tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

EVN có kế hoạch huy động 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong 5 năm tới

  • Cập nhật : 24/08/2015

(Tin kinh te)

Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 479.620 tỷ đồng gấp 2,37 lần so với giai đoạn 2006-2010 và đạt 95,7% kế hoạch được giao. Trong nhiệm kỳ tới, EVN dự kiến sẽ huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư khoảng trên 600.000 tỷ đồng.

Huy động 97,5% kế hoạch vốn, đóng 865 công trình lưới điện

evn co ke hoach huy dong 600.000 ty dong von dau tu trong 5 nam toi

EVN có kế hoạch huy động 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong 5 năm tới


Giai đoạn 5 năm qua, EVN đưa vào vận hành 34 tổ máy với tổng công suất hơn 9.850MW, bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh; khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.629 MW. Đặc biệt, công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á công suất 2.400MW đã chính thức khánh thành vào ngày 23/12/2012.

Về lưới điện, EVN đã đóng điện 865 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây trên 13.360km, tổng công suất các trạm biến áp gần 61.000 MVA.
 
Tập đoàn EVN cho biết đã kết nối khép kín mạch vòng 500kV tại khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam và kết nối ở cấp điện áp 500kV lưới điện Đông Nam bộ với Tây Nam bộ và khả năng cung ứng điện của lưới điện tại nhiều khu vực. 

Trong đó, đưa vào vận hành các công trình nâng khả năng truyền tải Bắc - Nam: đường dây (ĐD) 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, ĐD 220kV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long; thay thế tụ bù dọc nhằm nâng cao khả năng tải cho cả 2 mạch đường ĐD 500kV Bắc - Nam; các công trình lưới điện đấu nối các nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu, các trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Mông Dương.

Sẽ đa dạng hóa hình thức huy động vốn 

Trong kế hoạch về nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2015 - 2020, EVN dự định sẽ thực hiện đa dạng các hình thức huy động các nguồn vốn trong nước và quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư nguồn và lưới điện. 

Theo đó, EVN sẽ chủ động xây dựng, tính toán nhu cầu vốn theo các dự án, chương trình đầu tư để làm việc với các Ngân hàng thương mại trong nước; tăng cường hợp tác, thuyết phục các tổ chức tài chính quốc tế để vay vốn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài. 

Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn vay nước ngoài như tranh thủ nguồn vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu của nước ngoài thông qua việc đấu thầu cung cấp thiết bị hoặc đấu thầu EPC; huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu trong nước và phát hành trái phiếu quốc tế.

EVN dự kiến sẽ đảm bảo huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016-2020 khoảng trên 600.000 tỷ đồng. Tập đoàn đặt mục tiêu hoàn thành đưa vào vận hành 19 tổ máy thuộc 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.819 MW. 

Đồng thời, EVN dự kiến đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và các nguồn điện cấp bách như: Thủy điện Lai Châu, các dự án thuộc Trung tâm Vĩnh Tân, Duyên Hải, Ô Môn. Chuẩn bị điều kiện khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận.

EVN cũng sẽ đặt điểm nhấn đầu tư cho các dự án theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt  nhằm đáp ứng mục tiên đến năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn có điện.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục