mua bán, sáp nhập…còn Chính phủ đang điều chỉnh thể chế cho phù hợp để vốn chảy về "vũng trũng".
Giám đốc điều hành VinaCapital: Chính sách tỷ giá mới không gây biến động lớn trên thị trường vốn
- Cập nhật : 12/01/2016
(Tai chinh)
Theo ông Andy Hồ, khối ngoại đã bán ròng trong thời gian qua nhằm tái sắp xếp các danh mục đầu tư phù hợp với các yếu tố vĩ mô như đồng USD mạnh lên, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất hay các biến động của nhà đầu tư; một số khác phản ánh các hoạt động quản lý danh mục theo chu kỳ của các quỹ ETF.
Chính sách tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được nhận định là sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có dư nợ vay USD cao qua đó sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư; các nhà đầu tư nước ngoài phải tốn thêm chi phí quản lý rủi ro tỷ giá.
Tuy nhiên, là một nhà đầu tư nước ngoài lâu năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam, VinaCapital và đại diện của họ không đồng tình với quan điểm đó.
Ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư, Tập đoàn VinaCapital trong phần trao đổi với chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đã có nhiều kinh nghiệm giảm thiểu rủi ro để bảo vệ vốn đầu tư của họ.
Thưa ông, chính sách tỷ giá mới của NHNN Việt Nam được cho sẽ mang đến thách thức cho các nhà đầu tư nước ngoài trong quản lý rủi ro biến động tỷ giá, và gây bất lợi cho những doanh nghiệp vay USD cao, gián tiếp ảnh hưởng đến kết quả đầu tư của các nhà đầu tư chứng khoán. Ông có đồng tình với quan điểm này không?
Tôi lại không cho là như vậy.
Với cơ chế tỷ giá trung tâm, nhà đầu tư có thể theo dõi sát các biến động của tiền đồng (VND) mỗi ngày, từ đó có thể nắm bắt định hướng của NHNN và điều chỉnh các khoản đầu tư một cách phù hợp.
Nhà đầu tư nước ngoài đã có ít nhiều kinh nghiệm về các chiến lược giảm thiểu rủi ro để bảo vệ vốn đầu tư.
Còn về phía nhà đầu tư trong nước, tôi nghĩ họ nên sử dụng nhiều hơn loại hình giao dịch ngoại hối kỳ hạn để giải quyết các nhu cầu về đồng USD trong tương lai.
Kết quả giao dịch những phiên gần đây cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn (bán ròng) ra khỏi những mã cổ phiếu có dư nợ vay USD lớn, phải chăng đây là phản ứng của thị trường trước thông tin điều chỉnh chính sách tỷ giá của NHNN?
Trước khi chính sách tỷ giá mới được thực thi, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng nhằm tái sắp xếp các danh mục đầu tư cho phù hợp với các yếu tố vĩ mô khác, như đồng đô la Mỹ (USD) mạnh lên trên thị trường toàn cầu, FED tăng lãi suất hay các biến động của Nhân dân tệ (NDT). Một số đợt bán cổ phiếu lại phản ánh các hoạt động quản lý danh mục theo chu kỳ của các ETF.
VinaCapital không cho rằng những động thái trên hàm chứa ý nghĩa đặc biệt nào cả.
Theo ông, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào kiều hối và các dòng vốn vào (FDI, FII), chính sách tỷ giá trung tâm và quyết định thu phí người gửi USD tại ngân hàng (nếu có) có khiến cho dòng ngoại hối vào Việt Nam trong thời gian tới bị sụt giảm không?
Chúng tôi tin rằng Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với giới đầu tư toàn cầu về cả đầu tư trực tiếp và đầu tư tài chính.
Trong năm 2015, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI – bao gồm cả lượng giải ngân thực tế và những cam kết đầu tư mới) tăng đáng kể so với năm trước.
Triển vọng tham gia TPP đã mang lại cho Việt Nam khá nhiều dự án và chúng tôi tin rằng con số này sẽ tiếp tục tăng khi hiệp định này được các nước thành viên phê chuẩn và thực thi.
Bên cạnh chính sách tỷ giá trung tâm đã được áp dụng nhưng không gây biến động lớn trên thị trường vốn.
Việc thu phí gửi USD vẫn chỉ là dự định của NHNN nhằm chống đô la hóa nền kinh tế, tạo thêm lợi thế cho đồng nội tệ.
Nếu áp dụng thu phí ngoại tệ thì kiều hối có thể giảm nhưng số giảm còn phụ thuộc vào mức phí thực tế.
Ở thời điểm hiện tại, chênh lệch lãi suất tiền gửi của đồng USD và VND khoảng 5-6%, nếu mức phí này chỉ 1% thì cũng không tác động nhiều đến lợi thế của đồng nội tệ.
Đó là lý do chúng tôi tin các dòng vốn ngoại sẽ không bị ảnh hưởng xấu từ những dự định về mặt chính sách nêu trên.
Cám ơn ông!