tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cẩn trọng với chính sách lãi suất tiền gửi đô la Mỹ

  • Cập nhật : 05/04/2017

Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng đô la Mỹ thêm 0,25% hồi giữa tháng 3 vừa qua. Đây là lần tăng thứ tư kể từ tháng 12-2015, trong khi trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức 0%.

Điều này đang làm người ta lo ngại là dòng vốn ngoại tệ sẽ được người gửi rút ra gây áp lực lên tỷ giá. Thậm chí có ý kiến cho rằng phải sớm nâng trần lãi suất đô la Mỹ. Tuy nhiên, cần cẩn trọng cân nhắc cán cân lợi - hại của việc tăng lãi suất.

Hiện chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa tiền đồng và đô la Mỹ khá cao, từ 5-8% tùy theo kỳ hạn, trong khi mức độ mất giá tiền đồng những năm gần đây chỉ từ 1-3%, do đó, người gửi tiền đồng vẫn đảm bảo mức sinh lời ổn định. Chưa có thống kê nào cho thấy dòng vốn đô la được rút ra vì nguyên nhân chênh lệch lãi suất là bao nhiêu, nhưng với chính sách kiểm soát chặt chẽ sự ra vô của dòng vốn ngoại tệ, có thể tin rằng lượng vốn ngoại tệ không dễ chảy sang các thị trường khác.

Nếu tăng lãi suất tiền gửi đô la Mỹ như luồng ý kiến đề cập ở trên, mức chênh lệch lãi suất được co hẹp, có thể kích thích dòng tiền gửi cá nhân đảo ngược từ tiền đồng sang đô la. Đối với khu vực doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể quay trở lại găm giữ tiền gửi ngoại tệ thay vì bán đô la để gửi tiền đồng nhằm hưởng lãi suất tốt hơn. Nhưng động lực này xuất hiện trong trường hợp chênh lệch lãi suất co hẹp còn khoảng 3% và doanh nghiệp kỳ vọng tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng sẽ tăng thêm 3% hoặc hơn. Khi đó, nguồn cung ngoại tệ sẽ trở nên khan hiếm, tạo áp lực phải điều chỉnh tỷ giá.

Còn nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn muốn duy trì mức chênh lệch lãi suất thì sẽ phải nâng lãi suất tiền đồng. Điều này càng gây áp lực lên lãi suất cho vay tiền đồng trong khi NHNN vẫn định hướng giảm hoặc ít nhất phải ổn định lãi suất cho vay.

Với quan điểm tăng lãi suất đô la Mỹ để ngăn chặn dòng vốn rút ra, câu hỏi đặt ra: tăng bao nhiêu là đủ? Hiện lãi suất cơ bản đồng đô la ở Mỹ ở mức 0,75-1%, nếu Việt Nam tăng lên bằng mức 1% thì cũng không đủ sức hấp dẫn mà còn gây áp lực tức khắc lên các doanh nghiệp đang vay đô la, kế tiếp là lên cả doanh nghiệp đang vay tiền đồng, như đã nói.

Ngoài ra, việc tăng trần lãi suất đô la là đi ngược lại chính sách chống đô la hóa mà NHNN theo đuổi, trong đó có việc duy trì chuyển dịch vay gửi ngoại tệ sang mua đứt bán đoạn. Thông tư 31/2016/TT-NHNN cũng chỉ cho phép doanh nghiệp xuất khẩu được vay đô la Mỹ đến hết năm nay, sau đó có thể sẽ phải chuyển sang mua đứt bán đoạn. Đến thời điểm đó, nhu cầu huy động đô la cũng sẽ không còn, vậy liệu có cần phải tăng lãi suất?

Cũng cần biết rằng nhu cầu nắm giữ đô la Mỹ của đại bộ phận dân chúng chủ yếu là để đa dạng hóa kênh tài sản chứ không phải nhằm gửi tiết kiệm lấy lãi. Dòng vốn đầu tư vào Việt Nam cũng chủ yếu là vốn đầu tư dài hạn vào các tài sản, dự án thực hay mua bán cổ phần chứ không phải để gửi ngân hàng kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất. Trước đây, ở giai đoạn 2007-2008, khi lãi suất tiền gửi đô la tại Việt Nam cao hơn Mỹ thì có dòng vốn kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade) trên thị trường. Nhưng với mức chênh lệch lãi suất thu hẹp đáng kể từ năm 2013 trở lại đây, dòng vốn này đã suy giảm, nếu còn thì khi vào Việt Nam cũng được chuyển thành tiền đồng để hưởng lãi suất cao hơn.

Do đó, luận điểm cho rằng tăng lãi suất tiền gửi đô la Mỹ để giữ dòng vốn nước ngoài cũng không phù hợp, ngược lại, có thể khuyến khích tình trạng đầu tư, găm giữ ngoại tệ quay trở lại vì vừa được hưởng lãi vừa kỳ vọng tỷ giá được điều chỉnh. Khi đó, cầu ngoại tệ lên cao gây áp lực điều chỉnh tăng tỷ giá, điều mà các nhà đầu tư vào Việt Nam không ưa thích chút nào.

Theo Hồ Lê - TBKTSG

Trở về

Bài cùng chuyên mục