tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phỏng vấn nhóm: 4 bí quyết thay đổi tình thế khi bị lấn át

  • Cập nhật : 18/11/2020

Phỏng vấn nhóm là một trong những hình thức phỏng vấn tuyển dụng được nhiều công ty, doanh nghiệp lựa chọn, nhất là cho những vị trí cần tuyển dụng nhiều người. Thông qua việc phỏng vấn nhiều ứng viên một lúc đồng thời đặt họ vào trong các câu hỏi tình huống hoặc dự án giả lập, nhà tuyển dụng có cơ hội so sánh một cách trực tiếp điểm mạnh, điểm yếu của từng ứng viên cũng như quan sát thái độ làm việc nhóm của họ. Nhưng cũng chính vì vậy, phỏng vấn nhóm đặt ra nhiều thách thức với ứng viên về mức độ cạnh tranh và sự thể hiện trước nhà tuyển dụng.

phong van nhom la mot trong nhung hinh thuc phong van tuyen dung duoc nhieu cong ty, doanh nghiep lua chon

Phỏng vấn nhóm là một trong những hình thức phỏng vấn tuyển dụng được nhiều công ty, doanh nghiệp lựa chọn

Hầu hết các ứng viên cho rằng phỏng vấn nhóm khiến cho họ căng thẳng và chịu nhiều sức ép hơn phỏng vấn thông thường. Có một thực tế rằng, nếu bạn không phải là tuýp người thích cạnh tranh thì việc bị các ứng viên khác lấn át khi phỏng vấn nhóm là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu rơi vào tình huống này, có 4 bí quyết có thể giúp bạn lật ngược tình thế nhằm thể hiện một cách tốt nhất trước nhà tuyển dụng. Hãy cùng tham khảo nhé.

Chứng minh bản thân là người phù hợp nhất

Trong khi các ứng viên khác tranh giành thể hiện về bằng cấp, kỹ năng và kinh nghiệm nhằm thể hiện mình là người giỏi nhất, bạn có thể áp dụng một chiến thuật khác biệt và hiệu quả hơn: chứng minh mình là ứng viên phù hợp nhất với vị trí cần tuyển dụng. Hãy bình tĩnh, tự tin kể cả khi bạn bị lấn át.

Bởi, không phải lúc nào người giỏi nhất cũng là ứng viên được chọn, mà đôi khi đó là ứng viên có sự kiên nhẫn và xử lý vấn đề tốt nhất, ứng viên có ít đòi hỏi và có xu hướng trung thành, hoặc đơn giản đó là người chăm chỉ, không ngại đi công tác, hay làm việc thêm giờ. Hãy chú ý kỹ yêu cầu thực sự của công việc trên các thông tin tuyển dụng việc làm và thể hiện rõ rằng mình có những tố chất của nhà tuyển dụng đang cần, bạn có thể đạt được lợi thế lớn so với các ứng viên khác.

Tập trung vào chất lượng thay vì số lượng

Bạn có biết rằng, trong quá trình phỏng vấn nhóm, không phải lúc nào người nói năng hùng hồn nhất, nói nhiều nhất, khoe khoang nhiều thành tích nhất cũng là ứng viên được đánh giá cao. Mỗi ứng viên đều có cơ hội để được trình bày và trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng, vì vậy bạn nên trình bày sao cho ngắn gọn, chính xác và đúng trọng tâm vấn đề. Hãy tránh việc trả lời một cách dài dòng, không đi thẳng vào vấn đề hoặc trả lời quá chi tiết, cụ thể một cách không cần thiết. Câu trả lời có chất lượng cao phải chứa đựng một thông điệp rõ ràng, có điểm nhấn và quan trọng nhất, nó phải được lắng nghe. Nếu các ứng viên lấn lướt bạn để đưa ra câu trả lời trước đó, hãy kiên nhẫn chuẩn bị và đợi đúng thời điểm nhà tuyển dụng có thể lắng nghe bạn để bạn thể hiện mình.

Một ví dụ nhỏ cho thấy câu trả lời “chất lượng” sẽ giúp bạn ghi điểm hơn trong mắt nhà tuyển dụng đó là: Nếu được hỏi về kinh nghiệm bán hàng từng có, một ứng viên thông minh sẽ chỉ cần trả lời rất ngắn gọn rằng anh ta đạt doanh số cao nhất tại công ty cũ trong hai tháng liền, với mức doanh thu ấn tượng. Không cần những chi tiết dài dòng về quy trình bán hàng hay cách chăm sóc khách hàng, tất cả những gì nhà tuyển dụng cần biết thực ra chỉ xoay quanh một con số, đó chính là doanh thu.

phong van nhom luon la mot cuoc dua day tinh canh tranh

Phỏng vấn nhóm luôn là một cuộc đua đầy tính cạnh tranh

Chủ động tạo ấn tượng với nhân vật chủ chốt trong ban tuyển dụng

Trong quá trình phỏng vấn nhóm, tùy vào từng công ty, sẽ có những thành viên khác nhau của ban tuyển dụng bao gồm chuyên viên và lãnh đạo phòng tuyển dụng, quản lý trực tiếp và quản lý cấp cao của bộ phận đang tuyển, và đôi khi là tổng giám đốc hoặc các lãnh đạo cấp cao khác. Giữa những thành viên này, nếu tinh ý quan sát, bạn sẽ nhận ra đâu là người có ảnh hưởng tới quyết định tuyển dụng. Lúc này, bạn hoàn toàn có thể chủ động tạo ấn tượng với nhân vật này thông qua việc đặt câu hỏi, hoặc nhắc tới kinh nghiệm có liên quan tới họ.

Thể hiện kiến thức và sự hiểu biết về công ty

Bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng sẽ đánh giá cao nỗ lực của ứng viên trong việc tìm hiểu về công ty cũng như vị trí công việc cụ thể tại công ty đó. Ví dụ, nếu bạn tới phỏng vấn cho vị trí chuyên viên truyền thông của công ty X nhưng bạn biết rõ rằng công ty X vừa kết thúc một chiến dịch quảng cáo lớn, họ thường xuyên đăng bài trên tạp chí Y, đồng thời họ cũng đang rất cố gắng đạt được một giải thưởng doanh nghiệp lớn cuối năm nay, thì bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt tới ban tuyển dụng. Đôi khi sự quan tâm và sự chuẩn bị kỹ càng, sâu sắc đối với công ty sẽ trở thành yếu tố quyết định giúp bạn chiến thắng trong phòng phỏng vấn, vượt qua tất cả những đối thủ khác.

Phỏng vấn nhóm luôn là một cuộc đua đầy tính cạnh tranh khi mà các ứng viên đều phải nỗ lực giành lấy công việc mơ ước thông qua phần thể hiện trước nhà tuyển dụng một cách vượt trội hơn những ứng viên khác trong phòng. Tuy vậy, một chiến thuật thông minh và tâm thế vững vàng, cùng với những kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp sẽ là những hành trang tốt nhất giúp bạn chiến thắng “cuộc đua” này. Nếu như sắp phải đối mặt với một buổi phỏng vấn nhóm, hi vọng những bí quyết trên đây sẽ giúp bạn bình tĩnh, tự tin chinh phục nhà tuyển dụng và đạt được mục tiêu của mình.

 

Ngân Linh

Trở về

Bài cùng chuyên mục