tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Khốc liệt cuộc đua giành thị phần hàng không Việt Nam

  • Cập nhật : 07/09/2015

(Tin kinh te)

Thị trường hàng không Việt Nam đang chứng kiến cuộc đua giành thị phần khốc liệt giữa một bên là “ông lớn” Vietnam Airlines, một bên là VietJet Air - hãng hàng không tư nhân mới nổi. Đó là chưa nói đến sự trở lại khá mạnh mẽ của Jetstar Pacific.

khoc liet cuoc dua gianh thi phan hang khong viet nam

Khốc liệt cuộc đua giành thị phần hàng không Việt Nam


Thêm lực cho đội tàu bay

Cuộc đua giành thị phần của các hãng hàng không nội địa được thể hiện rõ nhất trong các kế hoạch nâng cấp đội tàu bay. Những ngày qua, khách hàng của Vietnam Airlines bay tuyến Hà Nội - TP HCM và ngược lại đã có cơ hội trải nghiệm trên “khách sạn 5 sao di động” - Boeing 787-9. Trước đó, chiếc máy bay thân rộng Airbus A350, một trong những chiếc máy bay hiện đại nhất thế giới mà Vietnam Airlines vừa nhận hồi tháng 7 cũng đã được hãng hàng không quốc gia khai thác trên tuyến này để tri ân những khách hàng thân thiết.

Được biết, trong năm 2015, ngoài chiếc A350, Vietnam Airlines sẽ bổ sung thêm vào đội tàu bay của mình ba chiếc A321 và bốn chiếc B787. Trao đổi với báo giới, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh khẳng định, trong vòng hơn ba năm, kể từ 2015, Vietnam Airlines sẽ đổi mới toàn bộ đội tàu bay thân rộng hiện tại bằng hai dòng máy bay mới, hiện đại của thế giới là Airbus A350 và Boeing 787-9.

Không kém cạnh trong cuộc đua nâng cấp đội tàu bay, 6 tháng qua, đội tàu bay của Vietjet tăng từ 6 chiếc lên 26 chiếc. Con số này chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng lên trong 6 tháng tới. Không quá ồn ào như Vietnam Airlines hay VietJet Air, song Jetstar cũng âm thầm nâng cấp đội tàu bay của mình. Đại diện hãng này cho biết, vừa nhận thêm hai máy bay hiện đại Airbus A320, nâng tổng số tàu bay lên 11 chiếc.

Nâng sao cho dịch vụ

Cùng với nâng cấp đội tàu bay, việc nâng chất lượng dịch vụ cũng là một trong những giải pháp quan trọng để các hãng hàng không cải thiện hình ảnh của mình trong mắt khách hàng. Theo đánh giá của Tổ chức đánh giá độc lập SkyTrax, phần lớn các tiêu chí dịch vụ mặt đất và dịch vụ trên không của Vietnam Airlines được đánh giá đạt 4-5 sao. Theo đánh giá qua kênh điều tra trên chuyến bay, chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines trong những năm 2013, 2014 được duy trì ở mức khá tốt. Điểm hài lòng tổng thể là 5,40 trên thang điểm 7.

Với VietJet Air, mặc dù mới khai thác từ cuối năm 2011 nhưng đã tạo được ấn tượng tương đối tốt với khách hàng. Trong các năm 2013 và 2014, VietJet đã triển khai một số chương trình nâng cấp chất lượng dịch vụ như: Chương trình “4 Your Smile” mang lại nụ cười đến với hành khách; dịch vụ “Courtesy service” nhằm hỗ trợ cho hành khách là người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ cần ưu tiên trợ giúp; triển khai dịch vụ cao cấp Skyboss nhằm vào những hành khách có thu nhập cao hơn, đa dạng hóa các sản phẩm của VietJet cung cấp cho thị trường... Cùng đó, VietJet cũng không ngừng mở rộng hệ thống tổng đài phục vụ khách hàng 24/7: Tăng nguồn lực, thiết bị, hạ tầng kỹ thuật. Tăng cường kênh giao tiếp thông tin với khách hàng thông qua website, facebook, tin nhắn…

Cũng như VietJet, cùng khai thác mô hình hàng không chi phí thấp nhưng Jetstar Pacific cũng đặt mục tiêu phục vụ hành khách và nâng cao chất lượng dịch vụ lên hàng đầu. Jetstar Pacific đã có những cố gắng để nâng cao chất lượng dịch vụ. Cuối tháng 5, hãng này chính thức triển khai giá trị mới, trở thành hãng hàng không tiên phong công bố giá trị hướng tới khách hàng, cam kết cung cấp dịch vụ chất lượng và sự hài lòng của khách hàng với slogan mới “Giá rẻ hàng ngày - Hài lòng khi bay”.

Thế lưỡng cực chưa thể hình thành

Một điều không thể phủ nhận là nếu không có những thay đổi mang tính đột phá, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục phải chia sẻ một phần không nhỏ thị phần cho các hãng hàng không khác. Trên thực tế, theo một báo cáo của Cục Hàng không VN, kể từ khi bắt đầu khai thác, VietJet Air đã vận chuyển trên 9 triệu khách và 65 nghìn tấn hàng hóa, với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2012-2014 là 41% về hành khách và 20,8% về hàng hóa. Năm 2014, VietJet Air vận chuyển khoảng 5,4 triệu khách với hệ số sử dụng ghế trung bình 89%. Thị phần hành khách nội địa tăng nhanh qua các năm và đến 2014, VietJet Air chiếm khoảng 29% thị phần nội địa.

Đáng nói hơn, trong 7 tháng qua, thị phần khách quốc tế của Vietnam Airlines giảm tiếp 1,9 điểm; thị phần khách nội địa giảm 9,5 điểm so với cùng kỳ 2014. Mức giảm điểm này đã vượt kế hoạch cả năm 2015, sẽ buộc Vietnam Airlines phải triển khai các kế hoạch mới trong 6 tháng cuối để có thể giữ và tìm cách giành lại thị phần cho cả hãng hàng không mẹ và các hãng hàng không thành viên có vốn góp.


Một điều dễ nhận thấy là trong những năm tới, trước mắt là trong nửa cuối năm 2015, thị trường vận chuyển hàng không nội địa sẽ chứng kiến một cuộc so kè quyết liệt giành khách giữa Vietnam Airlines và VietJet. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về hàng không, việc hình thành thế lưỡng cực tại thị trường khách nội địa chưa thể xảy ra, do Vietnam Airlines ngoài việc là cổ đông lớn tại hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific, còn sở hữu lợi thế rất lớn từ việc sở hữu các dịch vụ hậu cần hoàn chỉnh với nhiều lĩnh vực đang cho lợi nhuận cao. Hãng cũng đang tái cơ cấu quyết liệt để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Bản thân VietJet nếu không cải thiện hơn nữa tỷ lệ các chuyến bay đúng giờ (hiện ở mức 16,7%) sẽ khó giữ chân các khách hàng là doanh nhân, công chức từ các bộ, ngành - những người có yêu cầu cao về thời gian di chuyển.
 

Theo Thanh Bình
Giao thông
Trở về

Bài cùng chuyên mục