tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nhân dân tệ mất giá: Rủi ro dòng vốn tháo chạy

  • Cập nhật : 01/06/2016

(Tin kinh te)

Công ty chứng khoán Gao Hua thuộc ngân hàng Goldman Sachs vừa đưa ra nhận định rằng thời kỳ “trăng mật” của tỷ giá hối đoái Trung Quốc đã kết thúc, khi đồng tiền nước này đối mặt với một giai đoạn giảm giá mới so với USD. Điều này đã thổi bùng lên nguy cơ của một cuộc tháo chạy dòng vốn ra khỏi Trung Quốc.

nhan dan te mat gia: rui ro dong von thao chay

Nhân dân tệ mất giá: Rủi ro dòng vốn tháo chạy

Theo chuyên gia kinh tế Trung Quốc Song Yu đến từ Gao Hua, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang có những động thái rõ ràng hơn để chuẩn bị cho lần tăng lãi suất tiếp theo trong tháng 6 này, song song với những áp lực buộc NHTW Trung Quốc (PBoC) tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vẫn hiện hữu, đang khiến luồng tiền có xu hướng tiếp tục chảy khỏi “Đại lục”.

Tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ (NDT) so với USD đã giảm 1,3% trong tháng 5 vừa qua. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách của PBoC trong tuần trước đã phải thiết lập tỷ giá giao dịch hàng ngày ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

dien bien ty gia dong ndt va bien dong dong von ra

Diễn biến tỷ giá đồng NDT và biến động dòng vốn ra

Xu hướng giảm giá mạnh của đồng NDT so với USD trong thời gian gần đây đang làm dấy lên sự lo ngại trong giới đầu tư. Quan ngại ngày càng sâu sắc về khả năng xáo động trên thị trường tiền tệ có thể nghiêm trọng như những gì đã xảy ra hồi tháng 8 năm ngoái, khi Trung Quốc đột ngột phá giá mạnh đồng nội tệ, và một lần nữa là vào đầu tháng 1 năm nay khi thị trường tài chính toàn cầu có nhiều biến động.

Tuy nhiên theo giới phân tích, hiện tại việc dòng vốn tháo chạy có thể sẽ không gây nên cú “choáng váng” như những lần trước.

Theo ông Song, những kinh nghiệm có được từ các cuộc khủng hoảng dòng vốn diễn ra nửa cuối năm trước và đầu năm nay đã khiến chính phủ Trung Quốc phải sử dụng một số biện pháp, công cụ cũng như đưa thêm các quy định để hạn chế dòng vốn tự do chảy ra khỏi nước này.

Các biện pháp mới đây nhất được đưa ra bao gồm tăng cường kiểm soát chuyển tiền ra nước ngoài; kiềm chế nguồn cung NDT trên thị trường hải ngoại; hạn chế hoạt động mua ngoại tệ của các công ty; tạm ngừng một số nghiệp vụ của ngân hàng ngoại; ngừng cấp hạn ngạch đầu tư ra nước ngoài; trì hoãn kết nối thị trường chứng khoán Thâm Quyến; kiểm soát chặt chẽ thẻ ghi nợ UnionPay và triệt phá hệ thống ngân hàng ngầm.

Có thể nói, việc thắt chặt kiểm soát nói trên đã đánh dấu sự đảo chiều chính sách sau nhiều năm nới lỏng để khiến NDT được sử dụng rộng rãi hơn trên thế giới, giành được vị thế đồng tiền dự trữ trong giỏ tiền tệ của IMF (SDR). Và với việc thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp như vậy, tình trạng rút vốn tại Trung Quốc cho đến thời điểm hiện nay đã chậm lại so với năm 2015.

Theo dự báo mới nhất của Viện Tài chính quốc tế IIF, năm 2016 các nhà đầu tư quốc tế sẽ rút 538 tỷ USD tại Trung Quốc, do tăng trưởng kinh tế của nước này đã chậm lại. Trong năm ngoái, dòng vốn đầu tư nước ngoài bị rút khỏi Trung Quốc lên tới 674 tỷ USD. Như vậy, dòng vốn đầu tư nước ngoài dự báo bị rút khỏi Trung Quốc năm nay ít hơn 1/5 so với năm ngoái.

Tuy nhiên, IIF cũng cảnh báo trong trường hợp xuất hiện tình trạng NDT mất giá mạnh, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy khỏi Trung Quốc sẽ tăng tốc và đây chính là điều mà các nhà đầu tư đang lo ngại. Theo tính toán của Goldman Sachs, NDT cứ giảm giá 1% thì có thêm 100 tỷ USD tháo chạy khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, bất chấp một loạt giải pháp được thực thi, nhưng vẫn còn nhiều “khe hở” khiến dòng vốn tiếp tục rò rỉ.

Hiện tại, giới có tiền tại Trung Quốc đã nghĩ ra hàng loạt kế sách để chuyển USD ra nước ngoài một cách gần như hợp pháp. Một trong những biện pháp đang rất thịnh hành là thuê người mang hộ. Theo luật hiện hành, mỗi người Trung Quốc có quyền mang tối đa 50.000 USD tiền mặt mỗi năm khi xuất ngoại. Do vậy, chỉ cần nhờ được 50 người là ai đó đều có thể chuyển 2,5 triệu USD ra khỏi biên giới Trung Quốc một cách hợp pháp. 

Các cách chuyển tiền trá hình khác còn là mua bảo hiểm nhân thọ bằng ngoại tệ, mua bất động sản hay mua công ty tư nhân ở nước ngoài. Riêng đối với các DN, một “mánh” khác được áp dụng khá phổ biến là khai báo lượng hàng xuất khẩu thấp hơn thực tế, yêu cầu đối tác nước ngoài thanh toán số hàng khai báo trên giấy tờ vào tài khoản chính của DN tại Trung Quốc, còn phần dôi ra thì trả vào tài khoản mà công ty Trung Quốc đã mở ở nước ngoài…

Xét về hậu quả, một cuộc tháo chạy dòng vốn mới sẽ khiến chi phí vay nợ bằng ngoại tệ của các DN Trung Quốc tiếp tục gia tăng, khiến các quỹ đầu tư toàn cầu giảm nhu cầu đầu tư vào đồng NDT, cũng như làm gia tăng hoạt động đầu cơ.

Tình trạng này khiến PBoC phải mất thêm chi phí bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá, khiến quỹ dự trữ ngoại hối sụt giảm mạnh với tốc độ chưa từng có, từ mức trên 4 nghìn tỷ USD năm 2014 xuống hiện còn 3,2 nghìn tỷ USD.

Trong những tháng sắp tới, lượng ngoại tệ dự trữ sụt giảm được dự báo với tốc độ còn nhanh hơn thế, có thể xuống mức chỉ còn 2,7 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay và khoảng 2 nghìn tỷ USD vào năm sau đó.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc áp dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát lượng ngoài tệ chuyển ra nước ngoài của Trung Quốc không phải là giải pháp cho tình trạng dòng vốn tháo chạy.

Các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc đa phần là vì những lý do ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, như kinh tế giảm tốc, giá nhân công tăng lên đáng kể và những điều kiện kinh doanh ngày càng khó khăn.

Vấn đề là phải làm sao trấn an được các nhà đầu tư về khả năng kinh tế Trung Quốc khởi sắc trở lại. Chỉ có cách này mới giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tránh được tình trạng “chảy máu” vốn.




Minh Đức
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục