tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

VN-Index bị “cầm chân”

  • Cập nhật : 05/10/2015

(Tin kinh te)

Khi những dữ liệu thống kê tiền tệ được công bố các nhà đầu tư đã có thể mường tượng vì sao dòng tiền vào chứng khoán sụt giảm dẫn đến sự co hẹp thanh khoản trong những tháng qua.

vn-index bi “cam chan”

VN-Index bị “cầm chân”


Theo Tổng cục Thống kê đến ngày 21-9-2015 tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 10,78%, mức cao nhất cho ba quí kể từ năm 2011 trong khi tổng huy động vốn chỉ tăng 8,9% và tổng phương tiện thanh toán tăng 8,88%. Sự gia tăng vốn huy động thấp hơn hẳn tăng trưởng tín dụng cho thấy các ngân hàng đang cần vốn tập trung cho hoạt động này. Tăng trưởng cung tiền cũng không phải ở mức quá cao so với chỉ tiêu cả năm và chắc chắn được dành hỗ trợ tín dụng nhiều hơn chảy vào các kênh khác.

Đã thế dòng tiền vào chứng khoán còn đang chịu tác động lớn từ biến động tỷ giá. Không thể nói rằng dòng vốn trong xã hội đã thờ ơ với sự điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tháng 8-2015. Tiền nhàn rỗi, và một phần từ chứng khoán hoặc từ tiết kiệm tiền đồng đã dịch chuyển sang ngoại tệ.

Theo chi nhánh NHNN TPHCM, trong chín tháng đầu năm nay tiết kiệm ngoại tệ của dân cư trên địa bàn tăng 17% so với đầu năm, gấp ba lần cùng kỳ. Tiền gửi thanh toán của doanh nghiệp cùng thời gian trên cũng tăng 8%, gấp ba lần cùng kỳ.

Mức tăng xảy ra đột biến trong tháng 8 khi tiết kiệm ngoại tệ tăng 5% so với tháng 7, còn tiền gửi thanh toán ngoại tệ của doanh nghiệp tăng tới 9% so với tháng 7.

Sự điều chỉnh tỷ giá đã khiến tâm lý phòng thủ không chỉ xuất hiện tạm thời rồi biến mất, mà dường như nó đang ngày một cắm rễ sâu hơn. Xu hướng vốn huy động ngoại tệ tăng, còn dư nợ ngoại tệ giảm đã được chứng thực. Tại TPHCM cho vay ngoại tệ giảm 3% so với đầu năm, trong đó riêng trong tháng 8 giảm 2%, không ít doanh nghiệp vay ngoại tệ đã trả nợ trước hạn.

Một điều khó lý giải, theo các ngân hàng, một bộ phận khách hàng gần đây đã không còn gửi tiết kiệm tiền đồng dài hạn do lãi suất thấp. Thay vào đó, họ rút tiền để mua bất động sản. Rất ít khách hàng cho biết sẽ mua cổ phiếu. Nhà đất vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên lựa chọn, chứ không phải cổ phiếu bởi giả dụ giá có lên xuống, bất động sản vẫn nằm đó, không thể nào biến thành tờ giấy vụn như chứng khoán được.

Bất chấp thông tin từ các hãng tin quốc tế có văn phòng đại diện ở Việt Nam như Bloomberg đăng tải ý kiến của nhiều chuyên viên về sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán, chẳng hạn chỉ số P/E của Việt Nam thấp nhất khu vực, cuộc tái cơ cấu ngân hàng bước đầu mang lại kết quả, mở room cho nước ngoài... VN-Index tiếp tục yếu ớt trong tuần qua và chưa có biểu hiện sẽ “ấm lên” trong một vài tuần tới. “Có thực mới vực được đạo”, chừng nào dòng tiền chưa được cải thiện, chứng khoán còn giao dịch lình xình.

“Cầm chân” VN-Index còn phải kể đến yếu tố ngoại. Khối ngoại đã liên tục bán ròng một số cổ phiếu có “vai vế” trên sàn như MSN, KDC, HPG, HAG với mục tiêu thoái vốn.

HAG là một trong các cổ phiếu bị khối ngoại rút vốn nhiều nhất. Hiện thị giá HAG đang ở mức thấp nhất trong vòng ba năm qua, đóng cửa ngày 29-9-2015 ở 14.800 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở HAG đã giảm về 20,94% hiện tại từ mức 34,53% ngày 19-2-2014 tức trong vòng 18 tháng khối ngoại đã bán ròng 107 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 2.000 tỉ đồng. Gần 100 triệu đô la Mỹ đã bị rút ra khỏi một cổ phiếu qua giao dịch trên sàn, đủ thấy tính khốc liệt của sự vào ra của vốn gián tiếp.

Cùng trong thời gian 18 tháng trên, tỷ lệ sở hữu của nước ngoài ở KDC giảm từ 44,69% xuống 25,13%. Hơn 50 triệu cổ phiếu, trị giá ước 2.500 tỉ đồng đã bị bán ròng. Phần lớn số cổ phiếu được nước ngoài bán ra trước khi KDC chia cổ tức khủng 200%, khi thị giá còn 45.000-50.000 đồng/cổ phiếu. Việc chuyển nhượng 80% mảng kinh doanh bánh kẹo cho Mondēles của KDC đã làm khối ngoại thất vọng. Nó không khác bao nhiêu so với việc HAG chuyển từ kinh doanh bất động sản sang nông nghiệp. Một quỹ đầu tư ngoại vốn “chung tình” với HAG nhiều năm, gần đây đã thoái vốn xong, nói họ rời bỏ HAG vì công ty không còn là doanh nghiệp bất động sản Việt nữa.   

MSN hay HPG cũng là hai mã bị khối ngoại “chia tay” ở một mức độ nào đó. Thị giá MSN đang ở mức thấp nhất của ba năm, tương tự HAG. Các đợt bán ra của khối ngoại đối với HPG ít gay cấn hơn do kết quả hoạt động kinh doanh của HPG tốt hơn năm trước nên được các nhà đầu tư nội vào đỡ giá. Một số quỹ không bán HPG lấy được như đã từng làm với HAG. Họ bán HPG mỗi khi được giá và ngưng bán khi thị trường chung đi xuống. Vì thế, thời gian thoái vốn của họ ở mã này có thể còn kéo dài.

Chứng khoán luôn có lý lẽ riêng để gây bất ngờ. Việc bị “cầm chân” của nó liệu có sắp bị tháo tung? Hãy chờ xem!
 

Theo Hải Lý
TBKTSG
Trở về

Bài cùng chuyên mục