tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giấc mơ xe bay của Larry Page

  • Cập nhật : 05/07/2016

Nhà sáng lập Google muốn mở ra một kỷ nguyên du lịch hàng không được cá nhân hóa phù hợp với từng người.

Cách đây 3 năm, Thung lũng Silicon đã có thời gian mê đắm một startup tên là Zee.Aero. Công ty này đóng đô ngay cạnh trụ sở của Google ở Mountain View, California. Điều này khiến cho người ta tò mò vì Google gần như chiếm hầu hết diện tích đất ở khu vực này. Sau đó, một nhà báo đã bắt gặp hồ sơ về bằng sáng chế cho thấy Zee.Aero đang phát triển một chiếc máy bay nhỏ, hoàn toàn chạy bằng điện, có thể cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng - một chiếc xe hơi biết bay.

Trong nhiều bài báo sau đó, tất cả những gì startup này công bố là Công ty không trực thuộc Google hay bất kỳ hãng công nghệ nào khác. Và rồi Zee.Aero ngưng trả lời tất cả các câu hỏi của giới truyền thông. Thông tin duy nhất có được là từ các phi công nghiệp dư mà thỉnh thoảng đăng ảnh một chiếc máy bay có kiểu dáng rất lạ, cất cánh từ một sân bay gần đó.

Hóa ra, Zee.Aero không phải của Google hay của công ty mẹ Alphabet, mà thuộc Larry Page, đồng sáng lập Google. Page tự bỏ tiền túi “nuôi” Zee.Aero từ khi startup này được thành lập vào năm 2010. Anh yêu cầu không nói gì về sự “dính líu” của anh với Zee.Aero, theo những người thân cận với Công ty. Tuy nhiên, Zee.Aero chỉ là một phần trong kế hoạch của Page nhằm mở ra một kỷ nguyên du lịch hàng không được cá nhân hóa phù hợp với từng người, giải phóng khỏi các con đường bị ùn tắc giao thông và những chuyến bay đông đúc người. Giống như Jeff Bezos (ông chủ Amazon) và Elon Musk (ông chủ hãng xe điện Tesla), Page đang dùng tiền túi để biến giấc mơ thời thơ ấu thành hiện thực.

larry page dang dung tien tui de bien giac mo thoi tho au thanh hien thuc. anh: businessinsider.com

Larry Page đang dùng tiền túi để biến giấc mơ thời thơ ấu thành hiện thực. Ảnh: businessinsider.com

Trụ sở của Zee.Aero là tòa nhà trắng 2 tầng có diện tích gần 2.800 m2. Với xấp xỉ 150 nhân viên, Công ty hiện đã bành trướng sang một nhà chứa máy bay ở Hollister, cách khoảng 70 phút lái xe từ Mountain View, nơi Công ty thực hành bay thử nghiệm. Zee.Aero cũng có một nhà máy sản xuất trên khuôn viên của Trung tâm Nghiên cứu Ames thuộc NASA ở rìa Mountain View. Page đã bỏ ra hơn 100 triệu USD vào Zee.Aero, theo 2 người biết rõ về công ty và số tiền bỏ ra sẽ không dừng ở đó. Năm ngoái, một startup xe bay thứ hai do Page rót vốn có tên là Kitty Hawk đã bắt đầu đi vào hoạt động, đặt trụ sở tại một tòa nhà văn phòng 2 tầng cách văn phòng của Zee.Aero khoảng nửa dặm.

Các nhân viên của Kitty Hawk hoàn toàn độc lập với Zee.Aero. Họ đang phát triển một mẫu thiết kế máy bay có tính cạnh tranh. Chủ tịch là Sebastian Threoun, “bố già” chương trình xe tự lái của Google và nhà sáng lập bộ phận nghiên cứu Google X. Page và Google từ chối nói về Zee.Aero hay Kitty Hawk.

Xe bay có vẻ là một ý tưởng khá điên rồ. Bằng chứng là nhiều nỗ lực đã tập trung vào phát triển xe bay trong nhiều thập niên nhưng kết quả vẫn chưa đi tới đâu. Nhưng những thất bại này không vì thế mà làm dịu đi nỗi khao khát về một chiếc xe bay. Bởi lẽ, vật liệu tốt hơn, hệ thống dẫn đường tự động được cải tiến và các tiến bộ kỹ thuật khác đã thuyết phục một bộ phận người giàu có, thông minh và tâm huyết rằng trong vài năm tới, con người sẽ có một chiếc xe tự bay được, có thể cất cánh, hạ cánh theo chiều thẳng đứng. Hiện có hơn 10 công ty trên thế giới, trong đó có các startup và các hãng sản xuất máy bay lớn đang triển khai các nguyên mẫu xe bay.

Người nhiệt tình nhất với xe bay là Paul Moller, 79 tuổi, Giáo sư danh dự tại Đại học California ở Davis. Cách đây 50 năm, khi dạy môn kỹ thuật hàng không và cơ khí, ông đã hun đúc ý tưởng làm một chiếc xe bay mà có thể đậu trong garage, lái qua một vài block tòa nhà tới một đường băng nhỏ, sau đó cất cánh. Ông đã thử nghiệm nguyên mẫu đầu tiên, chiếc XM-2 vào năm 1966. XM-2 giống một chiếc đĩa bay có ghế ngồi ở giữa, được bảo vệ bởi một bong bóng nhựa. Nhưng nó chỉ có thể bay lên độ cao hơn 1 m.

Vào năm 1989, chiếc M200x của ông đã bay cao hơn 15 m so với mặt đất. Rồi chiếc M150 Skycar, M400 Skycar, 100LS, 200LS, Neuera 200 và chiếc Firefly lần lượt ra đời. Vào tháng 1.2000, Moller đã có một bài diễn thuyết về xe hơi bay tại Trung tâm nghiên cứu Palo Alto (PARC). Tại đó, một kỹ sư khoảng hơn 20 tuổi đã khẳng khái bày tỏ sự hứng thú đối với ý tưởng của Moller nhưng anh vẫn còn hoài nghi liệu chiếc máy bay cá nhân có khả thi về mặt kỹ thuật hay không. Chàng trai trẻ đó chính là Larry Page.  Moller lại tiếp tục thử nghiệm. Ông cho biết đã tốn hơn 100 triệu USD phát triển các mẫu thiết kế nhưng rồi tuyên bố phá sản vào năm 2009.

Cũng cùng năm đó Moore, nhà nghiên cứu NASA, đã đăng bài viết mô tả một chiếc máy bay concept gọi là Puffin. Ý tưởng của Moore là dùng động cơ điện, vốn êm hơn, an toàn hơn và ít có các phần chuyển động hơn so với động cơ đốt trong hoặc các turbine thông thường. “Bằng cách dùng động cơ điện, bạn đã loại bỏ được gần hết những thứ phức tạp, cũng như vấn đề chi phí và những gì không đáng tin cậy. Đó là lý do vì sao các công ty nhảy sang lĩnh vực này không hề điên chút nào”, Moore nói. Moore đánh giá cao Tesla của tỉ phú Elon Musk và các hãng xe khác vì đã cải tiến được công nghệ điện.

Bài báo của Moore đã khơi lại nguồn cảm hứng đối với xe bay. Vào khoảng năm 2009, một nhóm nhỏ các kỹ sư đã ngồi họp lại ở Thung lũng Silicon để bàn bạc tài trợ cho một dự án máy bay điện. Một trong số đó là JoeBen Bevirt, kỹ sư cơ khí và là doanh nhân khởi nghiệp. Bevirt từng có cơ hội làm việc cho Moller khi còn học tại Đại học California ở Davis. Một người khác là Ilan Kroo, Giáo sư về du hành vũ trụ và hàng không tại Stanford. Và một người nữa chính là Larry Page.

Ban đầu cả nhóm dự tính sẽ cùng phối hợp thực hiện nhưng cuối cùng Kroo và Page đã tách ra để thành lập Zee.Aero. Riêng Bevirt đã thành lập Joby Aviation, một công ty mà anh hy vọng sẽ đưa sản phẩm ra thị trường trước cả Zee.Aero và chứng minh nỗ lực của anh với Moller và sự nghiệp cả đời của ông ấy không hề vô nghĩa.

Bevirt tự bỏ tiền túi để trang trải chi phí ở Joby Aviation. Đến năm ngoái, Paul Sciarra, đồng sáng lập Pinterest, đã chung tay với anh để thực hiện giấc mơ này. “Mục tiêu là phát triển một sản phẩm có tác động đến đời sống của tất cả mọi người, chứ không chỉ là những phi công nghiệp dư hay người giàu có”, Sciarra nói.

Sciarra và Bevirt hy vọng bắt đầu thực hiện một máy bay “quy mô con người” vào cuối năm nay. Họ không đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật chính xác nhưng nói rằng có thể chở một gia đình gồm 4 người và bay khoảng 100 dặm chỉ với 1 lần sạc pin. Chiếc xe bay này lai giữa máy bay chở khách và máy bay trực thăng, được trang bị khoảng 8 cánh quạt trên cánh máy bay và đuôi.

Joby Aviation đã xây dựng những nguyên mẫu nhỏ hơn của chiếc xe bay này. Bevirt và Sciarra tận mắt thấy chiếc xe bay cất cánh từ garage, mái nhà hoặc các khu vực dọc theo đường cao tốc. Cả hai muốn cung cấp các chuyến bay như dịch vụ gọi xe Uber, tức có thể gọi một chiếc máy bay khi có nhu cầu đi lại.

Máy bay Joby tương tự như các chiếc máy bay khác đang được triển khai trên khắp thế giới. Vào tháng 5, công ty Đức E-volo đã thực hiện chuyến bay có người lái với Volocopter, một chiếc máy bay 2 chỗ ngồi được gắn 18 cánh quạt. Các startup xe bay khác còn có AeroMobil, Lilium Aviation và Terrafugia. Thậm chí Airbus cũng đã phát triển một nguyên mẫu xe bay 2 chỗ ngồi tại phòng thí nghiệm ở Thung lũng Silicon, theo 2 người thân cận với thiết kế của chiếc máy bay này.

Larry Page cũng muốn có phần trong giấc mơ xe bay. Trong 6 năm kể từ khi thành lập, Zee.Aero đã tuyển dụng những nhà thiết kế hàng không vũ trụ trẻ và xuất sắc, những kỹ sư phần mềm và chuyên gia trong lĩnh vực động cơ và pin. Họ đến từ những tổ chức như SpaceX, NASA và Boeing và đều theo đuổi cùng một mục tiêu là thay đổi ngành hàng không cá nhân.

Dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Kroo, Zee.Aero đã cho ra đời một số nguyên mẫu, ban đầu là chiếc xe bay một người ngồi có hình dạng khá kỳ quặc với thân dài, hẹp. Sau đó, Công ty cũng cho ra đời những phiên bản nhỏ hơn nhưng cũng không có nguyên mẫu nào đủ lớn để vừa một người ngồi. Qua thời gian, Công ty nhận ra đó có thể không phải là thiết kế hay nhất, theo 3 nhân viên từng làm ở Zee.Aero. Page cũng trở nên không hài lòng với tiến triển của dự án. Vào năm 2015, Kroo đã quay trở lại giảng dạy ở Stanford toàn thời gian nhưng vẫn tiếp tục tư vấn cho Zee.Aero, trong khi kỹ sư trưởng của Công ty là Eric Allison trở thành CEO.

Dưới thời của Allison, Zee.Aero bắt đầu nghiên cứu các nguyên mẫu đơn giản hơn, có kiểu dáng truyền thống hơn, giờ đang bay thử nghiệm ở sân bay Hollister Municipal Airport. Sân bay này rất phổ biến trong giới phi công nghiệp dư nhờ các luồng gió thuận lợi và không có nhiều máy bay thương mại. Sân bay mở cửa hoạt động từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều vào các ngày làm việc, nhưng nhân viên Zee.Aero thường bay thử nghiệm khi không có ai xung quanh. Tuy nhiên, những người làm việc tại sân bay đã thoáng thấy 2 chiếc Zee.Aero trong những tháng gần đây. Đối với Page, dự án này cực kỳ riêng tư.

Page thường dành các buổi tối với Musk, nghĩ cách làm sao thay đổi cách thức con người đi lại. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Bloomberg Businessweek cách đây vài năm, Page thừa nhận: “Một khoản tiền lớn đã được rót vào nhiều lĩnh vực startup internet, điều đó rất tuyệt. Nhưng với một số vấn đề thực tế mà chúng ta đối mặt, tôi nghĩ cần các loại đầu tư khác nữa. Tôi có con nhỏ, tôi muốn chúng được an toàn.Tôi muốn người đi bộ được an toàn hơn. Tôi muốn người mù và người già và người trẻ được đi nhiều nơi”, anh nói.


Ngô Ngọc Châu
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)

Trở về

Bài cùng chuyên mục