tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thách thức lớn nhất của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới là gì?

  • Cập nhật : 05/11/2017

Lạm phát giờ đang ở mức quá thấp, chính vì vậy các Ngân hàng Trung ương sẽ phải cực thận trọng.

chu tich fed janet yellen - anh: marketwatch

Chủ tịch Fed Janet Yellen - Ảnh: MarketWatch

 

10 ngày gần đây, các tờ báo và hãng truyền hình lớn nhất thế giới đồng loạt đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lựa chọn ông Jerome Powell vào vị trí chủ tịch Fed. Dù là ai đi nữa, lên làm chủ tịch Fed ở thời điểm này sẽ đối diện với quá nhiều thách thức. 

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dưới sự quản lý của chủ tịch Fed, bà Janet Yellen, sẽ tiếp tục nâng lãi suất cơ bản đồng USD vào tháng Mười hai năm nay. 

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng bảng Anh lần đầu tiên trong một thập kỷ. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã thông báo về kế hoạch giảm bớt tốc độ mua trái phiếu trong năm 2018.

Như vậy, chỉ duy nhất Ngân hàng Trung ương Nhật đứng ngoài cuộc chơi thắt chặt chính sách tiền tệ, tất cả các Ngân hàng Trung ương lớn khác trên thế giới đang bắt đầu quá trình đảo ngược định hướng chính sách tiền tệ khi nền kinh tế có nhiều dấu hiệu tăng trưởng ổn định. 

Deustche Bank AG tính toán rằng ở hiện tại, số lượng các nền kinh tế suy thoái đang thấp kỷ lục trong lịch sử. 

Tuy nhiên, không có nghĩa mọi chuyện đều đã ổn. Lạm phát giờ đang ở mức quá thấp, chính vì vậy các Ngân hàng Trung ương sẽ phải cực thận trọng. 

Hai tuần qua, người đứng đầu các Ngân hàng Trung ương thế giới đang nói gì về kinh tế thế giới:

Lần đầu tiên từ tháng Một năm 2015, Fed khẳng định kinh tế Mỹ hiện đang ổn định, nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng nhấn mạnh kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng tốt. Nhiều chuyên gia kinh tế khi được Bloomberg phỏng vấn đã nâng gấp ba lần dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay.

Bối cảnh kinh tế tăng trưởng như vậy sẽ giúp cho các Ngân hàng Trung ương có thêm điều kiện để thắt chặt chính sách tiền tệ. Dù vậy, lạm phát thấp sẽ vẫn là vật cản lớn buộc các Ngân hàng Trung ương phải thận trọng. 

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ nói đến việc điều chỉnh chính sách tiền tệ dần dần trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và dự kiến sẽ không thể nâng lãi suất cơ bản đồng euro cho đến tháng Một năm 2019 dù từ trước đó ECB đã giảm một nửa lượng trái phiếu mua vào.

Nhiều chuyên gia dự báo Ngân hàng Trung ương Anh sẽ nâng lãi suất hai lần trong ba năm tới, Ngân hàng Trung ương Canada cùng lúc đó chắc chắn sẽ phải thận trọng sau khi nâng lãi suất trong tháng Bảy và tháng Chín. Trong ngày thứ Năm tuần vừa rồi, Ngân hàng Trung ương Séc cũng đã nâng lãi suất cơ bản nhưng họ khẳng định sẽ làm chậm lại đà tăng trong năm sau.

Ngoại trừ Anh, tại tất cả các nền kinh tế phát triển còn lại, lạm phát đang đều dưới mức mục tiêu. Trong khi thị trường việc làm cải thiện, số lượng việc làm tăng lên, mức lương lại chỉ tăng rất thấp. 

Chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Ngân hàng Trung ương Anh, ông Andrew Haldane, khẳng định việc mức lương tăng thấp là một trong những bài toán khó nhất mà các Ngân hàng Trung ương đang đối đầu. ECB cũng khẳng định chưa có dấu hiệu nào cho thấy tăng trưởng mức lương sẽ sớm lên cao. 

Cùng lúc đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Kuroda cũng cho biết ông cảm thấy khó lý giải hiện tượng này, chính vì vậy vô cùng khó thuyết phục cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng tin rằng lạm phát sẽ tăng cao hơn trong tương lai. 

Dù vậy, người đứng đầu các Ngân hàng Trung ương vẫn đang hy vọng việc thị trường lao động tốt lên sẽ sớm giúp cho giá cả tăng cao. Ngân hàng Trung ương Anh hy vọng tăng trưởng mức lương sẽ đạt trung bình 3% trong ba năm tới.

TRUNG MẾN
Theo Bizlive.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục