tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Doanh nghiệp ngoại đang chú ý tới ngành công nghiệp in ấn Việt Nam

  • Cập nhật : 08/09/2016

(Cong nghiep)

Ngành công nghiệp in ấn, bao bì đang có tốc độ phát triển cao và ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, thông qua các hình thức khác nhau như mua bán sáp nhập hoặc trực tiếp đầu tư nhà máy tại Việt Nam.

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Dòng – Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam (VPA) cho biết tại họp báo giới thiệu triển lãm máy - thiết bị ngành công nghiệp đóng gói bao bì in ấn, nhãn mác (VietnamPack & Print 2016) và triển lãm quốc tế về máy - thiết bị ngành công nghiệp chế biến thực phẩm (VietnamFoodtech 2016), diễn ra chiều 6/9.

Theo ông Dòng, cả nước hiện có 2.000 doanh nghiệp in, 1.000 hộ kinh doanh cá thể và thu hút khoảng 6.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực này. Trong năm 2015, doanh thu toàn ngành đạt khoảng 60.000 tỷ đồng và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong năm nay.

So với nhiều ngành khác, ngành công nghiệp in ấn, bao bì của Việt Nam được cho là tiềm năng bởi tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm. Do đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đổ vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh thông qua nhiều hình thức như: Thâu tóm các doanh nghiệp có thương hiệu hoặc doanh nghiệp hoạt động yếu kém, thành lập công ty tại Việt Nam. Đơn cử là trường hợp của Công ty Gift by Design của Hàn Quốc đã đầu tư nhà máy tại Quảng Nam.

Lý giải nguyên nhân ngành in ấn bao bì dù có tiềm năng phát triển nhưng các doanh nghiệp nội lại đang có xu hướng bán mình, ông Dòng cho hay, do doanh nghiệp nội chưa chú ý đến thị trường này đồng thời không đủ tự tin trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với quốc tế. Vì thế có những doanh nghiệp dù xây dựng được thương hiệu và tiềm lực trong lĩnh vực này nhưng đã chấp nhận bán cổ phần cho đối tác nước ngoài và chỉ duy trì số cổ phần ít ỏi. Điển hình là trường hợp của ông ty CP Bao bì Tín Thành (Batico) hoạt động trên 15  năm và có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng nhưng vẫn chọn giải pháp bán 80% cổ phần cho Tập đoàn SCG Thái Lan. Số khác do yếu về tài chính nên buộc phải tìm đối tác nước ngoài hợp tác để tái cấu trúc, duy trì hoạt động (trường hợp của Công ty Viễn Đông và Hoàng Hà là một ví dụ. Hiện hai doanh nghiệp này đã hoàn tất chuyển nhượng cho doanh nghiệp châu Âu).

Theo dự báo của VPA, xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới bởi hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhắm tới lĩnh vực này.

Nguồn: Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử

Trở về

Bài cùng chuyên mục