tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thế kẹt của Trung Quốc với đồng nhân dân tệ

  • Cập nhật : 16/01/2016

(Tai chinh)

Bắc Kinh đang phải trả giá đắt cho các động thái nhằm nâng vị thế đồng nhân dân tệ, khi việc này lại châm ngòi cho làn sóng rút vốn ra khỏi Trung Quốc.

Chẳng cần phải là một chuyên gia tài chính, ai cũng có thể hiểu lãi suất lên gần 70% là điều không bình thường. Khi triển vọng của Trung Quốc ngày càng u ám và dòng vốn rút ra mạnh, giá nhân dân tệ (NDT) gần đây liên tục lao dốc. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã tuyên chiến với tình trạng này từ đầu tháng 1, khi chỉ đạo các nhà băng quốc doanh mua lượng lớn NDT tại Hong Kong (Trung Quốc) để đẩy giá lên, đồng thời hạn chế bán khống.

Việc này đã khiến NDT tại Hong Kong đột ngột khan hiếm, đẩy lãi suất vay qua đêm tại đây lên 66,82% hôm 12/1 - gấp 10 lần bình thường. Dù vậy, lãi suất này đã về 8% ngay ngày hôm sau.

Michael Every - Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Tài chính tại Rabobank Group đã gọi đây là sự tăng lãi suất "chết người" và dự báo kết cục với giới chức Trung Quốc sẽ không tốt đẹp. Các ngân hàng trung ương "thường chỉ thắng một hiệp trong những trận đấu thế này thôi, và hết trận thì vẫn là thua", ông cho biết.

Từ khi lên nhậm chức năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình vẫn chưa tìm ra cách đối phó với thị trường. Có lúc, họ cho phép thị trường tự do biến động. Nhưng lúc khác lại cố can thiệp, như cơ chế tự ngắt giao dịch trên sàn chứng khoán tuần trước.

trung quoc dang phai doi mat voi nhieu van de kinh te. anh: reuters

Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế. Ảnh: Reuters

Một trong những câu hỏi lớn với kinh tế toàn cầu năm 2016 là ông Tập sẽ làm gì để ngăn dòng vốn rút ra. Có một cách là giúp nước này trở nên hấp dẫn hơn với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Điều này có nghĩa họ phải giảm kiểm soát lãi suất, dừng cho vay các doanh nghiệp quốc doanh và chính quyền địa phương đang rất nặng nợ. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi Chính phủ phải nới lỏng kiểm soát nền kinh tế và gây thiệt hại cho nhiều tổ chức vốn từ lâu được ưu ái.

Thắt chặt kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến tham vọng của Trung Quốc, muốn sánh ngang với Mỹ trên thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên, nó sẽ giúp họ tránh được những biến động không thể kiểm soát trên thị trường tài chính toàn cầu.

Một số nhà quan sát Trung Quốc cho rằng câu hỏi về đường hướng của ông Tập đã được trả lời rồi. "Trung Quốc sẽ ngày càng gần gũi với phần còn lại của thế giới. Quan điểm của ông Tập là Trung Quốc ở trung tâm của kinh tế thế giới, nhưng không nhất thiết phải mở cửa với cả thế giới, hoặc chịu tổn thương từ tình hình bên ngoài", Alicia Garcia-Herrero - Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis Asia nhận xét.

Ông Tập dường như cũng nhận ra mình đang phải trả giá đắt cho việc đồng NDT có uy tín trên thị trường. Từ tháng 10 này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ đưa NDT vào rổ tiền dự trữ, cùng USD, euro, yen và bảng. Để được đưa vào nhóm này, Trung Quốc đã phải chứng minh đồng NDT "được tự do sử dụng". Việc này buộc họ giảm rào cản đầu tư, cho phép dòng vốn rút ra, từ đó lại khiến giới lãnh đạo thêm đau đầu.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ước tính năm 2015, khoảng 478 tỷ USD sẽ rút khỏi Trung Quốc. Trong báo cáo mới sẽ công bố tháng này, con số trên có thể còn lớn hơn.

Bị rút vốn chưa chắc đã là điều xấu. Nó chỉ đơn giản là hình ảnh phản chiếu của thặng dư thương mại mà thôi. Khi Trung Quốc chọn USD, euro, bảng hay ringgit thu được từ hàng xuất khẩu để mua tài sản nước ngoài, tức là họ đang chuyển vốn ra nước ngoài rồi. Rất nhiều thương vụ nước ngoài như thế này đã giúp củng cố cả về chính trị và kinh tế cho Trung Quốc.

Vấn đề hiện tại là số tiền muốn rút ra nhiều hơn số muốn đổ vào. Năm ngoái, IIF ước tính Trung Quốc có hơn 250 tỷ USD đổ vào nhờ thặng dư tài khoản vãng lai. Cộng với đó là 70 tỷ USD vốn ròng từ công dân ngoại quốc, trong đó có chi nhánh nước ngoài của công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng vốn rút ra từ các cá nhân và công ty tại Trung Quốc lại lên kỷ lục 550 tỷ USD.

Trong báo cáo hồi tháng 9 năm ngoái, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã nghiên cứu một công ty đa quốc gia Trung Quốc điển hình. Họ tìm ra rằng trong những năm bùng nổ, một công ty như thế này đã đi vay lãi suất gần 0% tại Mỹ và châu Âu, đổi sang NDT, rồi đầu tư vào các công cụ lãi suất cao ở Trung Quốc. Còn giờ đây, họ đang làm ngược lại, vay NDT và đổi sang ngoại tệ.

Đây chính là thách thức lớn với Chính phủ Trung Quốc. Hồi tháng 10, IIF dự báo Chính phủ Trung Quốc cần bán hơn 220 tỷ USD dự trữ ngoại hối năm ngoái để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ. Con số thực tế có thể lên tới gần 500 tỷ USD. Kho dự trữ của nước này đã xuống còn 3.300 tỷ USD. "Theo tình hình nợ nước ngoài, thương mại và quản lý ngoại hối của Trung Quốc, họ cần khoảng 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối thì mới dễ thở được", Hao Hong - chiến lược gia Trung Quốc tại Bocom International Holdings cho biết.

Các nhà kinh tế cho rằng ông Tập đang gặp phải bộ ba bất khả thi.Theo đó, một quốc gia không thể đạt được đồng thời ba mục tiêu - chính sách tiền tệ linh hoạt, tự do lưu chuyển vốn và tỷ giá cố định. Ngay khi Trung Quốc bắt đầu tự do hóa dòng vốn, họ sẽ phải từ bỏ một trong 2 mục tiêu còn lại. Nếu muốn ngăn NDT mất giá, họ sẽ phải nâng lãi suất vượt quá mức hợp lý cho kinh tế trong nước. Còn nếu muốn giữ lãi suất như ý, họ sẽ phải để NDT lao dốc.

Ông Tập sẽ không dễ dàng chấp nhận thua cuộc trên thị trường tài chính thế giới. Đó là một lý do giới phân tích cho rằng ông sẽ thoát khỏi tình trạng này bằng cách khôi phục vài biện pháp kiểm soát vốn.

Garcia-Herrero - nhà kinh tế học tại Natixis dự báo việc cho phép chuyển tiền hoặc trữ tiền tại nước ngoài sẽ dần bị hạn chế trong tương lai. Các sáng kiến như One Belt, One Road (Một vành đai, một con đường) nhằm biến Trung Quốc thành trung tâm thương mại của châu Á sẽ không gặp vấn đề về huy động vốn. Nhưng những khoản đầu tư không thực sự phục vụ lợi ích quốc gia sẽ khó được thông qua.

Kevin Yan - nhà phân tích tại Stratfor cũng cho rằng xu hướng trong ngắn hạn là Trung Quốc sẽ đóng cửa với thế giới. Nhưng về dài hạn, ông tỏ ra khá lạc quan. "Họ sẽ đóng rồi lại mở ấy mà. Nhưng xu hướng sẽ vẫn là tích cực, có lẽ sẽ là trong 5-10 năm tới", ông nói.

(Theo Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục