tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Củng cố lòng tin với thị trường

  • Cập nhật : 10/09/2015

Một điểm đáng chú ý tại Dự thảo Thông tư quy định cho vay bằng ngoại tệ mà NHNN đang lấy ý kiến là không giới hạn thời gian, thay vì “chốt chặn” 31/12/2015 như Thông tư 43. Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng CIEM, đây là quyết định phù hợp và đúng đắn.

ts. vo tri thanh

TS. Võ Trí Thành

Trao đổi với phóng viên TBNH, ông Thành cho biết, việc hạn chế cho vay ngoại tệ bắt đầu từ năm 2011, khi Việt Nam muốn hạn chế nhập khẩu, cho vay đối tượng không tạo ngoại tệ, giảm thiểu tình trạng đô la hóa... Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn lưu động đối với DN xuất khẩu vẫn rất quan trọng. Riêng xăng dầu, đây là hàng hóa rất quan trọng cho tiêu dùng, sản xuất đầu vào.

Vì thế, việc duy trì và không giới hạn thời hạn cho vay ngoại tệ là rất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có nguồn vốn rẻ. Và cùng với chính sách tỷ giá ổn định sẽ giúp DN chủ động lên kế hoạch kinh doanh tốt hơn...

Nhưng vì sao NHNN lại chọn thời điểm này để “chỉnh sửa” Thông tư 43, thưa ông?

Cho vay ngoại tệ phụ thuộc chu kỳ kinh doanh, mà những tháng cuối năm là mùa kinh doanh của DN. Vì vậy, việc đưa ra quyết định sớm (thay thế Thông tư 43 - PV) sẽ giúp các DN tiên liệu được rủi ro trong phương án sản xuất kinh doanh, giảm sức ép cục bộ cầu ngoại tệ tại một thời điểm. Đây cũng là cách cơ quan quản lý gia tăng lòng tin của người dân, DN vào thị trường ngoại hối; khẳng định mặc dù có sức ép nhất định, nhưng NHNN vẫn đủ nguồn lực can thiệp thị trường.

Tôi được biết, đối với mặt hàng xăng dầu có những thời điểm trước đây cầu vay ngoại tệ tương đối lớn, nhưng không phải lúc nào các NH cũng đáp ứng ngay được. Nhưng vì đây là mặt hàng đặc biệt quan trọng cho nên phải tính toán cân đối trong ngắn hạn để không tạo áp lực lớn đến cung - cầu ngoại tệ.

Chúng ta đều biết, thế giới đang rất biến động mà câu chuyện này gắn với cán cân thanh toán, cũng như ảnh hưởng thị trường ngoại hối, tỷ giá… Cho nên, nhà điều hành chưa thể có một quyết định dài hơi khi mà nguồn lực còn hạn chế. Và khi cơ quan quản lý tin tưởng vào nguồn lực, khả năng can thiệp của mình, thì đó là thời điểm phù hợp để thực thi chính sách.

Ông đánh giá thế nào về tác động của Dự thảo Thông tư đến thị trường ngoại hối cuối năm, nếu được thông qua?

Về cơ bản, theo tôi thị trường ngoại hối ổn định. Nhưng, NHNN phải theo dõi sát để có chính sách kịp thời gắn với công bố thông tin minh bạch, rõ ràng. Trong tình hình thế giới với tính bất định cao, có nhiều biến số mà chúng ta không thể kiểm soát được thì không thể lơ là được. Ví dụ, Trung Quốc có điều chỉnh tỷ giá hay không, rồi việc Fed tăng lãi suất thời điểm nào, tăng bao nhiêu… phụ thuộc nhà hoạch định chính sách Trung Quốc và Mỹ chứ không phải Việt Nam.

Phân tích sâu hơn, theo tôi xác suất xảy ra việc điều chỉnh chính sách nói trên có thể thấp. Đồng nhân dân tệ (CNY) mấy ngày nay đã lên giá một chút. Trung Quốc cũng sẽ phải tính toán kỹ lưỡng nhiều chiều hơn sau những tác động tiêu cực từ việc phá giá mạnh đồng CNY vừa qua.

Đối với Fed, kinh tế thế giới hiện nay rất phức tạp, không chỉ đến từ những chuyển biến tiêu cực từ kinh tế Trung Quốc mà cả về quá trình phục hồi kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn hơn… Cho nên, hiện nhiều ý kiến nhận định Fed vẫn sẽ tăng lãi suất, nhưng lùi thời điểm một chút và mức tăng cũng không quá nhiều, có thể chỉ tăng 0,25%.

Nếu không có các cú sốc lớn trên, tôi cho rằng, việc đảm bảo ổn định tỷ giá từ nay đến đầu năm 2016 hoàn toàn có thể đạt được. Nhưng như nói, nền kinh tế thế giới đang đầy những biến động, xác suất vẫn sẽ xảy ra, nên không thể khẳng định chắc chắn. Chính vì vậy, theo tôi, bên cạnh đưa ra chính sách định hướng chung thì NHNN vẫn phải đặt ra kịch bản với những tình huống xấu hơn. Theo đó, NHNN phải có những đồng bộ chính sách để hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.

Xin cảm ơn ông!

Trở về

Bài cùng chuyên mục