tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Còn hơn 17.000 tỷ đồng phải thoái khỏi “ông lớn” nhà nước

  • Cập nhật : 29/09/2015

(Tin kinh te)

Trong 4 tháng cuối năm 2015 số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư cần phải thoái tiếp là  hơn 17.000  tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với 20 tháng đã thực hiện trước đó.

 

Ông Trần Văn Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, lũy kế năm 2014 và 8 tháng 2015 (tính đến 19/8), các đơn vị đã thoái được hơn 8.000 tỷ đồng. Như vậy, số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư cần phải thoái tiếp đến cuối năm 2015 là  hơn 17.000  tỷ đồng.

Theo ông Hiền kết quả trên chưa đáp ứng với yêu cầu của đề án tái cơ cấu theo Quyết định 929/QĐ-TTg do các nguyên nhân chủ yếu như:

Thứ nhất, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới ảnh hưởng đến kinh tế trong nước trong đó có thị trường tài chính, thị trường chứng khoán làm nhu cầu sụt giảm, sức mua thấp trong khi số lượng cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa và thoái vốn nhiều dẫn đến cung vượt cầu.

Do đó, kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các doanh nghiệp cổ phần hóa cũng như thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt được kế hoạch đề ra.
Thứ hai, từ năm 2011-2013, khi bắt đầu thực hiện đề án tái cơ cấu thì còn một số Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn.

Thứ ba, nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội, còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa, thoái vốn.
 
Trước một số ý kiến cho rằng việc cho phép bán cổ phần theo lô do bán nhanh với lượng cổ phần lớn dễ dẫn đến thất thoát vốn nhà nước, ông Hiền cho biết, việc bán theo lô tạo điều kiện cho doanh nghiệp thoái vốn thuận lợi hơn, nhà đầu tư có thể mua với lượng cổ phần lớn hơn. 
Số lượng cổ phần của một lô không thấp hơn 5% vốn điều lệ của công ty cổ phần. Bán cổ phần theo lô phải thực hiện đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán.

Trường hợp các nhà đầu tư cùng trả mức giá bằng nhau cho một lô cổ phần thì thực hiện chào bán cạnh tranh theo hình thức bỏ phiếu kín...
"Như vậy, dù bán theo lô với lượng cổ phần lớn, nhưng vẫn đảm bảo công khai, minh bạch để tránh thất thoát vốn nhà nước", ông Hiền nhấn mạnh.

Ông Hiền cũng cho biết, trước đây, nhà đầu tư băn khoăn vì chỉ mua được lượng cổ phần nhỏ lẻ, không đủ quyền để tham gia điều hành, để nâng cao hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, chuyển giao ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hiện nay, nhà đầu tư được mua với số lượng cổ phần lớn theo lô miễn là nhà đầu tư tham gia mua cổ phần theo lô phải có năng lực tài chính, có cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp, có phương án tiếp tục sử dụng lao động hiện có, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục