tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Các nước bán mạnh tài sản nợ nắm giữ của Mỹ

  • Cập nhật : 19/03/2016

(Tin kinh te)

Trong một nỗ lực để tăng hút về tiền mặt, các chính phủ và NHTW trên thế giới đã bán ra tổng cộng khoảng 57,2 tỷ USD trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ vào tháng 1 vừa qua, cao hơn mức 48 tỷ USD vào tháng 12/2015 và cũng là tháng bán ra cao nhất kể từ năm 1978.

cac nuoc ban manh tai san no nam giu cua my - anh minh hoa

Các nước bán mạnh tài sản nợ nắm giữ của Mỹ - ảnh minh họa

Xu thế này là sự tiếp nối chuỗi bán ra kéo dài trong thời gian vừa qua. Cụ thể, trong năm 2015, các NHTW đã bán ra tổng cộng 225 tỷ USD TPCP Mỹ. Câu hỏi đặt ra là các NHTW thu về tiền mặt để làm gì? Theo giới phân tích, nguồn tiền bán TPCP Mỹ chủ yếu được sử dụng để kích thích nền kinh tế nội địa trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu suy giảm và biến động giảm của giá dầu tiếp tục tác động mạnh đến nhiều nền kinh tế.

Đơn cử là Trung Quốc, nước đã bán ra một số khoản nợ nước ngoài mà họ đang nắm giữ để bơm tiền vào nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, đồng nội tệ giảm giá và TTCK đang rất dễ bay hơi. Theo Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và nước này đã bán ra 8,2 tỷ USD TPCP Mỹ trong tháng 1 vừa qua. Con số thực tế có thể còn lớn hơn bởi Trung Quốc cho biết nước này đã bán ra tới 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong tháng 1 vừa qua.

Trong khi đó với những nước bị ảnh hưởng tiêu cực của giá dầu mỏ giảm sút trong vài tháng vừa qua, thì họ đã phải dùng nguồn tiền mặt có được từ bán TPCP Mỹ để khỏa lấp một phần nào các lỗ hổng ngân sách. Các nước như Na Uy, Mexico, Canada và Colombia đều đã quyết định cắt giảm mức nắm giữ TPCP Mỹ trong tháng 1 vừa qua sau khi giá dầu thô sụt giảm xuống dưới mức 30 USD/thùng.

Giới phân tích cho rằng, việc nhiều NHTW liên tục bán ra TPCP Mỹ chủ yếu vì nền kinh tế của họ đang cần tiền mặt chứ không phải bởi “con nợ” Mỹ đang có vấn đề. “Nền kinh tế Mỹ dường như đang bước trên đôi chân vững chắc hơn” -Sharon Stark, chiến lược gia về thu nhập cố định tại D.A. Davidson nhận định.

Đây chính là lý do vì sao dù có nhiều NHTW bán ra nhưng tổng số nợ Mỹ mà các nước nắm giữ thực tế vẫn tăng trong tháng 1, đạt mức 6,18 nghìn tỷ USD. Nhu cầu từ các NĐT toàn cầu tiếp tục ở mức cao cùng với việc một số nước tăng cường thêm TPCP Mỹ vào dự trữ ngoại hối là những yếu tố chính đóng góp vào con số này.

Thực tế, hiện Mỹ có thể vay vốn toàn cầu ở mức giá thấp hơn so với hồi đầu năm nay. Lợi tức TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở mức 1,99%, giảm mạnh so với mức gần 3% của hai năm trước đây. Các chuyên gia cho rằng, hai nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhu cầu đối với TPCP và các giấy tờ có giá của Mỹ vẫn tăng.

Đầu tiên là những bất ổn trong thị trường tài chính toàn cầu đã làm tăng nhu cầu trú ẩn vào các tài sản nợ an toàn như TPCP Mỹ. Bên cạnh đó, việc nhiều NHTW các nước như Nhật Bản, châu Âu… đang áp dụng lãi suất âm để kích thích kinh tế cũng phần nào làm cho việc nắm giữ các tài sản nợ của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn.


Đỗ Phạm
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục