tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chỉ số hoạt động logistics của Việt Nam giảm: Đáng ngại, nhưng không bi quan

  • Cập nhật : 27/07/2016

Cuối tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo “Kết nối để cạnh tranh 2016: Logistics trong nền kinh tế toàn cầu”.

Sau những lần tăng điểm trong bốn báo cáo trước đây, báo cáo năm 2016 lần đầu tiên ghi nhận chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam bị giảm điểm. Hơn nữa, đó còn là một sự suy giảm gần như là toàn diện, bởi có đến 5/6 điểm thành phần của chỉ số LPI bị giảm, chỉ một thành phần tăng điểm rất hạn chế.

Đây là báo cáo chuyên đề logistics được công bố hai năm/lần về năng lực và hiệu quả của hoạt động logistics ở cấp quốc gia, với xếp hạng và phân tích dựa vào LPI.

Trước tiên, xin điểm qua cách thức LPI được xây dựng. LPI được tính toán dựa trên kết quả từ bảng câu hỏi được trả lời bởi các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực logistics trên toàn thế giới. Các chuyên gia này, căn cứ trên hiểu biết và trải nghiệm trực tiếp với công việc giao nhận hàng hóa tại các quốc gia mình có tương tác, sẽ cho điểm các quốc gia đó theo thang điểm từ 1 (kém nhất) đến 5 đối với từng điểm thành phần. LPI 2016 được xây dựng dựa trên kết quả trả lời của 1.051 chuyên gia về logistics trên toàn thế giới, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu (freight forwarding) và chuyển phát nhanh.

Do cách thiết kế bảng câu hỏi, có thể thấy rằng chỉ số LPI được xây dựng từ các đánh giá định tính. Từ đó, theo quan điểm của người viết, LPI có thể không phản ánh đầy đủ hiệu quả logistics các quốc gia đang phát triển trong thời gian dài, vì ngoại trừ những sai số có thể liên quan đến mẫu, nhiều sự thay đổi của hạ tầng và chính sách của một quốc gia sẽ mất nhiều thời gian hơn khoảng giữa hai báo cáo LPI để có thể phản ánh vào hiệu quả hoạt động logistics. Chính các tác giả báo cáo cũng khuyến cáo rằng cần hết sức cẩn thận khi giải thích thứ hạng và sự thay đổi thứ hạng của một quốc gia qua những báo cáo khác nhau.

Nói như vậy không đồng nghĩa với việc hạ thấp vai trò của chỉ số LPI, mà để hiểu rõ hơn những gì chỉ số này phản ánh, từ đó người làm chính sách có thể đưa ra những định hướng để cải thiện điểm số LPI trong các báo cáo sau.

Nếu các cơ quan chức năng liên quan không nhìn nhận nghiêm túc về những hạn chế của ngành logistics Việt Nam và có các biện pháp cải thiện, thì đó mới là điều đáng ngại nhất.

LPI giảm đương nhiên là đáng ngại, bởi trong mắt các chuyên gia logistics quốc tế thì hiệu quả hoạt động logistics tại Việt Nam đã suy giảm so với báo cáo trước. Tuy nhiên điều đó không hàm ý rằng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam kém hơn trước hay thủ tục hải quan phiền hà hơn trước, mà là những bước tiến của logistics Việt Nam trong thời gian qua chưa làm hài lòng những người trả lời.

Hơn nữa, trong khoảng thời gian giữa hai báo cáo, tại Việt Nam đã có một số thời điểm chuỗi cung ứng và hoạt động vận tải gặp khó khăn, có thể là nội sinh như vụ gây rối tại Bình Dương, Đồng Nai vào tháng 5-2014, hay ngoại sinh như ảnh hưởng từ hiện tượng kẹt cảng trên quy mô toàn cầu, dẫn đến một số cảng ở TPHCM và Cái Mép bị ùn tắc trong quí 3-2014. Những sự cố không mong muốn này đã ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp tại Việt Nam, qua đó tác động tiêu cực đến chỉ số LPI của Việt Nam.

Mặc dù lo ngại khi LPI Việt Nam giảm điểm song chúng ta cũng không nên bi quan về hoạt động logistics Việt Nam. Chúng ta đã có những công trình hạ tầng mới đi vào hoạt động và các dự án quan trọng đang được xây dựng. Cụm cảng Cái Mép đang khá sôi động với trên 20 tuyến dịch vụ của các hãng tàu lớn, cảng Lạch Huyện sẽ hoạt động từ năm 2018, ngành hải quan được các doanh nghiệp đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua.

Nhưng chúng ta cũng còn nhiều dự án hạ tầng quan trọng đang bị treo, hạ tầng kết nối của nhiều đầu mối giao thông quan trọng, như cụm cảng Cái Mép, vẫn còn yếu, ngành hải quan cải cách nhưng các đơn vị kiểm tra chuyên ngành chưa có bước đi tương ứng. Nếu các cơ quan chức năng liên quan không nhìn nhận nghiêm túc về những hạn chế của ngành logistics Việt Nam và có các biện pháp cải thiện, thì đó mới là điều đáng ngại nhất.

Chạy theo việc cải thiện chỉ số LPI có vẻ như “bệnh thành tích” không? Không, vì LPI đang nhận được nhiều sự quan tâm của giới làm chính sách quốc tế. Tại Pháp, diễn đàn quốc gia về logistics đã được thành lập trong năm 2015 sau một sáng kiến của Quốc hội, và tháng 3-2016 vừa qua, Chính phủ Pháp đã phê chuẩn chiến lược cho ngành logistics đến năm 2025 (France Logistique 2015) tập trung vào sáu lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, thành lập hội đồng giám sát hoạt động logistics...

Thông cáo của Chính phủ Pháp nhấn mạnh rằng logistics là thành tố quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của Pháp, tuy nhiên LPI của Pháp hiện chỉ xếp hạng 13 thế giới (2014), sau các quốc gia lân cận, và sự thiếu hiệu quả này đang khiến nền kinh tế Pháp thiệt hại hàng tỉ đô la Mỹ.

Cũng tại châu Âu, các quốc gia thuộc nhóm V4 (Cộng hòa Czech, Slovakia, Ba Lan, Hungary) sử dụng chỉ số LPI để đánh giá những bước phát triển ngành logistics từng quốc gia và của nhóm, qua đó đưa ra các khuyến nghị chính sách để phát triển mạng lưới logistics trong nhóm. Còn tại Thái Lan, Ủy ban Đầu tư Thái Lan sử dụng chỉ số LPI để quảng bá rằng đất nước chùa Vàng là trung tâm logistics của ASEAN. Người Thái cũng dựa vào LPI để xây dựng chiến lược phát triển logistics quốc gia 2013-2017, định vị đất nước này như là trung tâm thương mại và dịch vụ của tiểu vùng sông Mêkông và là một cửa ngõ của châu Á, đồng thời đặt mục tiêu giảm chi phí logistics/GDP xuống còn 15% GDP trong năm 2016.

Từ vai trò của LPI như đã đề cập, người viết tin rằng, đối với việc phát triển ngành logistics ở Việt Nam thì điều cần làm hiện tại là thành lập một ủy ban quốc gia về logistics, có thẩm quyền và nguồn lực đủ để xây dựng một chương trình hành động quốc gia về logistics. Một chương trình hành động thực tế, có mục tiêu cụ thể và được triển khai nghiêm túc sẽ không chỉ giúp cải thiện LPI của Việt Nam trong thời gian tới, mà còn giúp cho ngành logistics quốc gia phát triển bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ những sự cố không mong muốn và phản ứng nhanh với các sự cố trong chuỗi cung ứng, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không chỉ hấp dẫn với chi phí lao động cạnh tranh hay thị trường rộng lớn mà còn là nơi có hoạt động thương mại thuận lợi.

Theo Vũ Đặng Dương - TBKTSG

Trở về

Bài cùng chuyên mục