tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nóng cổ phiếu thép

  • Cập nhật : 17/06/2016

Ngành thép trở thành một trong những cổ phiếu nóng trong tuần này.

Ngay phiên đầu tuần, 13/6 bất chấp việc thị trường chung điều chỉnh, cổ phiếu ngành thép có mức tăng khá ấn tượng. HSG, NKG, TLH, SMC, VGS... SMC và TLH đều chốt phiên tăng trần.

Sang phiên sau đó nhóm cổ phiếu thép tiếp tục tăng nóng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Có thể kể đến HSG, SMC, VGS, NKG... trong đó HSG đã có lúc tăng tới mức giá trần (43.000 đồng). Ngay cả HPG bị điều chỉnh giảm nhẹ phiên trước đó cũng bật tăng trở lại.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Những làn sóng thép được lý giải đến từ xu hướng tăng giá thép của các DN trong thời gian gần đây cũng như bức tranh kinh doanh khá sáng sủa của ngành quý I/2016. Dự báo về triển vọng ngành thép năm 2016 của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, toàn ngành sẽ tăng trưởng khoảng 15% so với năm vừa qua. Kết quả kinh doanh quý I/2016 cũng đã phần nào phản ánh bức tranh này.

Theo VSA, toàn ngành đã sản xuất được 3.903.651 tấn sản phẩm thép (tăng 277,9% so với cùng kỳ năm 2015); sản lượng tiêu thụ đạt 3.531.416 tấn (tăng 350,3% so với cùng kỳ năm).

Đặc biệt là sau khi Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Malaysia Indonesia, Đài Loan, đến nay thị trường đã có sự phục hồi tích cực, nhu cầu tăng, giá thép trong nước cũng tăng theo. Các DN sản xuất thép đều đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, đem lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao.

Thống kê của CTCK Đông Nam Á cho thấy đến thời điểm ngày 1/6/2016, trên thị trường niêm yết có khoảng 10 DN ngành sản xuất thép tập trung chủ yếu tại sàn HSX (7 công ty), HNX (2 công ty).

Trong đó, vốn hóa đứng đầu là các DN như: CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HPG) đạt 24.404,1 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) là 6.498,9 tỷ đồng, CTCP Thép Nam Kim (NKG) là 845,6 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn thép Nam Kim (TLH) là 648,9 tỷ đồng, CTCP Thép Việt Ý (VIS) là 511,9 tỷ đồng, CTCP Ống thép Việt Đức VG PIPE (VGS) 381,6 tỷ đồng…

Kết thúc quý I/2016, HPG nổi lên là DN có doanh thu lớn nhất đạt 7.142,4 tỷ đồng (tăng 22,3% so với cùng kỳ), tiếp sau đó là HSG đạt 4.383,5 tỷ đồng. NKG và VGS là những đơn vị có doanh thu tăng mạnh tương ứng 1.798,6 tỷ đồng (tăng 52,9%), 1.160,4 tỷ (+49,8%). Doanh thu sụt giảm thuộc về VIS (-8,6%).

Song hành cùng quy mô HPG tiếp tục là DN có lợi nhuận lớn nhất đạt 1.020,1 tỷ đồng, tăng 56,8%. Tiếp đó là HSG đạt 418,2 tỷ đồng tăng 262,1%, NKG đạt 65,9 tỷ tăng 221,5%. HSG tiếp tục dẫn đầu với EPS ở mức 7.882 đồng/cổ phiếu, HPG đạt 5.265 đồng/cổ phiếu, NKG đạt 3.455 đồng/cổ phiếu.

Sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với mức tăng doanh thu cho thấy, các DN ngành thép đã sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết giảm chi phí. Với dự báo của VSA thời gian tới giá thép sẽ nhích hơn do giá nguyên liệu sản xuất thép đang tăng. Nhu cầu của thị trường tốt hơn bởi đang mùa xây dựng và bất động sản đang đà khởi sắc.

Kết quả kinh doanh quý II/2016 của các DN cũng đang hứa hẹn những bước khởi sắc mới. Ví như HSG, khả năng cao sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm. Với 605,4 tỷ lợi nhuận sau thuế đạt được trong 6 tháng đầu niên độ 2015-2016, HSG đã hoàn thành gần 92% kế hoạch lãi ròng 660 tỷ đồng cho cả năm.

Hay với HPG, phân tích của VCBS cho thấy việc thuế tự vệ áp lên phôi thép và thép thanh sẽ mang lại hiệu ứng tích cực ngắn hạn cho HPG. “Chúng tôi cho rằng, HPG sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ chính sách này trong ngắn hạn do có thể tăng cường lợi thế cạnh tranh về giá từ đầu vào lẫn đầu ra” báo cáo viết. Cùng với đó, là những nguồn thu mới như Khu liên hợp gang thép giai đoạn 3 đã hoàn thành và đi vào hoạt động kể từ cuối quý I/2016.

Tuy nhiên, ngành thép vẫn còn nhiều khó khăn. Trên thực tế, trong năm 2015 các DN sản xuất thép trong nước phải chịu sức ép cạnh tranh lớn do nguồn thép nhập khẩu từ nước ngoài tràn vào, nhất là thép Trung Quốc. Bên cạnh đó, sản phẩm thép của ta liên tục bị các nước trong khu vực và trên thế giới khởi xướng điều tra bán phá giá. Chỉ riêng năm qua đã có tới 6 vụ kiện về sản phẩm thép, trong đó 3 vụ do Malaysia và 3 vụ do Thái Lan khởi xướng.

Quan trọng hơn, những yếu tố thuận lợi của ngành thép trong năm 2016 dường như đã phản ánh vào giá. So sánh thời điểm 18/1/2016 và ngày 15/6/2016, giá cổ phiếu HPG đã tăng 53,2% đạt 38.000 đồng/CP. CP HSG cũng có cùng mức tăng 53,2% lên 42.600 đồng/CP. CP NKG tăng tới 81,1% lên 21.100 đồng/CP. CP VGS tăng 137% lên 12.800 đồng/CP, CP TLH tăng 196,9% lên 9.800 đồng/CP…

Chính vì vậy trong bối cảnh dòng vốn ngoại không còn giải ngân ồ ạt vào thị trường khiến chỉ số chỉ có thể nhích chậm, kèm theo đó, tâm lý thận trọng trước thềm các tin tức kinh tế thế giới quan trọng cũng là yếu tố đáng quan tâm, NĐT nên cẩn trọng.


Nhất Thanh
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục