tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lotte muốn làm đường sắt Yên Viên - Lào Cai

  • Cập nhật : 20/11/2015

(Kinh te)

Tuyến đường sắt nối Hà Nội với Lào Cai dài gần 300 km có tầm quan trọng chỉ sau tuyến Bắc – Nam và hiện chiếm tới 30% sản lượng vận tải hàng hóa toàn ngành đường sắt.

Tập đoàn xây dựng hàng đầu Hàn Quốc – Lotte E&C vừa đệ đơn lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mong muốn được đầu tư Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai giai đoạn II  theo hình thức BLT (xây dựng - cho thuê - chuyển giao).

Nếu được chấp thuận, Lotte sẽ đệ trình phương án đầu tư sau 4 tháng nữa. Yêu cầu của Bộ GTVT đối với giai đoạn II Dự án là phải nâng được năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt phía Tây này đạt 5 triệu hành khách/năm và 7,5 triệu tấn hàng hóa/năm, rút ngắn thời gian chạy tàu trên tuyến khoảng 90 phút.

tap doan lotte e&c muon dau tu tuyen duong sat yen vien - lao cai theo hinh thuc xay dung - cho thue - chuyen giao

Tập đoàn Lotte E&C muốn đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai theo hình thức xây dựng - cho thuê - chuyển giao

Được biết, Lotte là một trong những nhà thầu xây lắp chính tham gia Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai giai đoạn I có tổng mức đầu tư 166 triệu USD vừa kết thúc. Tại Hàn Quốc, Lotte đã tham gia đầu tư một số dự án đường sắt như: tuyến cao tốc Gyeongbu; tuyến đường sắt hai tầng Cheongtyangri - Deokso; tuyến đường sắt nối trung tâm thành phố với cảng Pusan.

Dự kiến, sau khi hoàn thành việc cải tạo (khoảng 3 năm), Lotte cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thuê lại hệ thống hạ tầng. Mức giá và thời gian thuê sẽ được nhà đầu tư tính toán cụ thể trong phương án đầu tư.

Trước đó, giai đoạn I của Dự án đã được Bộ GTVT đưa vào khai thác vào cuối tháng với các hạng mục quan trọng gồm cải tuyến 4 km đường sắt có bán kính đường cong nhỏ; nâng cấp thay ray, tà vẹt 180 km đường sắt; xây dựng 10 cầu mới và cải tạo 43 cầu cũ; cải tạo, kéo dài và thêm đường ga cho 12 ga đảm bảo đón, gửi các đoàn tàu dài; xây mới, cải tạo nhiều cống và công trình thoát nước; và gia cố bảo vệ mái taluy, xử lý sụt trượt một số đoạn tuyến.

“Tổng mức đầu tư giai đoạn I của Dự án là 166,46 triệu USD, tương đương 3.434 tỷ đồng, từ vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); Tổng vụ Ngân khố Pháp (DGTresor) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam”, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt cho biết.

Được biết, ngoài phương án xã hội hóa do Lotte đề xuất, hiện Bộ GTVT vẫn đang rốt ráo làm việc với ADB để tìm vốn cho giai đoạn II Dự án.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, vào cuối tuần trước, Ban quản lý dự án đường sắt đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT làm việc với ADB để xác nhận khả năng đưa giai đoạn II Dự án vào danh sách các dự án cho vay vốn trong tài khóa 2016 – 2018.

Các hạng mục chính của giai đoạn II, Dự án bao gồm cải tạo, nâng cấp 50,46 km đường sắt, cải tuyến 6,32 km; xây dựng mới 1 ga; cải tạo 25 ga; cải tạo nâng cấp 21 cầu, xây mới 12 cầu.

Tính toán của đơn vị chủ đầu tư cho thấy, giai đoạn II của Dự án sẽ cần khoảng 113 triệu USD, trong đó dự kiến vay ADB 48 triệu USD, AFD 30 triệu USD, DGTresor 26 triệu USD (chủ yếu để mua sắm 143 bộ ghi P50 và khoảng 20 km ray, còn lại là tận dụng 6.400 tấn ray tương đương 50 km đường sắt còn dư của giai đoạn I).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, việc sớm triển khai giai đoạn II Dự án đang là yêu cầu cấp bách bởi đây là tuyến đường sắt đảm nhận 16% thị phần vận tải khách và hơn 29% thị phần vận tải hàng hóa đường sắt cả nước.

Trong tương lai, khi đoạn tuyến đường sắt nối từ ga Hải Phòng tới cảng Lạch Huyện được hoàn thành sẽ góp phần đóng mạch tuyến đường sắt xuyên quốc gia từ Côn Minh (Trung Quốc) qua Lào Cai về Hà Nội (ga Yên Viên) và ra cảng Hải Phòng. Ngoài việc gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam do chi phí vận chuyển thấp (đặc biệt là mặt hàng apatit), đây sẽ là cửa ngõ ra biển gần nhất cho các địa phương Tây Nam (Trung Quốc).

Liên quan đến việc lựa phương án đầu tư, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết là vẫn đang đợi đề xuất chi tiết của Lotte cũng như sự chấp thuận tài trợ vốn ODA của các nhà tài trợ cho giai đoạn II, Dự án.

“Hình thức đầu tư sau đó cho thuê hạ tầng mà Lotte đề xuất có tính khả thi cao và đang được nhiều quốc gia áp dụng thành công”, ông Đông cho biết.

(Theo Diễn đàn đầu tư)

Trở về

Bài cùng chuyên mục