tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Có dễ 'khai tử' tờ 100 USD?

  • Cập nhật : 22/02/2016

(Tin kinh te)

100 USD là mệnh giá giấy bạc phổ biến nhất nước Mỹ. Song tờ tiền in hình ông Benjamin Franklin là giấy bạc có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất, có thể theo con đường mà tờ 500 EUR đang đi.

to bac 100 usd - anh: newmoney.gov

Tờ bạc 100 USD - Ảnh: NewMoney.gov


Ngân hàng Trung ương châu Âu cách đây không lâu cho hay họ đang xem xét loại bỏ giấy bạc euro có mệnh giá cao nhất là tờ 500 EUR, tương đương 558 USD.
Giờ đây, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence H. Summers kêu gọi một thỏa thuận giữa các cơ quan tiền tệ toàn cầu nhằm ngưng phát hành các loại giấy bạc có giá trị hơn 50 USD hoặc 100 USD. Theo kế hoạch của ông Summers, tờ tiền in hình chính trị gia Benjamin Franklin không biến mất ngay tức thì nhưng nó sẽ không còn được in thêm, theo The Wall Street Journal.
“Tôi cho rằng loại bỏ những tờ tiền đang lưu hành là bước đi quá xa. Song một lệnh cấm in các giấy bạc có mệnh giá cao sẽ giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn”, ông Summers viết tại mục Wonkblog của tờ The Washington Post. Báo cáo gần đây của một nhóm học giả tại Đại học Harvard cho rằng việc loại bỏ giấy bạc mệnh giá cao, chẳng hạn như tờ 1.000 franc Thụy Sĩ, 500 EUR hay 100 USD, sẽ làm giảm tham nhũng, làm khó những kẻ muốn trốn thuế, khủng bố, buôn bán ma túy, buôn người hay phạm tội tài chính.
Trang web của Bộ Tài chính Mỹ cho hay chính phủ hiện “chưa có kế hoạch thay đổi mệnh giá sử dụng hiện nay”. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thì từ chối bình luận về vấn đề này.
Việc loại bỏ giấy bạc mệnh giá lớn không phải là ý tưởng mới. Năm 1986, khi Bộ Tài chính Mỹ đổi giấy in tiền, giúp nó khó bị làm giả hơn, Thị trưởng New York Edward Koch đã kêu gọi Tổng thống Ronald Reagan loại bỏ loại tờ tiền 100 USD nhằm chống lại bọn buôn lậu ma túy.
Dù thế, loại bỏ giấy bạc có giá trị cao khá đặc biệt trong kỷ nguyên lãi suất âm hiện nay. Nhiều nhà kinh tế cho rằng khả năng thực hiện chính sách lãi suất tiêu cực của các ngân hàng trung ương bị cản trở bởi khả năng nắm giữ tiền mặt. Ngay cả  ở Thụy Sĩ, nhà băng vẫn không áp dụng lãi suất âm với các khách hàng gửi tiền lẻ vì lo sợ họ sẽ rút tiền. Điều này làm giảm hiệu quả của biện pháp đưa lãi suất xuống dưới 0.
Tuy nhiên, lãi suất vẫn có thể phần nào tiêu cực vì chuyện giữ và bảo đảm một lượng lớn tiền mặt là một việc làm tốn kém. Nếu việc giữ tiền mặt càng đắt đỏ thì lãi suất sẽ càng có khả năng chìm sâu hơn, và lãi suất âm sẽ càng có khả năng chuyển qua cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Loại bỏ giấy bạc mệnh giá cao sẽ gia tăng chi phí, gây khó khăn cho việc tích trữ tiền mặt.

Có dễ để xóa sổ tờ 100 USD?
thiet ke moi cua to 100 usd chinh thuc duoc luu hanh tu nam 2013 - anh: reuters

Thiết kế mới của tờ 100 USD chính thức được lưu hành từ năm 2013 - Ảnh: Reuters

Lần cuối cùng Mỹ kiểm soát chặt các giấy bạc có giá trị lớn là vào năm 1969, khi Fed và Bộ Tài chính ngừng phát hành tờ bạc mệnh giá 500 USD, 1.000 USD, 5.000 USD và 10.000 USD. Mỹ ngưng phát hành các loại giấy bạc trên nhưng chúng vẫn còn hợp pháp. Tính đến năm 2015, lượng tiền mặt ghi mệnh giá như trên có tổng giá trị khoảng 300 triệu USD dù hiện nay chúng thường chỉ như các món đồ sưu tập.
Loại bỏ tờ 100 USD bây giờ sẽ là một thử thách khó hơn hẳn. Có khoảng 1.380 tỉ USD giá trị đô la Mỹ lưu thông trong nền kinh tế toàn cầu tính đến cuối năm 2015. Trong số này, 1.080 tỉ USD là tổng giá trị của các tờ bạc mệnh giá 100 USD. Nói cách khác, hiện có khoảng 10,8 tỉ tờ tiền 100 USD hiện diện trên khắp thế giới.
Sự phổ biến của tờ 100 USD đã và đang tăng đáng kể trong những thập niên gần đây. Dù thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và ngân hàng trực tuyến ngày càng phát triển, nhu cầu giấy bạc vẫn tăng nhanh hơn cả nền kinh tế Mỹ nói chung. Fed cho biết có ít nhất một nửa tiền tệ Mỹ được các nước trên thế giới nắm giữ.
Tuy có một phần nhỏ đang được sử dụng với mục đích phạm pháp, đồng bạc xanh vẫn được các quốc gia sử dụng khi họ đối mặt với khủng hoảng tiền tệ, hay khi công dân nhiều nước muốn tìm kiếm nơi an toàn để tích trữ tài sản. Nhà kinh tế thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ruth Judson cho hay nhu cầu thế giới đối với tiền tệ Mỹ tăng vọt thời Liên bang Xô Viết sụp đổ và giai đoạn khủng hoảng tài chính ở Argentina, Đông Nam Á.

Khi thế giới không còn tiền mặt 
Phần lớn các hoạt động bất hợp pháp được thực hiện trót lọt hơn nhờ có tiền mặt liên quan đến chuyện trốn thuế nhiều hơn là buôn bán ma túy, mại dâm. Loại hoạt động này được mệnh danh là “kinh tế ngầm” hay “nền kinh tế xám”. Về bản chất, nhiều hoạt động như sơn sửa ngôi nhà, nhận tiền tip tại nhà hàng không hề phạm luật. Song thực hiện chúng bằng giao dịch tiền mặt giúp chuyện né thuế trở nên đơn giản hơn.
Báo cáo công bố năm 2011 của hai nhà kinh tế Richard Cebula và Edgar Feige cho thấy có khoảng 18% đến 19% thu nhập chịu thuế ở Mỹ không được báo cáo, làm chính phủ thất thu gần 500 tỉ USD.
Vẫn chưa rõ các hoạt động kể trên sẽ giảm hay biến mất ra sao nếu tờ 50 USD và 100 USD bị “khai tử”. Loại bỏ toàn bộ tiền mặt được cho là sẽ khiến người dân khó né báo cáo thu nhập hơn vì mọi giao dịch đều được ghi nhận trên nền tảng điện tử.
Dù khá cực đoan, loại bỏ tiền mặt chính xác là điều mà nhà kinh tế Đại học Harvard Kenneth Rogoff và nhà kinh tế thuộc hãng tài chính Citigroup Willem Buiter đề xuất. Trong báo cáo công bố năm ngoái, ông Rogoff kêu gọi xóa bỏ các loại tiền giấy để chống tội phạm, hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc đẩy lãi suất về dưới 0. 
Chuyên gia nghiên cứu James McAndrews tại Fed ở New York cũng lập luận rằng một thế giới không tiền mặt sẽ giúp các ngân hàng trung ương dễ dàng đi sâu hơn dưới ngưỡng 0, vì người dân sẽ tìm đến các quỹ tương hỗ, nộp thuế sớm và sử dụng tín dụng thương mại để giữ giá trị tài sản lúc tránh lãi suất âm. Một số chuyên gia khác thì cho rằng tội phạm sẽ phải chuyển sang dùng tiền ảo, chẳng hạn như bitcion, nếu ý tưởng xài đô la Mỹ không còn khả thi.


Thu Thảo
Theo Thanh Niên

Trở về

Bài cùng chuyên mục