tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phương thuốc nào để điều trị “trận ốm” nợ xấu?

  • Cập nhật : 04/03/2016

(Tin kinh te)

Nếu ví dòng tín dụng như huyết mạch trong cơ thể thì nợ xấu như những cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu. Thách thức xử lý nợ xấu với nhiều câu hỏi được đặt ra: Mô hình xử lý nợ xấu nào phù hợp cho Việt Nam? Tiền ở đâu xử lý nợ xấu?

phuong thuoc nao de dieu tri “tran om” no xau?

Phương thuốc nào để điều trị “trận ốm” nợ xấu?

Một đứa trẻ lớn lên luôn phải trải qua những trận ốm vỡ da vỡ thịt để cơ thể đủ sức thích ứng với môi trường sống. Đó là quy luật tự nhiên. Quy luật ấy không chỉ đúng với những thăng trầm của đời người mà cũng rất đúng với nền kinh tế. Nền kinh tế thế giới hiện đại cũng đã trải qua những “trận ốm vỡ da vỡ thịt” như cuộc khủng hoảng thừa 1929 - 1933, cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973 – 1974, khủng hoảng nợ công ở Mỹ và EU.... Sau mỗi “trận ốm” đó, kinh tế thế giới lại phát triển với một trình độ cao hơn.

Qua gần 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã phát triển liên tục với tốc độ cao mà mô hình phát triển theo chiều rộng dựa trên tăng trưởng vốn đầu tư, nhân công và tài nguyên giá rẻ… Có những giai đoạn tăng trưởng quá nóng (2007 – 2010), các doanh nghiệp và người dân đổ xô đi vay tiền hòng kiếm lời từ bong bóng bất động sản và chứng khoán, khiến cầu tín dụng bùng nổ, kéo theo cầu tiêu dùng và cầu đầu tư tăng mạnh nhưng tích lũy của nền kinh tế lại rất thấp, trong khi khả năng quản lý và giám sát chưa theo kịp. Hệ lụy của mô hình tăng trưởng này chính là “trận ốm” nợ xấu trong hệ thống tín dụng ngân hàng. Nếu ví dòng tín dụng như huyết mạch trong cơ thể thì nợ xấu như những cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu. Thách thức xử lý nợ xấu với nhiều câu hỏi được đặt ra: Mô hình xử lý nợ xấu nào phù hợp cho Việt Nam? Tiền ở đâu xử lý nợ xấu?

Thế giới đã dùng phương thuốc nào để điều trị “trận ốm” nợ xấu? Hãy xem xét mô hình xử lý nợ xấu của một số nước trong khu vực sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Thái Lan đã thành lập Công ty quản lý tài sản Thái Lan (TAMC) với số vốn ban đầu là 01 tỷ Baht chủ yếu từ phát hành trái phiếu thời hạn 10 năm do FIDF bảo lãnh để mua lại nợ xấu theo giá trị tài sản bảo đảm. TAMC được trao quyền hạn pháp lý đặc biệt để đơn phương sửa đổi các điều khoản cho vay, thực hiện chuyển đổi nợ - vốn cổ phần và tịch thu tài sản bên vay nợ mà không cần sự đồng ý của bên vay nợ hoặc tòa án. Tỷ lệ nợ xấu của Thái Lan đã giảm từ mức cao kỷ lục 46% trên tổng dư nợ tín dụng vào cuối năm 1997 xuống gần 13% năm 2003, 10% năm 2004 và không quá 4% trong Quý 4/2011. TAMC chấm dứt hoạt động năm 2011.

Malaysia thành lập Công ty quản lý tài sản Quốc gia (Danahara) nhằm mua đứt nợ xấu, xử lý nhanh và để chúng tự hồi phục theo điều kiện kinh tế. Danaharta có những đặc quyền như mua lại tài sản của các tổ chức tài chính; bổ nhiệm lãnh đạo của các tổ chức nợ; và tịch biên tài sản thế chấp. Danaharta tiếp nhận nợ xấu theo giá thị trường thông qua phát hành trái phiếu không phải trả lãi trong 5 năm do Chính phủ bảo lãnh. Nguồn quỹ để mua lại nợ xấu là 15 tỷ Ringgit, trong đó, 10 tỷ Ringgit từ phát hành trái phiếu phi lãi suất; 1,5 tỷ do Chính phủ hỗ trợ, và phần còn lại vay thị trường trong nước. Từ năm 1998 – 2000 Danahara đưa nợ xấu của Malaysia về khoảng 8% từ con số 28%. Danaharta chấm dứt hoạt động năm 2005.

Hàn Quốc thành lập Quỹ công chúng và Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO). Quỹ công chúng được huy động vốn qua phát hành trái phiếu của KAMCO và Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc do Chính phủ bảo lãnh với số vốn huy động 58 tỷ USD. Mục đích của Quỹ là mua những khoản nợ xấu của các tổ chức tài chính, xử lý thông qua việc bán lại, phát hành chứng khoán có đảm bảo, hoán đổi nợ - vốn chủ sở hữu, tái cơ cấu nợ và tái tài trợ nợ cho các công ty gặp khó khăn tạm thời. Tỷ lệ thu hồi nợ xấu của Quỹ đạt 87%, đồng thời Quỹ lại sử dụng tiền thu hồi được này để tiếp tục mua các khoản nợ xấu. KAMCO mua lại các khoản nợ xấu từ các TCTD, phân loại các tài sản đó thành 2 loại: thông thường (khả năng thanh toán không chắc chắn) và đặc biệt (giảm lãi suất, kéo dài thời gian cho các khoản nợ xấu mà các công ty đang trong quá trình tái tổ chức). Sau đó, KAMCO sẽ bán cho các nhà đầu tư thông qua đấu giá hoặc phát hành chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp dựa trên các khoản nợ xấu đã mua. KAMCO đã thành công trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu từ 16,9% vào năm 1998 xuống còn 2,8% vào năm 2001.

Indonesia thành lập Cơ quan quản lý tài sản (AMU) trực thuộc Cơ quan tái cấu trúc ngân hàng (IBRA) có nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ để mua nợ xấu từ các ngân hàng và tái cấp vốn. Các ngân hàng được phân loại theo 3 nhóm dựa trên tỷ lệ vốn tối thiểu CAR (nhóm có CAR <-25% buộc đóng cửa; nhóm có CAR > 4% được tiếp tục hoạt động và phải tăng CAR lên 8%; nhóm có CAR từ -25% đến 4% được đưa vào chương trình tái cấp vốn để đạt mức 4% với điều kiện ngân hàng góp 20% và Chính phủ góp 80% vốn). IBRA đã tiếp nhận tổng cộng 600 nghìn tỷ Rupiah giá trị tài sản của các ngân hàng bị phá sản hoặc yếu kém. Ngoài ra, do tỷ lệ nợ nước ngoài cao, khoảng 60% tổng số nợ, Chính phủ thành lập Cơ quan tái cấu trúc nợ (INDRA) trực thuộc NHTW nhằm giúp các tổ chức phi ngân hàng giải quyết các khoản nợ nước ngoài bằng cách INDRA đóng vai trò trung gian để đàm phán và thực hiện thanh toán từ đồng Rupiah sang USD giữa người vay và chủ nợ.

Dường như việc thành lập công ty quản lý tài sản mà nguồn vốn được lấy một phần từ NSNN hoặc/và huy động từ công chúng là liều thuốc đặc trị được các Chính phủ các nước tin dùng. Và phương thuốc này tỏ ra rất hiệu quả ở các nước đã đề cập ở trên. Nhưng đặc thù ở Việt Nam, liệu có phù hợp không trong bối cảnh NSNN còn hạn chế, nợ công của Chính phủ tiến gần tới giới hạn cho phép? Và nhất là đối với công luận – ai ai cũng phản ứng dữ dội trước ý tưởng dùng NSNN, tức tiền đóng thuế của người dân để giải quyết nợ xấu, có nghĩa là TCTD huy động tiền của 90 triệu người để kinh doanh với độ rủi ro cao và kỳ vọng lợi nhuận cao nhưng chính 90 triệu người dân lại là người gánh hậu quả. Đây là bài toán khó tìm lời giải, thế nhưng “cái khó ló cái khôn”, thành lập VAMC và quan trọng hơn, phương thức hoạt động của VAMC chính là “cái khôn”, là sự sáng tạo của Chính phủ và NHNN.

VAMC ra đời và hoạt động theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung theo Nghị định 34/2015/NĐ-CP. Vượt qua những ồn ào của dư luận, những hoài nghi của các tổ chức quốc tế, đến nay VAMC được xem như là “liều thuốc đặc trị” của Chính phủ để góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý. Điều này thể hiện rõ nét qua bản chất hoạt động của VAMC:

- Giải quyết gốc rễ của vấn đề: Cũng giống như một căn bệnh trong cơ thể, đau ở đâu thì phải trị tận gốc ở đó. Nợ xấu xuất phát từ đâu thì cần phải giải quyết ngay từ chính gốc rễ nơi phát sinh ra nó. Theo đó, NHTM là nơi cho vay phải dùng tối đa nguồn lực tài chính của mình để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu trước khi bán cho VAMC. Khi đã bán cho VAMC nhưng đến hết kỳ hạn cho phép (5 năm) mà vẫn chưa xử lý được thì sẽ chuyển giao lại cho NHTM, nghĩa là người chịu trách nhiệm sau cùng vẫn là NHTM.

- Vấn đề thanh khoản: Khi thực hiện bước ở trên sẽ dẫn tới nguy cơ mất thanh khoản, là điều tối kỵ trong hoạt động ngân hàng. Và trái phiếu đặc biệt của VAMC ra đời giải quyết vấn đề này. NHTM dùng trái phiếu đặc biệt của VAMC để vay tái chiết khấu Ngân hàng Nhà nước, từ đó NHTM củng cố được năng lực chi trả, duy trì hoạt động bình thường.

Giải pháp trên không dùng tiền NSNN để xử lý nợ xấu, mà chính công cụ tái cấp vốn thông qua trái phiếu đặc biệt VAMC trở thành nguồn lực gián tiếp trợ giúp NHTM vượt qua “trận ốm”, có ý nghĩa như “cho cần câu hơn là cho con cá”. Đây mà mô hình giải quyết nợ xấu sáng tạo mà chưa có nước nào trên thế giới thực hiện mà hiệu quả của mô hình là minh chứng rõ ràng nhất. Đến cuối năm 2015, VAMC đã mua được 220.000 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, đưa nợ xấu toàn hệ thống về dưới 3%. Có thể khẳng định xử lý nợ xấu đồng bộ với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là điểm sáng và là một bộ phận không tách rời của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua.

Hạn chế nào?

Mô hình VAMC là liều thuốc đặc trị nhưng cũng có “tác dụng phụ” đối với một cơ thể là nền kinh tế còn non trẻ. Hãy nhìn nhận xem “tác dụng phụ” đối với từng thành phần trong mô hình này như thế nào?

Đối với chính VAMC: VAMC hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không có áp lực thua lỗ nên thiếu nỗ lực trở lên tốt hơn, thiếu động lực xử lý nợ xấu, tâm lý không xử lý được thì trả lại cho NHTM mà đến lúc trả lại thì “nợ càng xấu thêm”, thực tế đến nay số lượng nợ xấu được xử lý là một con số khá khiêm tốn.

Đối với các NHTM: một số NHTM không muốn bán nợ xấu cho VAMC bởi nhiều lý do. Có thể kể đến như VAMC chỉ mua những nợ xấu có tài sản đảm bảo, NHTM sẽ không còn quyền xử lý tài sản này nữa trong khi chưa rõ VAMC có tích cực xử lý các khoản nợ này không; một lượng lớn nợ xấu không có tài sản đảm bảo thì VAMC lại không mua; cuối cùng, việc bán nợ xấu cho VAMC có thể sẽ làm giảm uy tín của ngân hàng.

Đối với cơ quan quản lý: Chậm trễ trong việc ban hành các văn bản pháp lý về thị trường mua bán nợ (đến tháng 7/2015 mới có thông tư hướng dẫn mua bán nợ của TCTD). Đặc biệt là tiến trình xử lý nợ, tài sản đảm bảo trong khung pháp lý hệ thống tư pháp còn chậm chạp ảnh hưởng đến tính tích cực của chủ nợ lẫn con nợ trong quá trình giải quyết.

Cải tiến liều thuốc để tăng tác dụng chính, giảm tác dụng phụ là nhiệm vụ của toàn thị trường trong thời gian tới mà trọng trách chủ yếu là NHNN – cơ quan chủ quản chính. Để làm được điều đó, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tiếp tục cần được triển khai đồng bộ với xử lý nợ xấu. Một số công việc cụ thể cần làm như: (i) minh bạch hóa thông tin với công chúng để khẳng định được VAMC là “liều thuốc tốt” nhưng không phải “thần dược”; (ii) hoàn thiện cơ chế mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC với phương châm không phải nợ xấu nào cũng mua, không phải đối tượng nào cũng bán hướng đến mục đích cốt lõi là vực dậy doanh nghiệp; (iii) thanh tra giám sát nhằm hạn chế che giấu nợ xấu, khuyến khích các ngân hàng bán nợ xấu bằng nhiều biện pháp như tăng tỷ lệ tái chiết khấu đối với trái phiếu đặc biệt VAMC, tăng quyền hạn cho VAMC trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo…


Nguyễn Văn Thông
Theo Người Đồng Hành

Trở về

Bài cùng chuyên mục